Giá cà phê giảm mạnh Cụ thể, giá cà phê trên thị trường nội địa trong 2 ngày đầu tháng 11 giá đã giảm 600.000 đồng/tấn, từ 40,5- 41,1 triệu đồng/tấn xuống còn 40,1- 40,7 triệu đồng/tấn.
Đến ngày 4/12 giá cà phê tăng 400.000 – 500.000 đồng/tấn , lên lại mức 40,5 – 41,1 triệu đồng/tấn.
Sau đó giữ đà giảm giá từ 5/12 đến hết ngày 12/12, giá đã giảm giảm 1,7 triệu đồng/tấn, từ mức 40,4 – 41 triệu đồng/tấn xuống còn 39 – 39,5 triệu đồng/tấn.
Trong khi trước đó, từ đầu niên vụ ngày 1/10 đến hết tháng 11/2014 giá cà phê trong nước luôn giao động trong khoảng 40-41 triệu đồng/tấn, thậm chí trước đầu niên vụ 2014-2015 giá từng đứng vững ở mức 42 triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, cũng thời điểm này hàng bán ra và xuất khẩu lại không nhiều, chỉ khoảng 190.800 tấn cà phê, trong đó tháng 11/2014 đạt 95.000 tấn (số liệu Tổng cục Thống kê ước tính).
Việc giá giảm mạnh chỉ trong thời gian ngắn khiến nông dân trồng cà phê tiếc nuối, nhiều người đã phải tìm cách vay ngân hàng để không phải bán ra với giá thấp như hiện nay.
Theo lý giải của chuyên gia trong ngành hàng cà phê, thời điểm đầu niên vụ người mua và giới đầu cơ đã từng mong giá thấp để mua vào nhưng do việc xuất bán không nhiều, không tạo thành sức ép bán ra nên giá kỳ hạn và nội địa đã có điều kiện đứng ở mức cao như vậy.
Một số chủ doanh nghiệp lý giải, cả bên mua và bên bán đều đang thăm dò nhau do những dự báo được đưa ra trước đó về việc mất mùa cà phê khiến tâm lý giữ hàng xuất hiện trên thị trường.
Bằng chứng là ảnh hưởng từ 2 trận bão số 4, 5 vừa qua mặc dù không trực tiếp nhưng có thể khiến hàng ra chậm 1-2 ngày, mưa đã kích hoa của vụ sau ra sớm, song sẽ không sinh trái nhiều do đó nhiều nhà vườn dự báo sản lượng giảm, tâm lý mấy mùa ở niên vụ tới khiến người bán có ý định găm hàng.
Phụ thuộc thị trường thế giới Không ngoại lệ so với nhiều mặt hàng nông sản khác, cà phê của Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới do tổng tiêu thụ cà phê của thị trường trong nước chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng cà phê sản xuất và có tới 90% còn lại xuất khẩu.
Theo đó, trong thời gian vừa qua khi sàn kỳ hạn tăng, giá trong nước cũng tăng nhưng chỉ tăng mức khiêm tốn trong khi giá kỳ hạn giảm giá nội địa lại rớt thảm hại.
Để khắc phục việc phụ thuộc vào thị trường thế giới, biện pháp đưa ra là nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê nhờ việc chế biến, thúc đẩy tiêu dùng nội địa đồng thời nâng cao chất lượng cà phê nhân thô và có những đàm phán có lợi hơn khi thực hiện với các nhà nhập khẩu cà phê Việt Nam.
Kết quả cuộc khảo sát về thị trường cà phê tại Việt Nam và các quốc gia khác ở khu vực châu Á năm 2013 của Công ty nghiên cứu thị trường Mintel (Anh) cho thấy, thị trường bán lẻ cà phê Việt Nam sẽ đạt 573,75 triệu USD vào năm 2016.
Các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trong nước cũng đưa ra ước tính rằng, chỉ cần 20% số dân Việt Nam uống thêm một ngày một ly cà phê (bình quân 25g/ly), mỗi năm sẽ tiêu thụ thêm 128.000 tấn cà phê bột, tương đương với 196.000 tấn cà phê nhân, chiếm 14% sản lượng cà phê hàng năm.
Tuy nhiên, việc chuyển hướng sang thị trường nội địa hiện chỉ diễn ra ở một vài doanh nghiệp cà phê lớn, còn đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cho rằng rất khó khăn.
Nguyên nhân chính bắt nguồn từ nhu cầu xoay vòng vốn và cân đối lợi nhuận. Để làm ra 1kg cà phê rang xay loại phổ thông doanh nghiệp sẽ phải bỏ chi phí khoảng 23.000-27.000 đồng.
Nếu muốn bán tại thị trường nội địa, doanh nghiệp sẽ phải cộng thêm các chi phí rất lớn khác như chi phí đưa hàng vào siêu thị, nhân công, tiếp thị sản phẩm. Chưa kể phải khấu trừ các khoản hàng tồn kho, gối đầu.
Vì thế dù giá bán đến người tiêu dùng có thể gấp ba lần giá thành nhưng lợi nhuận thu được chỉ vào khoảng 5-7%. Trong khi, nếu xuất khẩu cà phê nhân thì lợi nhuận có thể lên tới 30-50%.
Theo Nguyễn Thảo