"Phải làm rõ chuyện tăng thuế môi trường "đẩy" giá xăng tăng"

“Tôi đề nghị phải làm rõ tác động của việc tăng thuế môi trường lên 300% đối với mặt hàng xăng, dầu và tách bạch việc sử dụng khoản thu từ thuế này ra sao…”, ĐBQH Trần Du Lịch (TP.HCM) nói.

ĐBQH Trần Du Lịch (Đoàn đại biểu TP.Hồ Chí Minh) nêu quan điểm với Infonet bên hành lang Quốc hội chiều 22/5, khi nói về câu chuyện thuế đẩy giá xăng tăng tới 2 lần, với tổng mức tăng gần 3.200 đồng/lít trong vòng 1 tháng khiến người dân bức xúc.

Theo ĐBQH Trần Du Lịch, dù giá xăng dầu được điều hành theo giá thị trường, nhưng thực tế vẫn có bàn tay can thiệp của Nhà nước. Do đó, để có sự cạnh tranh thực sự, ông cho rằng phải sửa Luật giá. Bên cạnh đó, phải chống độc quyền, trong đó đặc biệt là mạng lưới phân phối xăng dầu nội địa.

"Hiện nay, chúng ta có hơn 1 vạn cây xăng, 21 đầu mối có quyền nhập xăng dầu, nhưng tôi biết có 7 – 8 đầu mối có tỷ trọng, thì phải làm sao mở rộng ra để cạnh tranh. Nhà nước phải đóng vài trò chống độc quyền, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng", ông Trần Du Lịch nói.

ĐBQH Trần Du Lịch muốn cơ quan quản lý tách bạch rõ khoản thu từ tăng thuế môi trường với mặt hàng xăng, dầu và tác động việc tăng thuế lên giá xăng, dầu

Người dân cho rằng, 2 đợt tăng giá gần đây giá xăng có sự tác động không nhỏ từ tăng thuế môi trường, ông có bình luận gì về quan điểm này?

Chuyện áp tăng thuế môi trường, tôi cho rằng, có sự chưa hợp lý. Đơn cử, các tàu thuyền đánh bắt cá ngoài biển có hại gì đến môi trường mà người ta vẫn phải chịu mức thuế này? Những vấn đề này phải tính toán lại. Theo lập luận của cơ quan điều hành, do biến động thế giới chúng ta phải tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, thì vấn đề đặt ra là minh bạch và sử dụng khoản thu thuế này thế nào.

Theo ông có cần phải làm rõ việc thuế môi trường ảnh hưởng thế nào tới giá xăng dầu hay không?

Tôi đề nghị phải làm rõ. Thứ nhất là cơ sở nào để nâng lên từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít? Thứ 2, là khoản thu từ 3.000 đồng/lít sẽ được sử dụng cụ thể ra sao, như thế nào?

Chắc chắn, khi thảo luận về kinh tế xã hội các vị ĐBQH sẽ nêu ra vấn đề này để bàn thảo. Dĩ nhiên, trong vấn đề thu phí có yêu cầu không để chênh lệch giá giữa trong nước và các nước láng giềng, mà thời gian qua đã xảy ra dẫn đến buôn lậu. Nhưng đã là phí thì phải sử dụng đúng mục đích là phí môi trườngvà phải minh bạch nguồn nàychứ không thể đem bù đắp vì giảm thuế nhập khẩu, bù đắp ngân sách, như vậy thì không đúng mục đích.

Trong lúc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, như Petrolimex đang lãi rất lớn, vậy mà giá xăng dầu vẫn tăng, doanh nghiệp lại thu lãi, lại lãi “khủng”…?

Đối với doanh nghiệp phải hiểu là có lúc họ lỗ, lãi. Doanh nghiệp phải tính cả an toàn dự trữ thương mại, Petrolimex cũng không ngoại lệ. Hiện Petrolimex cũng chỉ chiếm 50% thị phần bán lẽ thôi còn có các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác trên thị trường.

Trong tháng 5 giá xăng bán lẻ trong nước đã tăng tổng cộng gần 3.200 đồng/lít

Hơn nữa, mạng bán lẻ xăng dầu hiện chủ yếu là tư nhân, đầu mối thực sự chỉ có 7-8 đầu mối vì kinh doanh xăng dầu vốn rất lớn, rồi còn kho chứa nên phải tính cả điều này. Đã đến lúc cùng với thị trường hóa thì phải tính toán mạng phân phối nội địa. Tôi cho rằng, phải làm sao xây dựng được mạng phân phối nội địa mang tính cạnh tranh, bình đẳng, minh bạch và để người tiêu dùng thực được lựa chọn thì mới giải quyết được căn cơ vấn đề. Chứ thực tế như hiện nay thì rất khó đòi hỏi sự minh bạch.

Trong các đợt điều chỉnh tăng giá xăng gần đây, có ý kiến đưa ra, vì sao liên bộ không giảm thuế nhập khẩu xăng mà lại giảm thuế nhập khẩu dầu, trong khi xăng mới là mặt hàng tiêu thụ lớn và có mức độ ảnh hưởng lớn tới xã hội…

Thuế nhập khẩu xăng giảm bao nhiêu và như thế nào thì phải theo đúng lộ trình hội nhập. Thêm nữa, đây còn là nguồn thu ngân sách lớn của Nhà nước, vì thế không thể vội vàng mà “cắt” quá nhanh thuế nhập khẩu xăng dầu xuống ki lộ trình vẫn còn.

Nói gì thì nói, nguồn thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu đang là nguồn đóng góp cho ngân sách khá lớn, chúng ta không nên tạo một độ hụt hẫng ngay mà không bù đắp được

Có nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị Quốc hội nên có chuyên đề giám sát giá xăng dầu để đảm bảo tính minh bạch, công khai của mặt hàng này, tránh sự bức xúc của người dân mỗi lần xăng dầu tăng giá. Quan điểm của ông ra sao?

Nếu Quốc hội không giám sát thì tôi cho rằng ngay chính các Ủy ban, như Ủy ban Tài chính ngân sách, Ủy ban Kinh tế… cũng có thể giám sát để làm rõ vấn đề tồn tại của điều hành giá xăng dầu hiện nay.

Xin cảm ơn ông!