Vậy là thêm một lần nữa, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) công bố kinh doanh quý với kết quả lãi đậm, vẫn con số cả ngàn tỉ trở lên.
“Chẳng có công gì cả!”
Trao đổi với phóng viên, ngày 20-11, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex, không bình luận sâu về lợi nhuận của tập đoàn song cung cấp hàng loạt số liệu giúp nhìn nhận thêm về khoản lãi trên 2.100 tỉ đồng.
Ông Năm cho biết tổng tài sản hợp nhất toàn tập đoàn trên 51.000 tỉ đồng, tổng vốn 15.480 tỉ đồng, tỉ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn là 13,8%. Hơn nữa, hoạt động của tập đoàn rất lớn với tổng sản lượng xuất bán xăng dầu trên 9,3 triệu tấn/năm; bao gồm 70 công ty con với khoảng 270.000 lao động.
“Phải xem xét quy mô vốn của doanh nghiệp (DN) là bao nhiêu, trên cơ sở đấy mới tính được 1 đồng vốn bỏ ra thì lãi được bao nhiêu. Cũng phải xem xét khi đầu tư, bỏ tiền ra kinh doanh thì mong muốn điều gì. Như thế mới có thể đưa ra ý kiến khách quan” - ông Năm phân trần.
Petrolimex công bố lãi hợp nhất hàng ngàn tỉ đồng, phần vì nhờ kinh doanh xăng dầu thuận lợi Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thực tế, giới chuyên gia cũng nhìn nhận con số lãi nói trên không phải quá lớn so với quy mô tài sản, vốn chủ sở hữu của Petrolimex. Chưa kể đến việc chưa hề có số liệu bóc tách lợi nhuận từ xăng dầu chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số lãi hơn 2.000 tỉ đồng. Trong khi đó, DN này kinh doanh nhiều ngành nghề khác bên cạnh xăng dầu, trong đó các lĩnh vực hóa dầu, bảo hiểm, gas… được lãnh đạo Petrolimex cho là có kết quả kinh doanh khả quan.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính - Học viện Tài chính, cho rằng việc đặt ra lợi ích trong kinh doanh là điều hiển nhiên. Kể cả khi nhà nước bỏ vốn của mình ra kinh doanh thì cũng phải có lãi và mức lãi phải cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
“Không có lãi cũng không được bởi nếu như vậy người tiêu dùng sẽ đặt vấn đề anh sử dụng vốn, quản lý DN không hiệu quả. Còn lãi quanh mức 10%-15% là mức bình thường, không phải siêu lợi nhuận” - ông Độ nêu ý kiến. Tuy nhiên, theo ông, Petrolimex là DN hoạt động với cơ chế đặc biệt, một nửa là tự kinh doanh, một nửa chịu sự chỉ đạo của nhà nước nên việc đánh giá không thể theo quy luật tài chính thông thường.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, tỉ lệ lợi nhuận sau thuế/vốn đối với một DN hiện nay trung bình khoảng 5%-10%; một số DN có thể đạt mức 20% và cao hơn nữa. Do đó, nếu nhìn vào khoản lãi cũng như tỉ lệ lợi nhuận 13,8% thì chưa thể đánh giá được DN lãi “khủng”.
“Tuy nhiên, cũng cần xem xét DN lãi bởi lý do gì, có hợp lý hay không. Khi xăng dầu giảm giá thì nhu cầu tiêu dùng cũng tăng lên, bán được nhiều hơn, cộng với lợi nhuận định mức được tính cố định thì tất nhiên DN lãi. Ở đây, Petrolimex cũng chẳng có công gì cả” - TS Phong bình luận.
Cốt yếu là xóa độc quyền
Đặt vấn đề thẳng thắn xung quanh câu chuyện lãi đậm của DN xăng dầu có thị phần dẫn đầu cả nước này, TS Nguyễn Đức Độ cho rằng dù tỉ lệ lợi nhuận của Petrolimex chỉ đạt 1% thì cũng bị người dân “kêu ca”. Nguyên nhân nằm ở điểm duy nhất, đó là sự độc quyền từ quy mô, mạng lưới thị trường đến những ưu đãi từ phía nhà nước mà hầu như không ngành nghề nào được hưởng.
Chính vì độc quyền nên DN mới được ấn định lãi định mức trên mỗi lít xăng là 300 đồng, chi phí định mức là 1.050 đồng. “Xóa bỏ độc quyền thì sẽ giải quyết được tất cả. Đấy là vấn đề cốt tử. Bởi khi đó, DN hoạt động theo thị trường, cạnh tranh với nhau, dù lỗ hay lãi cũng không bị áp lực dư luận. Bây giờ, DN lỗ cũng bị kêu mà lãi cũng bị phản ứng” - TS Độ nói.
Giới chuyên gia đánh giá giải trình của Petrolimex về lý do dẫn đến kết quả kinh doanh có lãi trong văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã chứng tỏ cơ chế cho phép DN được độc quyền, được có lãi. “Petrolimex giải thích một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận tăng vọt là do giá xăng dầu thế giới duy trì ở mức thấp, sản lượng xuất bán xăng dầu quý III tăng 4,2% so với cùng kỳ…
Như vậy, rõ ràng DN có thuận lợi là giá vốn giảm và doanh số lớn. Với DN bình thường, khi đạt được 2 điều kiện này sẽ giảm giá bán cực mạnh song DN xăng dầu thì do cơ chế cho phép nên không giảm lợi nhuận định mức, không giảm mạnh trích quỹ bình ổn, dẫn đến giá xăng dầu giảm chưa tương xứng với giá thế giới, gây bức xúc cho người dân. Còn duy trì cơ chế này thì mọi hoạt động kinh doanh của DN còn bị phản ứng” - một chuyên gia phân tích.
Do đó, theo chuyên gia nói trên, việc xóa bỏ độc quyền, tương ứng với DN tiết giảm chi phí, chia sẻ bớt phần lợi nhuận định mức khi đẩy được hàng đi nhiều… sẽ giúp giá bán lẻ xăng dầu thấp hơn nữa, người dân không còn bức xúc chuyện DN giảm giá ít mà báo lãi nhiều.
Cần phải kiểm toán Theo TS Nguyễn Đức Độ, rất khó bình luận về hoạt động của các công ty xăng dầu một cách xác đáng bởi việc nắm bắt số liệu, căn cứ, bằng chứng... về hoạt động kinh doanh của DN xăng dầu là rất hạn chế. Vì thế, phải có kiểm toán mới đánh giá được chính xác. Dẫn lại câu chuyện DN xăng dầu than lỗ vì phải dự trữ 15 ngày trong khi giá thế giới giảm, TS Nguyễn Minh Phong nói đã từng có nghi vấn DN lợi dụng việc này để ăn lời. Tuy nhiên, nếu chỉ nói suông mà không có chứng cứ thì không thuyết phục. |