Những điều chưa từng biết khi SCIC lần đầu công khai báo cáo tài chính

SCIC không vay nợ ngân hàng nhưng có khoản phải trả Quỹ sắp xếp doanh nghiệp lên đến gần 40.000 tỷ đồng.

Cách đây không lâu, Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lần đầu tiên công bố công khai báo cáo tài chính, với báo cáo tài chính của năm 2013 và 2014 đã được đưa lên website. Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước đều phải công bố công khai báo cáo tài chính 6 tháng, báo cáo cả năm cũng như một số báo cáo về tình hình hoạt động.

Giống như hầu hết các tổng công ty nhà nước khác, SCIC chỉ công bố báo cáo của riêng công ty mẹ với bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh trong khi báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như thuyết minh báo cáo tài chính không được công bố.

Dù vậy thì với những thông tin đã công khai thì phần nào công chúng cũng có thể hiểu hơn về tình hình tài chính của SCIC. Hiện báo cáo 6 tháng 2015 chưa được công bố nên các số liệu mới nhất đều chỉ tính đến cuối năm 2014.


Các khoản đầu tư tài chính chiếm 96% tổng tài sản

Tổng tài sản của SCIC tính đến 31/12/2014 đạt xấp xỉ 71.000 tỷ đồng, tương đương với tổng tài sản của Vietnam Airlines và nhỉnh hơn một chút so với Tập đoàn Cao su.

Trong đó, các khoản đầu tư ngắn hạn chiếm gần 80% và đầu tư dài hạn chiếm 16%, còn lại là các tài sản khác. Nhìn vào bảng cơ cấu tài sản phía dưới có thể thấy trong năm 2014 SCIC đã phân loại lại nhiều khoản đầu tư từ khoản mục dài hạn sang ngắn hạn.

Các khoản đầu tư này có thể bao gồm cả các khoản tiền gửi ngân hàng cũng như các khoản đầu tư cổ phiếu, trái phiếu.

Trong số gần 12.000 tỷ đồng đầu tư dài hạn tại thời điểm cuối năm 2014, có 2.000 tỷ đồng đầu tư vào công ty con (nắm giữ trên 50% vốn) và 3.000 tỷ đầu tư vào công ty liên doanh liên kết (sở hữu từ 20-50% vốn), còn lại là các khoản đầu tư khác.

Các công ty đáng chú mà SCIC hiện đang nắm trên 50% vốn gồm có SCIC Investment, FPT Telecom, Bảo Minh, Viettronics.

Các khoản đầu tư của SCIC được ghi nhận theo giá vốn đầu tư khi nhận bàn giao doanh nghiệp nên giá trị sổ sách thấp hơn rất nhiều so với thị giá, chưa phản ánh đầy đủ giá trị thực của khối tài sản mà SCIC đang quản lý.

Đơn cử như khoản đầu tư vào Vinamilk, tính theo mệnh giá chỉ là hơn 5.400 tỷ đồng nhưng tính theo thị giá sẽ lên đến 67.000 tỷ đồng. Hiện tổng danh mục cổ phiếu niêm yết mà SCIC đang nắm giữ có trị giá khoảng 90.000 tỷ đồng (4 tỷ USD).

Các khoản phải trả gần 40.000 tỷ đồng

Trên tổng nguồn vốn 71 nghìn tỷ đồng thì vốn chủ sở hữu của SCIC chỉ chiếm 31,3 nghìn tỷ, tương đương 44%. Phần còn lại là các khoản nợ phải trả. Tuy nhiên SCIC hoàn toàn không có vay nợ ngân hàng.

Chiếm phần lớn nợ phải trả là khoản phải trả Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (Quỹ Doanh Nghiệp) lên đến 39,5 nghìn tỷ.

Quỹ Doanh Nghiệp tiền thân là Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương – được thành lập để quản lý tập trung, thống nhất, có hiệu quả các nguồn thu từ phần vốn nhà nước góp tại các doanh nghiệp, bao gồm cả các nguồn thu từ quá trình sắp xếp doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Đáng chú ý là chính SCIC được giao nhiệm vụ tổ chức giữ Quỹ để thực hiện thu, chi theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền.

SCIC không có nợ vay

Lợi nhuận tốp đầu trong các tổng công ty

Trong năm 2014, SCIC thu về hơn 6.900 tỷ đồng từ hoạt động đầu tư và kinh doanh vốn. Doanh thu kinh doanh vốn của SCIC tăng hơn 1.700 tỷ so với năm 2013, tuy nhiên, chi phí cũng tăng thêm 1.000 tỷ lên 1.047 tỷ đồng. Do SCIC không công bố thuyết minh nên không thể biết được nguồn thu cũng như chi phí cụ thể đến từ những nguồn nào.

Những nguồn thu chủ yếu của SCIC dựa trên đặc thù hoạt động gồm có cổ tức, lãi từ hoạt động thoái vốn, lãi tiền gửi…

Trừ đi các chi phí khác, công ty mẹ SCIC đạt gần 5.800 tỷ lợi nhuận trước thuế và 5.300 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Theo báo cáo của Chính phủ thì lợi nhuận trước thuế hợp nhất của SCIC năm 2014 đạt 6.009 tỷ đồng – đứng thứ 6 trong số các tập đoàn, tổng công ty.