Ông Hồ Xuân Năng: "Tôi được phân công về đây để cứu Vicostone"

(NDH) Ban đầu việc bán sản phẩm đá cao cấp made in Việt Nam sang Mỹ là việc khá vất vả vì lúc đầu người Mỹ không tin Vietnam lại làm được sản phẩm đá chất lượng cao như vậy. Hiện nay, VCS đã xuất khẩu sang Mỹ (53%), Úc (30%), EU (10%) ...

Ông Hồ Xuân Năng

Bên lề ĐHCĐ thường niên của Vicostone, PV Người đồng hành đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Xuân Năng, một lãnh đạo gắn bó với VCS ngay từ những ngày đầu.

PV: Được biết, 90% hàng của VCS xuất khẩu ra thế giới. Có phải VCS đang bỏ quên thị trường trong nước không? Đặc biệt, khi sáp nhập với Phenikaa, việc VCS trở thành đầu mối xuất khẩu tất cả các sản phẩm của họ, vậy VCS có thuận lợi gì không thưa ông?

Ông Hồ Xuân Năng:Thị trường trong nước năm 2014 chỉ đem lại doanh thu 2 triệu USD, đây là con số rất thấp. Năm 2015 chúng tôi dự kiến tăng con số này lên 4 triệu USD. Tự chúng tôi biết rằng thị trường nội địa không phải là thế mạnh tiêu thụ sản phẩm của VCS. Hầu hết các sản phẩm của VCS đều có giá thành cao gấp 3-4 lần các sản phẩm xuất xứ nội địa.

Trong những năm gần đây xu hướng tiêu thụ nội địa đã tăng lên nhưng hầu như chỉ các biệt thư, cao ốc hạng sang mới dùng các sản phẩm cao cấp.

Việc tiêu thụ cả các sản phẩm của Phenikaa chỉ đơn giản là chúng tôi quy hoạch về cùng một đầu mối xuất khẩu cho dễ quản lý. Các sản phẩm xuất khẩu này đều lấy tên thương hiệu là Vicostone Quartz Surface. Như vậy, VCS mặc dù không cần xây dựng thêm nhà máy mới nhưng doanh thu vẫn tăng.

PV: Đối thủ Trung Quốc đang nhanh chóng sao chép các sản phẩm của VCS và phát triển rất mạnh. Theo ông, sự phát triển của các đối thủ cạnh tranh đến từ Trung Quốc có gây ảnh hưởng đến thị phần của VCS ở nước ngoài không?

Ông Hồ Xuân Năng: Đá của VCS giá thành cao hơn, có nhiều ưu điểm hơn, công nghệ Trung Quốc chưa thể bằng được. VCS tập trung vào các sản phẩm phân khúc trung và cao cấp, khác với sản phẩm Trung quốc. Khi mục tiêu thị trường ở phân khúc khác nhau thì vấn đề cạnh tranh với sản phẩm Trung quốc chưa phải là vấn đề lớn. Ở nước ngoài, sản phẩm làm từ đá mà chất lượng kém, lắp dựng xong mà không đáp ứng yêu cầu thì nhà cung cấp có thể phải đền bù hàng trăm nghìn USD.

Sở dĩ đá Trung Quốc vẫn có thị trường là do vẫn có nhu cầu sản phẩm giá rẻ, chất lượng vừa phải.

PV: Ông đã từng chia sẻ là đã có ý định bỏ nghề nhưng vì đam mê, yêu ngành công nghiệp này nên ở lại. Ông có thể chia sẻ một vài điều về quá trình xây dựng VCS từ những ngày đầu?

Ông Hồ Xuân Năng:Giống như vợ chồng lấy nhau hình như là do duyên số, đầu tiên tôi không làm nghề này mà đã từng làm giám đốc sản xuất Công ty ô tô Ford Việt Nam 4 năm, sau đó tôi về làm cho Vinaconex. Rồi năm 2002, Vinaconex có đầu tư xây dựng nhà máy Vicostone nhưng đến 2014, sau hơn hai năm, Dự án gần như đi vào ngõ cụt. Tôi được phân công về đây để cứu nhà máy này.

Hàng loạt điều chỉnh có thể nói là thay đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh, chẳng hạn, từ chỗ định hướng tiêu thụ nội địa là chính chuyển sang xuất khẩu là chính, từ chỗ sử dụng nguyên liệu nội địa là chính phải chuyển sang sử dụng nguyên vật liệu nhập ngoại do chất lượng nguyên vật liệu nội không đảm bảo và không đáp ứng quy mô sản xuất, và nhiều vấn đề cốt yếu khác nữa.

