Cú rơi lợi nhuận
Khởi động năm 2015, Vinacafe Biên Hòa - VCF công bố thông tin khiến các cổ đông, nhà đầu tư hào hứng khi trở thành nhà cung cấp 100% cà phê trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Lúc đó, ông Nguyễn Tân Kỷ - Tổng giám đốc của Vinacafe Biên Hòa khẳng định đây là cơ hội thuận lợi để Vinacafé tiếp tục mở rộng thị trường nội địa và tiếp cận thị trường thế giới một cách nhanh nhất.
Tuy nhiên, đến khi VCF báo cáo KQKD thì nhiều cổ đông cũng như nhà đầu tư bất ngờ, thậm chí cảm giác hụt hẫng.
Mặc dù doanh thu vẫn tăng nhẹ 5,3%, lên 481 tỷ đồng nhưng lợi nhuận quý I/2015 chỉ đạt vỏn vẹn 5,56 tỷ đồng, tương đương 7% lợi nhuận cùng kỳ 2014. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp kỷ lục kể từ khi công ty này niêm yết.
Giải trình cho kết quả kinh doanh “tồi tệ” này, VCF cho biết trong quý I , công ty đã "mạnh tay" chi cho quảng cáo và khuyến mại như tung ra sản phẩm đặc biệt "Gia đình là số 1", đồng thời đẩy mạnh nhiều chiến dịch quảng cáo, khuyến mãi cho sản phẩm này.
Giá giao dịch của VCF thời điểm đầu năm là 210.000 đồng/cổ phiếu.
Đến kết thúc quý II/2015, cổ đông của VCF tiếp tục chịu cảnh kinh doanh “thụt lùi”. Báo cáo tài chính giữa niên độ cho thấy, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2015 đã giảm so với cùng kỳ.
Cụ thể, 6 tháng 2015 VCF đạt 1.088 tỷ đồng doanh thu thuần trong khi 6 tháng đầu năm 2014 con số này là 1.217 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 33 tỷ đồng bằng 20% cùng kỳ 2014.
Số liệu kinh doanh mới nhất vừa được VCF công bố là KQKD quý III/2015. Theo đó, doanh thu và lợi nhuận gộp tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn tăng.
Quý III/2015, VCF đạt 54,4 tỷ lợi nhuận trước thuế còn quý III/2014 là 97,2 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng VCF thu về 88,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 91 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế do có khoản thuế TNDN được hoãn lại. Cùng kỳ 2014, công ty đạt 255 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Quay trở lại thời điểm ĐHĐCĐ thường niên 2015 của VCF được tổ chức vào cuối tháng 4/2014, ban lãnh đạo của công ty lúc đó đặt mục tiêu doanh thu 3.600 – 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 450 – 600 tỷ đồng.
Có lẽ, sau 9 tháng mục tiêu kinh doanh này khó trở thành hiện thực bởi doanh thu thuần mới chỉ hoàn thành chưa được 50% kế hoạch, còn lợi nhuận mới đạt 20%.
Giá giao dịch cổ phiếu VCF rơi xuống còn quanh ngưỡng 150 – 160.000 đồng/cổ phiếu.
Đến trung tuần tháng 12, cổ đông sáng lập Vinacafe Biên Hòa là Tổng công ty cà phê Việt Nam đăng ký thoái toàn bộ 3,41 triệu cổ phiếu VCF. Thời gian giao dịch từ 16/12/2015 đến 16/1/2016.
Sai chiến lược hay bước lùi ngắn hạn?
Khẳng định là thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam, VCF cho biết chiến lược 2015 là củng cố ngành hàng cốt lõi là cà phê hòa tan, đồng thời mở ra lĩnh vực kinh doanh mới. Khởi động cho chiến lược Vinacafe đã triển khai chiến dịch quảng cáo được đánh giá rất thành công dịp tết là “ Vinacafe yêu thương thành lời”.
Kết quả là 500.000 phần quà Tết được bán hết, 1.500 cốc yêu thương được Vinacafe chuyển tới khách hàng theo yêu cầu. Mặc dù được đánh giá thành công nhưng dường như chiến dịch quảng cáo đó không hiệu quả như dự đoán. Chỉ duy nhất quý I doanh thu tăng nhẹ 5,3% so với cùng kỳ, còn quý II, quý II doanh thu đều giảm.
Theo đánh giá của chuyên gia phân tích, doanh thu của VCF giảm so với cùng kỳ phản ánh chiến lược kinh doanh của công ty có sai lầm nhất định. Nhu cầu về café hòa tan tăng trưởng 30%/năm nhưng VCF lại giảm 10,6% trong nửa đầu năm 2015.
“Nhu cầu cà phê hòa tan tăng trưởng mạnh nhờ mở rộng xuất hiện ở thị trường nông thôn, còn sản phẩm nước có ga tăng 16% ở khu vực đô thị. Do đó, việc VCF giảm doanh thu có thể hiểu là công ty đang không tập trung vào khu vực nông thôn” – vị chuyên gia trên nhận định.
Điều này cũng khá hợp lý khi tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2015, đại diện VCF biết công ty đang hợp tác với Vĩnh Hảo nhằm nhận chuyển giao công nghệ để tiến vào thị trường nước giải khát.
Bên cạnh yếu tố chủ quan mang tên chiến lược cần nhìn nhận một yếu tố khách quan khác đến từ chính sách. Theo quy định tại Thông tư 200 liên quan đến hạch toán chiết khấu thương mại, và giảm giá hàng bán chỉ ghi nhận doanh thu theo giá đã giảm trừ chiết khấu, giảm giá và không phản ánh riêng số chiết khấu như trước.
Kết quả, lợi nhuận của VCF giảm không chỉ từ doanh thu bán hàng giảm, mà còn do biên lợi nhuận suy giảm. Một số khoản mục trước đây hạch toán là chi phí giờ chuyển thành giá vốn hàng bán. Trớ trêu là quy định mới được áp dụng đúng vào thời điểm Vinacafe đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, tiếp thị.
Có thể nói, năm 2015 là năm không thành công đối với Vinacafe khi những kế hoạch, mục tiêu khó hoàn thành. Có lẽ cơ hội sẽ mở rộng hơn trong năm 2016 khi những đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Vinacafe như Trung Nguyên đã có dấu hiệu bất ổn do nội bộ. Tuy nhiên, tận dụng được cơ hội, biến cơ hội thành lợi ích kinh tế được hay không còn cần nhiều yếu tố khác.
Dẫu sao, các cổ đông có thể an ủi rằng “ Công ty của mình vẫn đang hoạt động ổn định, kinh doanh có lãi”.