Từ một quốc gia nổi tiếng chịu chơi, chịu chi nhờ nguồn tiền từ kinh doanh dầu mỏ, mới đây, Chính phủ Saudi Arabia thực hiện hàng loạt chính sách thắt lưng buộc bụng trong đó tạm dừng mua nội thất, ô tô phục vụ công vì tài chính co hẹp, ảnh hưởng từ giá dầu giảm đột ngột.
Thừa tiền, chịu chơi
Những năm trước, Saudi Arabia cùng các nước trong khu vực Trung Đông nổi lên là những nước chịu chi, nguồn tiền dư dả do thế giới trong cơn “khát” đẩy giá dầu lên cao. Ông Steffen Hertog, Trợ lý Giáo sư Khoa Chính trị trường Kinh tế London (LSE) nói: “Trong những năm dầu thô bùng nổ, có cảm giác các nước như Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất tiền tiêu không hết. Những năm 2000, Saudi Arabia chi tiêu “quá tay” trên mọi lĩnh vực, trung bình vượt 15% so với ngân sách dự toán ban đầu”.
Thậm chí mới đây, Saudi Arabia khởi công xây dựng tòa nhà mang tên “Kingdom Tower”. Khi hoàn thiện vào năm 2018, sẽ giữ kỷ lục cao nhất thế giới, có tầm nhìn ra Sông Đỏ (Red Sea). Thiết kế tòa nhà cao 1 km, 200 tầng, cần 59 thang máy trong đó có 5 thang máy 2 tầng. Tổng chi phí xây dựng ước tính 1,23 tỷ USD.
Không riêng Chính phủ, giới đại gia cũng nhiều lần khiến các tỷ phú phương Tây phải “mắt tròn, mắt dẹt” vì độ chịu chơi. Mới đây, một triệu phú Saudi Arabia gây tắc nghẽn một tuyến đường bận rộn tại thủ đô London (Anh) vì rửa siêu xe Porsche 918 Spyder phiên bản giới hạn trị giá 847.000 USD ngay giữa đường. Cả xe buýt và xe ô tô cá nhân qua đoạn đường này đã phải chuyển làn hoặc đi chậm lại để tránh va chạm vào ô tô hoặc vì hiếu kỳ ngắm nghía chiếc xe hiếm có.
Chiếc Porsche 918 Spyder đăng ký tại Saudi Arabia, được đưa sang London để tiện đi lại nhân dịp triệu phú sang đây nghỉ hè. Tại Anh, nhiều năm trở lại đây, mỗi dịp hè đến, đường phố nước này lại xuất hiện hàng loạt siêu xe độc, hiếm, bóng nhoáng trên đường. Đây chính là xe của các đại gia khu vực Trung Đông trong đó có Saudi Arabia sang London nghỉ hè. Dân thủ đô Anh gọi đây là “mùa xe siêu sang”.
Năm 2011, hãng sản xuất ô tô sang Rolls-Royce cho biết, doanh số bán hàng tại Saudi Arabia của hãng tăng 60%. “Năm ngoái, các hãng sản xuất ô tô thể thao như Audi, Mercedes, BMW thống kê doanh số bán siêu xe cho các thị trường mới nổi như Saudi Arabia cao hơn tại các thị trường phương Tây”, Adrien Dedieu, điều phối viên phát triển thương mại của DHL cho biết.
Cắt giảm chi tiêu ngay và luôn
Ngày 8/10, theo nguồn tin mật của tờ Guardian (Anh), tài liệu rò rỉ mang tên “Thư mật khẩn” ngày 28/9/2015 do Vua Salman soạn trong đó nêu các biện pháp thắt lưng buộc bụng, giảm chi tiêu ngân sách công, đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính nêu chi tiết các biện pháp để áp dụng đối với tất cả các bộ, ban, ngành trong Chính phủ.
Một số biện pháp cắt giảm chi tiêu công mà Vua Salman đưa ra: cấm quan chức Chính phủ mua ô tô, nội thất, trang thiết bị công, cắt giảm ngân sách đi lại, chi tiêu cơ sở hạ tầng, dừng trả bồi thường về tài sản, tạm dừng tất cả các thỏa thuận cho thuê mới. Tổng chi tiêu từ ngân sách và các dự án hiện tại trong quý IV năm nay không được quá 25% trong tổng chi tiêu đã được thông qua; chi tiêu đi lại và các chi tiêu liên quan tới kinh doanh trong lĩnh vực công không được quá 15% trong ngân sách ban đầu. Văn bản này ghi rõ, tất cả quy định trên phải thi hành ngay.
Một tài liệu rò rỉ khác từ Bộ Tài chính Saudi Arabia mang tên “Hướng dẫn đóng tài khoản, chuẩn bị quyết toán năm tài chính 1436-37” có hướng dẫn các bộ phải hoàn tất các khoản thanh toán cho tới cuối năm nay. Kể từ khi năm tài chính Saudi Arabia kết thúc ngày 30/12/2015, rất có thể nhiều công chức Saudi không được trả lương 6 tuần cuối của năm. Ông Steffen Hertog đánh giá, những văn bản trên chính là một lời “kêu gọi cảnh tỉnh”. “Đây là phát súng cảnh báo đầu tiên tới tất cả các bộ, ban ngành Chính phủ cần phải kiểm soát chi tiêu”. Tuy nguồn tin của Guardian chưa xác thực văn bản này nhưng nhiều chuyên gia khẳng định đây là thật.
Kinh tế trì trệ vì giá dầu giảm
Saudi Arabia là một nền kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào dầu mỏ. Dầu thô chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu và khoảng 80% tổng nguồn thu Chính phủ. Ông David Butter, chuyên gia về Saudi Arabia đến từ Chatham House - Viện quan hệ quốc tế Royal của Anh cho biết: “Saudi Arabia không có bất cứ nguồn thu chủ yếu nào khác ngoài dầu mỏ. Thuế của họ rất thấp, không có nguồn thu từ Giá trị gia tăng (VAT). Tiền lương đã vượt ngoài tầm kiểm soát. Những vấn đề này tiếp diễn bấy lâu nay”. Do đó, ngay khi giá dầu giảm, nguồn tài chính của Saudi Arabia cũng ảnh hưởng nghiêm trọng.
Từ năm ngoái đến nay, nguồn cung từ dầu mỏ dồi dào hơn, giá dầu giảm sâu hơn 50% khiến tài chính của Saudi Arabia cũng sụt giảm, rơi vào bế tắc. Theo quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), dự kiến, hết năm nay, Saudi Arabia thâm hụt ngân sách khoảng 20%, phát triển kinh tế chậm lại trong vài năm tới.
Báo cáo từ tờ Bloomberg cho thấy, Saudi Arabia đã rút hơn 70 tỷ USD từ thị trường quốc tế về nước. Nền kinh tế lớn nhất thế giới Arab khả năng phải cắt giảm đầu tư khoảng 102 tỷ USD trong tương lai gần. Tháng 8 vừa qua, Chính phủ Saudi Arabia phải phát hành trái phiếu trị giá 5,33 tỷ USD để duy trì kế hoạch chi tiêu.
Ông Hertog cho biết: “Chính phủ Saudi Arabia hiện chưa hết tiền. Nhưng họ đang ở trên đà chi nhiều hơn thu” và cảnh báo: “Họ cần phải thực hiện thêm nhiều biện pháp dẫu biết khó khăn như: cải cách về giá cả tiêu dùng - điện nước, dầu khí - và cải cách dịch vụ công, tiền lương, bổng lộc” nếu không sẽ sớm tiền khô cháy túi.