Thực tế này được các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng “kêu” lên tại hội nghị tìm giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng nông sản do Bộ Công thương tổ chức.
“Cay đắng” vì nông sản rớt giá
Ông Huỳnh Thế Năng - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, 4 tháng qua mặt hàng gạo đang “chật vật” trong tiêu thụ. Ngay cả với thị trường châu Phi mỗi năm nhu cầu nhập tới 14 triệu tấn gạo trắng/năm thì cũng “chê” sản phẩm từ Việt Nam.
Nguyên nhân là do chất lượng gạo trắng Việt Nam không được người dân châu Phi ưa thích, trong khi mặt hàng này của Thái Lan giá rẻ và chất lượng đảm bảo hơn.
“Nếu Việt Nam không cải thiện chất lượng gạo trắng thì sản lượng xuất khẩu sẽ còn tiếp tục giảm”, ông Năng nhận định. Ở một số thị trường tập trung của Việt Nam như Philippines, Malaysia, nhu cầu nhập khẩu gạo vẫn có nhưng Việt Nam muốn có thêm hơp đồng sẽ phải cạnh tranh về giá và tăng tính chuyên nghiệp về cung ứng để giữ được thị trường.
Cũng trong xu thế sụt giảm mạnh xuất khẩu, xuất khẩu thủy sản cũng đang phải hứng chịu bất lợi do diễn biến tỷ giá tăng.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đến nay, trên 90% hợp đồng xuất nhập khẩu của thủy sản đều sử dụng đồng USD để thanh toán nhưng đầu năm 2015, nhưng do tỷ giá đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác như EURO, Yên … nên xuất khẩu thủy sản gặp khó khi các nhà nhập khẩu liên tục đề nghị đàm phán để giảm giá. Trong khi giá thành sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên liệu không giảm.
Nông sản ế khi đứng bằng một chân, phụ thuộc lớn vào 1 thị trường xuất khẩu |
Riêng với mặt hàng cà phê, theo ông Lê Viết Vinh - đại diện Hiệp hội cà phê và ca cao Việt Nam, diễn biến giá cà phê năm nay cũng trong xu hướng “diễn biến lạ” như các mặt hàng nông sản khác.
Thường các tháng 4,5 và 6 là những tháng giá cà phê bắt đầu lên, thì năm nay lại trái ngược, giá đã rớt về dưới 40.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ còn 37.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá cà phê trong nước lại cao hơn giá quốc tế do nông dân “găm hàng” chờ giá lên không chịu bán ra, khiến lượng cà phê cung ứng cho thị trường giảm đi. Tới thời điểm này cà phê mới chỉ xuất khẩu được 800.000 tấn, thu về khoảng 1,5 triệu USD.
“Cửa ra” có dễ mở?
Ngoài chuyện gặp bất lợi về giá xuất khẩu giảm thì điều khiến các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng lo lắng hơn cả chính là việc thông tin thiếu cập nhật, nhất quán giữa các bộ, ngành, địa phương. Dẫn lại câu chuyện buồn của dưa hấu vừa qua, ông Lê Văn Ái – đại diên Hiệp hội Rau quả Việt Nam thở dài, “không phải chúng ta không nắm được thông tin nhu cầu nhập từ phía bạn, nhưng vẫn không có ngay các giải pháp kịp thời để ngăn dòng xe tải ùn ùn chở hàng lên cửa khẩu”.
Thực tế này được Võ Thành Đô- Phó cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - NN&PTNT) lý giải là do xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc quá lớn vào một thị trường – Trung Quốc.
“Không dưới 50% kim ngạch xuất khẩu nông sản cả theo đường chính ngạch và tiểu ngạch sang thị trường này, nên từ đầu năm tới nay thị trường Trung Quốc lúc dừng, lúc đóng cửa nhập khẩu đã ngay lập tức ảnh hưởng tới việc xuất khẩu nông sản của ta”- ông Đô nhấn mạnh và cho rằng, cần có ngay giải pháp để củng cố để tránh sự “phập phù” này.
Trước những trăn trở của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, chính việc phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, như Trung Quốc, khiến chúng ta bị động. Ngoài ra, khâu yếu hiện nay chính là khâu tổ chức sản xuất trong nông nghiệp.
"Không thể giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản nếu chúng ta "đứng bằng một chân", phụ thuộc vào một thị trường, mà phải tổ chức lại quy hoạch sản xuất cho bài bản. Quy hoạch là định hướng, các giải pháp cụ thể phải gắn quy hoạch sản xuất nông nghiệp với liên kết người nông dân, chứ không phải sản xuất nông dân theo giống nào thì doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đó”- Thứ trưởng Tuấn Anh nói.
Nhấn mạnh 3 yếu tố then chốt mà cơ quan quản lý phải “bắt tay” làm nay trước khi tình hình xấu hơn, theo ông Huỳnh Thế Năng, là phải tổ chức lại hệ thống giống, hợp tác và hạ tầng kỹ thuật. “Cộng với nỗ lực của doanh nghiệp thì các chắc sẽ giữ được cả giá và thị trường về trước mắt và lâu dài”- vị này kỳ vọng.
Thứ trưởng Tuấn Anh cũng cho biết, Bộ Công Thương đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT tổ chức triển khai các giải pháp điều chỉnh cơ cấu, mùa vụ cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương. Đồng thời, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giái trị gia tăng và phát triển bền vững, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, thực hiện sản xuất có chứng chỉ... Thêm vào đó, Bộ sẽ giới thiệu danh sách các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín của Việt Nam đến các đối tác nước ngoài để kết nối thông tin giúp các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường và có thêm nhiều kênh phân phối.
Thời gian tới, Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT sơ kết đánh giá về xuất khẩu các mặt hàng nông sang thị trường Trung Quốc, rút kinh nghiệm để tổ chức tốt hơn lưu thông với sản xuất; tính toán kỹ hơn để ổn định thị trường, nhằm mục tiêu tiêu thụ hết hàng hóa của nông dân, đặc biệt là với những mặt hàng có tính thời vụ như rau quả, trái cây.