Tính đến hết 21/10/2015, sàn UPCoM có 232 công ty đăng ký giao dịch với tổng giá trị đăng ký giao dịch tính theo mệnh giá gần 44,707 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường kết phiên ngày 21/10 thì lên đến gần 55,638 tỷ đồng.
Mặc dù mức độ thu hút của sàn UPCoM vẫn còn cách xa sàn niêm yết HOSE và HNX. Tuy nhiên, theo thống kê của Vietstock thì sàn này cũng đã tạo được tăng trưởng nhất định. Nếu như giai đoạn năm 2009 giá trị giao dịch bình quân trên UPCoM chỉ 1-2 tỷ đồng/phiên thì những năm gần đây liên tục tăng trưởng. Tính đến 21/10/2015 đã có lúc giá trị giao dịch đạt trên 50 tỷ đồng/phiên.
Sàn UPCoM cũng hiện diện những "ông lớn" với quy mô và tiềm lực không thua kém gì các doanh nghiệp bluechip trên sàn niêm yết. Gần đây nhất tham gia giao dịch trên thị trường UPCoM là CTCP Tài nguyên Masan (MSR) với khối lượng đăng ký giao dịch hơn 703.5 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ hơn 7,035 tỷ đồng và trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất trên UPCoM. Đơn vị này là thành viên của Tập đoàn Masan, đồng thời đang quản lý và khai thác mỏ Núi Pháo tại Thái Nguyên.
Cũng trong năm 2015, hai ông lớn khác là CTCP DAP - Vinachem (DDV) và CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SAS) cũng lên giao dịch trên UPCoM. Nếu xét cả MSR thì DDV đứng thứ 4 còn SAS đứng thứ 6 về vốn điều lệ trên thị trường này với lần lượt 1,461 tỷ đồng và 1,202 tỷ đồng. Ngay trong tháng 10 này (26/10), Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (GEX) cũng sẽ đưa 155 triệu cổ phiếu lên sàn UPCoM, tương ứng vốn điều lệ 1,550 tỷ đồng.
Bên cạnh các nhân tố mới, thị trường UPCoM cũng có những "ông lớn" ngàn tỷ khác đang giao dịch như NHN của CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội, TIS của CTCP Gang thép Thái Nguyên, SBS của CTCP Chứng khoán Sài Gòn Thương Tín hay SDI của CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng.
Trong đó, Sài Đồng là công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup (VIC), gắn liền với khu đô thị cao cấp Vinhomes Riverside. Công ty có vốn điều lệ gần 1,200 tỷ đồng và cũng đang nắm 98.99% vốn tại CTCP Bất động sản Hồng Ngân, tương ứng gần 1,287 tỷ đồng.
Tại sao lại chọn UPCoM?
Ngoài những trường hợp không đáp ứng được quy định niêm yết trên HOSE và HNX hay bị hủy niêm yết mà doanh nghiệp buộc phải chọn sàn UPCoM, nơi đây vẫn thu hút được những "ông lớn" đầy tiềm lực và dư điều kiện niêm yết... Một câu hỏi được đặt ra là tại sao các "ông lớn" này lại chọn đăng ký giao dịch trên UPCoM mà không chọn lên giao dịch trên hai sàn niêm yết - nơi thị trường có thanh khoản cao hơn và khả năng huy động vốn cũng tốt hơn rất nhiều.
Trao đổi với người viết, ông Dương Sơn Tùng - Phó phòng Phân tích CTCK Agribank (AGR) cho biết là có 3 nguyên nhân chính tác động đến việc các doanh nghiệp lựa chọn gắn bó với thị trường UPCoM.
Đầu tiên, theo nhìn nhận của ông Dương thì nhiều công ty Việt Nam nói chung vẫn chưa có quan điểm rõ ràng về công khai chi tiết các hoạt động của mình. Tuy nhiên, theo xu hướng cổ phần hóa mà Nhà nước đưa ra kèm theo điều kiện doanh nghiệp phải tiến hành công bố thông tin hoạt động sau khi cổ phần hóa thì các doanh nghiệp có xu hướng lựa chọn một thị trường "kín hơn" - nơi mà vấn đề công bố thông tin không quá "khắc nghiệt". Theo đó, lựa chọn đăng ký giao dịch trên UPCoM là một phương án khả thi. Xét về mức độ cung cấp thông tin thì gần như là việc cổ phần hóa hay không cổ phần hóa là như nhau nếu trên UPCoM.
Hiện trên UPCoM có nhiều doanh nghiệp thỏa mãn hay thậm chí là "dư dả" để có thể lên sàn niêm yết. Vấn đề thứ hai ở đây tiếp tục là công bố thông tin. Có thể với những chính sách công bố thông tin hiện tại trên hai sàn niêm yết thì nhiều doanh nghiệp trong nhóm trên UPCoM này vẫn đáp ứng đủ yêu cầu. Tuy nhiên xét về lâu dài hơn, với quan điểm thị trường chứng khoán được coi là đầu tàu của nền kinh tế thì mức độ công bố thông tin sẽ được Nhà nước siết chặt hơn rất nhiều và nhiều công ty với các kế hoạch phát triển dài lâu cùng những chiến lược về thông tin sẽ không muốn vấn đề này.
Cuối cùng và cũng là vấn đề quan trọng nhất, theo ông Dương đó là doanh nghiệp đang rất coi trọng tính ổn định. Ông lý giải, theo quan điểm nhìn nhận của ông, với một công ty thì tính ổn định về giá cổ phiếu có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của công ty đó và vấn đề này nếu nhìn đến các công ty nước ngoài sẽ nhận thấy rõ hơn. Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa duy trì được sự ổn định cần thiết khi giá cổ phiếu liên tục biến động (lúc tăng rất mạnh, lúc giảm sâu và khi lại không có giao dịch). Việc biến động mạnh này khả năng sẽ ảnh hưởng ngược đến tình hình hoạt động của công ty như giá cổ phiếu bất ngờ giảm sâu gây ảnh hưởng tâm lý đến các đối tác, hay cổ phiếu bất ngờ được gom mua mạnh đưa đến khả năng công ty bị thâu tóm-sáp nhập,....
Ở UPCoM, việc ít giao dịch cũng là một lợi thế giúp ổn định. Ông đánh giá, đây là nhược điểm được nhiều người nhắc đến khi giao dịch trên UPCoM nhưng cũng là ưu điểm mà doanh nghiệp giao dịch trên thị trường này đang có. Thêm vào đó, có thể nhận thấy, với các công ty ở UPCoM thì quy mô về vốn và cơ cấu vốn không có sự thay đổi nhiều do các công ty này hướng đến sự ổn định về tài chính để đảm bảo hoạt động kinh doanh.
Một vấn đề khác là bản thân các công ty hoạt động ổn định thì phát hành ở thị trường nào cũng dễ chứ không nhất thiết phải lên sàn để có thanh khoản qua đó giúp phát hành dễ.
Các ông lớn ngàn tỷ đang giao dịch trên UPCoM (Số liệu tính đến 31/12/2014) |
Ngoài ý kiến nhìn nhận của ông Dương, liên quan đến 1 đơn vị trên UPCoM là CTCP Tài nguyên Masan, theo đánh giá của một số nhà đầu tư thì việc công ty này đăng ký giao dịch trên UPCoM chủ yếu do đến thời hạn niêm yết theo điều kiện hợp đồng với Mount Kellet Capital chứ bản thân công ty vẫn chưa "mặn mà" với chuyện đại chúng.