Bên lề Hội nghị Diễn đàn Đầu tư Nông nghiệp thời TPP, chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Ngô Minh Hải, Phó TGĐ thứ nhất, Tập đoàn TH True Milk về thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp cũng như của doanh nghiệp ngành sữa trước thềm TPP.
- PV: Thưa ông, khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sẽ phải đối mặt với những thách thức nào?
Ông Ngô Minh Hải: Chắc chắn là khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp sẽ chịu thiệt hại nhất. Thứ nhất, sản phẩm từ các nước có lợi thế thương mại về nông nghiệp chắc chắn sẽ tràn vào Việt Nam, gây thách thức cho sản phẩm trong nước. Tôi nhấn mạnh họ có lợi thế ở 3 điểm: (1) những nước như Mỹ, Úc, New Zealand có lợi thế về nguồn tài nguyên, nguồn lực tài chính và công nghệ; (2) họ có năng suất cao; (3) hỗ trợ từ phía Nhà nước.
Nhìn lại sản phẩm của Việt Nam chúng ta, cả 3 cái lợi thế này đều đang ở thế yếu. Đây là lý do chính để sản phẩm của nước ngoài sau khi hội nhập TPP, với thuế suất bằng 0% sẽ tràn vào Việt Nam.
Vấn đề thứ hai, khi hàng rào thuế suất bằng 0%, sân chơi còn lại sẽ gồm quy chuẩn kỹ thuật, sản phẩm có thương hiệu. Đối với nước ngoài là sản phẩm có thương hiệu, quy chuẩn nhất định; hàng Việt Nam thì thương hiệu còn non trẻ, quy chuẩn thì thiếu rõ ràng, thiếu minh bạch.
- Liệu ông có bi quan quá không khi doanh nghiệp trong nước và nông dân có lợi thế ở một nước nông nghiệp nhiệt đới?
Tôi không bi quan. TPP là xu thế không thể đảo ngược và chúng ta không thể không đối mặt. Như trong Tập đoàn TH True Milk, chúng tôi cũng phải chuẩn bị các bước đi. Chẳng hạn, chúng tôi phải xây dựng thương hiệu mạnh, tạo ra được sản phẩm có sức nặng ngang ngửa với các sản phẩm sữa nước ngoài. Chúng tôi tạo ra niềm tin cho người tiêu dùng bằng sản phẩm chất lượng cao, duy trì chứng nhận sản phẩm. Chúng tôi chứng minh các sản phẩm đảm bảo quy chuẩn quốc tế.
- Thị trường sữa Việt Nam còn khá tiềm năng, ông nghĩ sao các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư mạnh khi TPP có hiệu lực?
Tôi không nghĩ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành sữa ở Việt Nam vì có những khó khăn mà họ không thể vượt qua. Ví dụ khó khăn về nguồn tài nguyên đất đai, ngay chính chúng tôi còn khó khăn khi tiếp cận đất đai làm cánh đồng lớn, quy mô lớn cho năng suất cao, hiện đại hóa nông nghiệp. Thứ hai, khi thị trường chưa có quy chuẩn và minh bạch, người nước ngoài cũng sẽ rất ngại. Cho nên tôi nghĩ những người Việt Nam có tâm huyết, có gắn bó với ng Việt Nam thì mới kiên trì làm được.
- Lĩnh vực nông nghiệp khá rủi ro, khả năng thu hồi vốn và phát triển còn thua các lĩnh vực khác, kinh nghiệm phát triển của TH True Milk là như thế nào?
Chúng tôi nghĩ con đường duy nhất để có thể hạn chế được rủi ro trong nông nghiệp là phải đầu tư bằng công nghệ cao. Cách đây hơn 10 năm, không ai nghĩ ngành bò sữa có thể phát triển tại Việt Nam. Lý do duy nhất là rủi ro của chăn nuôi bò sữa lớn, bao nhiêu dự án chăn nuôi bò sữa đều thất bại. Tuy nhiên, khi Tập đoàn TH True Milk ra đời với quy mô trang trại lớn, ứng dụng công nghệ cao thì đến bây giờ, chúng tôi hoàn toàn khẳng định được chăn nuôi bò sữa là làm được.
- Từ phía doanh nghiệp, ông có kiến nghị gì về chính sách, đặc biệt trong giai đoạn tái cơ cấu nông nghiệp?
Thứ nhất, chúng tôi kiến nghị làm thế nào để minh bạch hóa thị trường, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ được người tiêu dùng. Trong nước, đối với ngành sữa, cần được bảo vệ phát triển bằng cơ chế, hành lang pháp lý tốt trước sữa bột nước ngoài.
Vấn đề thứ hai là người tiêu dùng cần phải hỗ trợ và ủng hộ sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm 100% từ Việt Nam. Tôi có một ước mơ, đến ngày nào đó người tiêu dùng ủng hộ sản phẩm Việt Nam trên các đấu trường thương mại quốc tế giống như người Việt Nam ủng hộ đội tuyển bóng đá Việt Nam trên chảo lửa Mỹ Đình.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!