Hội nghị đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước năm 2015 được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì, trực tuyến với các địa phương chiều 13/11 tiếp tục chứng kiến thông điệp cũ "khó lắm" khi lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương viện đủ lý do để thanh minh cho tiến trình cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu. Trong đó, "khó khăn trong xác định giá trị doanh nghiệp" là vướng mắc được nhắc đến nhiều hơn cả.
Thứ trưởng Xây dựng Bùi Phạm Khánh dẫn chứng, hiện hai tổng công ty vào loại lớn nhất của bộ này là Xi măng Vichem và Sông Đà vẫn chưa chốt được giá trị vì vướng mắc trong việc chuyển giao nhà máy xi măng Hạ Long. Cũng vì thế mà lãnh đạo Bộ kiến nghị cho lùi thời điểm hoàn thành cổ phần hóa hai ông lớn này vào quý I năm sau thay vì phải xong cuối năm nay.
Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường - Chu Phạm Ngọc Hiển - cho hay, do các doanh nghiệp của Bộ có đặc điểm là quản lý đất đai trải dài trên nhiều địa bàn nên việc thống nhất giá đất với địa phương là chuyện không dễ dàng.
Trong khi đó, đại diện TP HCM cho biết, trong số 21 doanh nghiệp phải hoàn thành năm nay thì có tới 8 công ty có ngành nghề hoạt động chính là xây dựng và địa ốc. "Nhưng phần lớn công ty nào cũng có dự án dở dang nên xác định giá trị rất vướng", vị này nói.
Dù lãnh đạo Thành phố đã tổ chức kiểm điểm tiến độ hằng tuần để đẩy nhanh tốc độ, song sớm nhất cũng phải đến tháng 2 năm sau mới có thể hoàn thành kế hoạch của năm 2015.
Tự nhận rằng "địa phương rất quyết liệt", nhưng lãnh đạo Bình Dương cũng than phiền rất vất vả khi xác định giá trị đất đai của các doanh nghiệp nông lâm trường có tranh chấp với người dân.
Tương tự, lãnh đạo tỉnh Nam Định thừa nhận là tỉnh chậm trong nhiệm vụ cổ phần hóa khi còn 3 doanh nghiệp lớn nhất thuộc lĩnh vực đô thị, nước sạch và môi trường chưa xác định được giá trị trong số 5 doanh nghiệp phải xong từ đây đến cuối năm.
Phó thủ tướng cho rằng không nên viện lý do để chây ỳ cổ phần hóa. Ảnh: Chí Hiếu. |
"Lý do các anh đưa ra chẳng có gì vướng. Bởi trung ương đã xử lý sớm, nhiều lắm rồi", Phó thủ tướng ngắt lời và đề nghị các địa phương phải xử lý những lãnh đạo doanh nghiệp không tích cực.
Bị truy vấn, đại diện tỉnh Nam Định thừa nhận sự chậm trễ là do Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp thay đổi nhân sự, trong khi quan điểm lãnh đạo mới lại khác người tiền nhiệm.
"Các anh nên nói thẳng, để biết từ đây đến cuối năm còn có thể làm được bao nhiêu doanh nghiệp nữa, cần giải quyết cái gì", ông Ninh nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp, nơi nào làm không được, doanh nghiệp nào không muốn cổ phần hóa thì đứng sang một bên. "Thủ tướng đã yêu cầu rồi, vậy chúng ta đã xử lý được trường hợp nào không để 'bêu' tên trên báo luôn. Đừng để nói mà không làm, không làm rồi cũng không sao", Phó thủ tướng cương quyết.
Trước đó, báo cáo Ban chỉ đạo do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà trình bày cho hay, từ năm 2011 đến 10/11/2015 cả nước sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 (xấp xỉ 80% kế hoạch giai đoạn 2011-2015). Riêng 2 năm 2014 và 2015 cổ phần hóa được 353 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong số 106 công ty còn lại của kế hoạch thì hơn 50 đơn vị đã được xác định giá trị doanh nghiệp. "Nếu hoàn thành được số này trong hai tháng cuối thì tỷ lệ đạt kế hoạch sẽ nâng lên 90%, là con số chấp nhận được", Phó thủ tướng nói.