Ngoài phí kẹt cảng, các doanh nghiệp còn phải đóng những phí liên quan khác như phí vệ sinh, phí sửa chữa, phí lưu kho, phí đặt cược, hóa đơn… “Nhiều doanh nghiệp phản đối. Nhà nước cũng lên tiếng nhưng các hãng tàu vẫn làm lơ”, bà Trương Thúy Liên, đại diện Hiệp hội Da giày Việt Nam, cho biết.
Theo bà Liên, các loại phí còn tăng vô tội vạ. “Từ 10 loại phí dần tăng lên đến 15 loại phí. Mỗi hãng tàu lại có một loại giá, có phí chênh nhau đến 200%. Cước phí vận tải biển cứ 3 tháng tăng một lần thì làm sao doanh nghiệp chịu nổi!”, bà bức xúc.
Theo Hiệp hội Da giày Việt Nam, trừ cước vận tải, các khoản phí và phụ phí mà nhiều hãng tàu biển áp dụng đối với việc vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm tới 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Như vậy, mỗi năm, tổng số tiền mà ngành da giày này phải trả cho các loại phí là từ 110-150 triệu USD.
Ðơn cử, kẹt cảng đang khiến Công ty May Nhà Bè phải đóng 20.000 USD/tháng (hơn 400 triệu đồng) cho phí PCS. Vì có lượng hàng xuất nhập khẩu rất lớn, mỗi năm phí vận tải biển của Công ty lên tới 70-80 tỉ đồng.
Vừa qua, trước quá nhiều khoản phí vô lý, May Nhà Bè đã phải kêu cứu đến Bộ Giao thông vận tải. Và thay vì tiếp tục chờ đợi, doanh nghiệp này đang tính đến phương án mở rộng mảng logistics trong thời gian tới.
Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Ðiều hành Tổng Công ty May Nhà Bè cho biết từ cuối năm 2013, Công ty quyết định tự tham gia vận chuyển, bốc dỡ và làm các thủ tục hải quan. “Tự làm mới thấy các hãng vận tải biển lấy phí cao cỡ nào. Chúng tôi thuê văn phòng để lập công ty logistics ở Q.1 với giá rất cao, nhưng trừ phí thuê và các chi phí khác, May Nhà Bè vẫn giảm được 20 tỉ đồng phí vận tải biển”, bà Oanh nói.
Ðáng nói hơn, đó là số tiền tiết kiệm được khi May Nhà Bè mới thử nghiệm tự làm dịch vụ trên 30% các lô hàng nhập khẩu của Công ty.
“Hàng xuất khẩu hiện có 11 loại phí, hàng nhập khẩu có đến 7-8 loại chi phí. Mà các hãng tàu có khi còn tính một loại phí cho cả bên nhập và bên xuất. Chẳng hạn, nhập khẩu một container tốn phí 500USD. Khách hàng bên kia đã trả 300 USD và doanh nghiệp Việt Nam lẽ ra chỉ phải trả 200 USD. Nhưng có khi doanh nghiệp Việt Nam phải đóng cả 500 USD. Bây giờ tự làm dịch vụ logistic, May Nhà Bè chỉ phải đóng có 3 loại phí. Nhiều những container chúng tôi tự làm thủ tục chỉ khoảng 5-6 USD, nhưng các hãng tàu lấy đến 35 USD. Vậy là đủ thấy họ lời ra sao”, bà Oanh tính toán.