Lúc mới lên khu Hòa Lạc, đường xá khó khăn, nguồn nhân lực chuyên môn cho loại hình kinh doanh này hầu như không có. Lương giám đốc 3,5 triệu đồng. Lúc đó tôi phải bỏ tiền nhà ra để sống và làm việc.

Rất may khi làm ở Ford, tôi có quen nhiều người nước ngoài trong đó có các kỹ sư Tây Ban Nha biết về công nghệ này, và tôi được họ dạy lại công nghệ SX đá cao cấp này. Hơn nữa chính tôi xuất thân là kĩ sư cơ khí, lại có kinh nghiệm quản lý nhà máy, đặc biệt là có sự hỗ trợ mạnh mẽ về cơ chế từ Tổng công ty Vinaconex, lúc đó đang là chủ quản và sở hữu 100% dự án, sau gần ba tháng từ tháng 7 đến ngày 1/9/2004, chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên đi Australia đã rời Nhà máy, đánh dấu thời kỳ chuyển mình của Công ty. Cho đến hiện nay, VCS đã xuất khẩu sang trên 40 nước trên thế giới, trong đó thị phần lớn nhất là Mỹ (53%), Úc (30%), EU (10%) ...

Chúng tôi ngay sau đó tiến hành cổ phần hóa và Vinaconex là cổ đông chi phối. Đến năm 2013, Vinaconex thoái toàn bộ vốn khỏi Vicostone. Việc bán sản phẩm đá cao cấp made in Việt Nam sang Mỹ là việc khá vất vả vì lúc đầu người Mỹ không tin Vietnam lại làm được sản phẩm đá chất lượng cao như vậy, nhưng rồi mọi việc sau đó dần thuận lợi hơn nhờ sự kiên trì và sự cải tiến không ngừng mẫu mã, chất lượng, dịch vụ và sự khác biệt độc đáo. Điều này giúp Vicostonetrở thành top 4 trên thế giới cả về quy mô và uy tín trong ngành đá nhân tạo gốc thạch anh.

PV: Gần đây có một luồng ý kiến khuyên các doanh nghiệp Việt là khi hội nhập sâu vào thế giới, các doanh nghiệp nên lấy tên tiếng anh để dễ tiếp cận các thị trường hơn. Dưới góc độ một doanh nghiệp đang rất thành công trong việc xâm nhập vào các thị trường lớn, ông nghĩa như thế nào về điều này? Việc định vị thương hiệu cho VCS trong những năm tới?

Ông Hồ Xuân Năng:Mỗi doanh nghiệp khi định vị thương hiệu phải căn cứ vào cấu trúc thương hiệu của mình, trong đó có những sản phẩm/dịch vụ gì, cái nào là cốt lõi, biết thị trường mục tiêu của mình là gì, có xuất đi nước ngoài hay không…, từ đó sẽ đưa ra yêu cầu cơ bản tối ưu cho chiến lược về nhận diện và quảng báo thương hiệu trong đó có tên thương hiệu.

Đối với thương hiệu tập đoàn Phenikha nói chung và thương hiệu sản phẩm Vicostone Quartz Surface nói riêng , chúng tôi đang hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu này và dự kiến phát triển ra toàn cầu từ cuối năm 2015. Đây là một dự án đòi hỏi chi phí lớn, nguồn nhân lực chuyên nghiệp và một kế hoạch bài bản.

PV: So với mức lương 3,5 triệu đồng của những ngày đầu tiên bước chân đến với vùng đất Hòa Lạc, VCS đã bắt đầu được hái quả ngọt, minh chứng là năm 2014 lợi nhuận tăng hơn 348% so với năm 2013. Vậy lợi nhuận tăng thì thu nhập của ông và người lao động tăng trưởng ra sao?

Ông Hồ Xuân Năng:Doanh thu năm 2014 tăng cao so với năm 2013. Mức thu nhập bình quân của lao động công ty khoảng 13 triệu đồng/ tháng. VCS luôn chú trọng đến đội ngũ nhân lực, vì thế sẽ trả mức lương xứng với năng lực để giữ chân họ. Không có nguồn nhân lực đủ và tốt thì không làm được gì cả. Mức lương và thù lao của ban Lãnh đạo công ty được nêu công khai trong báo cáo thường niên 2015 và đã được công bố rộng rãi.

Xin cám ơn chia sẻ của ông!