Pomina – “chú voi” ngủ quên

(NDH) Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành chớp lấy cơ hội để vùng lên từ sự phục hồi của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu thụ tăng cao thì Pomina dường vẫn chưa tỉnh giấc. “Chú voi” năm nào của thị trường dường như vẫn bị cùm chân.

"Sa lầy"
CTCP Thép Pomina (Mã: POM) niêm yết Sở GDCK TP.HCM (HoSE) từ năm 2010. Trong suốt 2 năm 2010 – 2011, Pomina làm mưa làm gió trên thị trường thép nóng cán nguội, liên tục dẫn đầu thị phần với tỷ trọng lần lượt 17% và 15,6%. Đối thủ cạnh tranh chính của Pomina thời bấy giờ có Hòa Phát, Vnsteel.
Năm 2011, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thép xây dựng bắt đầu khó khăn và được dự báo tiếp tục khó khăn trong những năm tiếp theo do suy thoái kinh tế và cung vượt quá cầu do sẽ không còn nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động kể từ cuối năm. Trước tình hình đó, thị trường kỳ vọng vào sự xuất hiện của Nhà máy hơn 300 triệu USD của Pomina – nhà máy Pomina 3 – nhà máy luyện phôi thép lớn nhất Việt Nam với công suất 1 triệu tấn/năm đặt tại Khu Công nghiệp Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuy nhiên, nhà máy Pomina 3 đi vào vận hành tháng 6/2012 sớm gây thất vọng khi chi phí tăng mạnh nhưng sản lượng thép bán ra của Pomina cùng năm đó chỉ tăng nhẹ 3% do nhà máy mới chỉ chạy được 40% công suất (công suất thiết kế năm thứ nhất là 54%). Hệ quả, lợi nhuận năm 2012 của Pomina giảm từ 404 tỷ đồng (năm 2011) xuống còn vỏn vẹn 4,6 tỷ đồng. Hai năm tiếp theo sau đó, Pomina triền miên trong thua lỗ.
Cùng với thua lỗ, thị phần của Pomina cũng sụt giảm và nhanh chóng nhường “ngôi vương” cho Hòa Phát vào năm 2014. Năm 2013, thị phần Pomina là 15,9% thì năm 2014 chỉ còn 15%. Trong 9 tháng đầu năm, Pomina chỉ đạt thị phần 13,3% (mục tiêu thị phần cả năm là 15%), đứng sau Thép Hòa Phát 21,72%.

Đi tìm lời giải
Sau 2 năm liên tiếp 2013-2014 chìm trong thua lỗ, Pomina đặt ra mục tiêu năm 2015 với doanh thu thuần 11.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng. Sở dĩ đặt ra mục tiêu cao như vậy vì Công ty dự báo thị trường BĐS năm 2015 sẽ hồi phục mạnh và tiếp tục tăng lên; không còn xu hướng giá nguyên liệu thế giới có giảm sâu ảnh hưởng đến lợi nhuận năm 2014.
Tuy nhiên, trong 9 tháng đầu năm, Pomina chỉ đạt doanh thu 7.752,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 19 tỷ đồng. Trong khi doanh thu hoàn thành 70% kế hoạch năm thì lợi nhuận mới chỉ đạt 9,5%. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối kỳ vẫn ở mức âm 220,6 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh giảm sút và thua lỗ trong nhiều năm của Pomina có thể được lý giải bằng việc chi phí lãi vay tăng cao, nhà máy Pomina 3 hoạt động không hiệu quả và nợ vay dài hạn, lỗ tỷ giá cao.
Về vấn đề nợ vay, tính đến hết tháng 9/2015, Pomina có số nợ phải trả 5.546 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 4.869,5 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ/tổng tài sản là 70%.

Pomina thực hiện vay ngắn hạn bằng cả tiền VND và USD, trong đó vay USD từ VietinBank và Vietcombank là 511 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 12,5%. Do đó, rủi ro chênh lệch tỷ giá ảnh hưởng khá cao tới chi phí tài chính đối với Pomina. Chưa kể tới việc, chi phí lãi vay cho các khoản nợ này là không nhỏ.

Về nhà máy Pomina 3, dự án này có tổng vốn đầu tư 1.379 tỷ đồng, trong đó vốn tự có 495 tỷ đồng, tương đương 36%. Tỷ lệ hoàn vốn nội tại trong 10 năm. Hẳn khi quyết định đầu tư dự án lớn này (năm 2009), Pomina ít nhiều cho rằng sẽ tận dụng được lợi thế giá nguyên liệu thấp do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và có thể đón đầu cơ hội tăng trưởng khi thị trường phục hồi.
Tuy nhiên, hơn 3 năm sau kinh tế Việt Nam không những chưa phục hồi mà còn khó khăn hơn,và dự án này thì cũng chưa thể kéo được Pomina ra khỏi “vũng lầy” của sụt giảm và thua lỗ.
Cơ hội "thức giấc"?
Trong bối cảnh thị trường văn phòng và nhà ở có sự hồi phục, Hiệp hội Thép Việt Nam mới đây công bố sản lượng thép xây dựng 11 tháng đầu năm 2015 đạt 6,1 triệu tấn, tăng 30,1% so với cùng kỳ và cũng là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Cùng với đó, lượng thép tiêu thụ đạt kỷ lục 5,9 triệu tấn, tăng 24,3%. Hòa Phát tiếp tục giành thêm thị phần và đang nắm giữ 21,45%.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, trong năm 2015, thép xây dựng có mức giảm giá nhẹ hơn so với tôn mạ, nhưng nhìn chung vẫn giảm với tốc độ chậm hơn nếu so với diễn biến giảm giá của nguyên liệu đầu vào và giá thép thế giới. Điều này có được nhờ hai lực đỡ quan trọng gồm (1) nhu cầu tích cực tại thị trường xây dựng Việt Nam; (2) tồn kho cao của các doanh nghiệp nội địa.
Dù vậy, VDSC cho rằng dưới tác động của luồng thép nhập khẩu giá rẻ, giá thép nội địa sẽ tiếp tục suy giảm. Thép xây dựng cũng đang lùi dần về mức gần 10 triệu đồng/tấn và rất có thể sẽ về dưới mức này trong năm 2016, nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu thép (Nhiều nhận định cho rằng khủng hoảng thừa thép tại nước này sẽ còn kéo dài với lượng thừa cung lên tới 300 triệu tấn/năm).
Đó là chưa kể, mối đe dọa dài hạn của tất cả các doanh nghiệp cùng ngành đối với thép Formasa vốn dĩ được hưởng quá nhiều ưu đãi về thuế quan và chính sách đãi ngộ đầu tư khác.
Nỗi lo thường trực đối với các doanh nghiệp thép xây dựng hiện tại có lẽ là giảm giá bán để cạnh tranh và giữ vững thị phần. Ngoài ra, câu chuyện cải tiến công nghệ sản xuất, gia tăng công suất thiết kế cũng là một gợi ý cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Điều này, nhìn về phía Pomina, phải chăng cũng là một cơ hội hứa hẹn cho doanh nghiệp này bứt phá?
Dù đã bị đẩy xuống vị trí thứ 3 trong bức tranh thị phần thép xây dựng ở thời điểm hiện tại nhưng khó lòng có thể phủ nhận những lợi thế căn bản của Pomina. Đó là Công ty có mô hình tích hợp dọc hoàn chỉnh nhờ tự chủ sản xuất phôi thép; có thị trường miền Nam rộng lớn, sôi động với thị phần khoảng 13% đồng thời nhà máy Pomina 3 đang sở hữu công nghệ hiện đại tiết kiệm năng lượng.
Với công nghệ mới, nhà máy này có thể tiết kiệm tới 40% năng lượng tiêu thụ so với công nghệ Trung Quốc. Và cũng theo công suất thiết kế, từ năm thứ 3 trở đi (tức năm 2015), nhà máy này sẽ đạt được công suất 100%. Phải chăng, thị trường vẫn chờ đợi cơ hội trở lại của "chú voi" Pomina?…