Nội dung nổi bật:
- Trong những năm gần đây, nhiều đại gia Việt đổ xô đi làm nông nghiệp từ bầu Đức, bà chủ TH Milk, vua chứng khoán SSI hay mới đây là tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
- Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nhiều nhà đầu tư nhận ra dựa vào lợi thế đất nước mới là hướng đi lâu dài nên đầu tư vào nông nghiệp, bên cạnh đó đây là ngành có chỉ số ICOR thấp.
- Tỷ phú Vượng đầu tư vào rau sạch nhằm giải quyết bài toán thiếu hụt rau sạch trầm trọng tại Hà Nội cũng như khu vực miền Bắc dựa trên lợi thế sẵn có của mình về vốn, đầu ra tiêu thụ.
Trong những năm gần đây, "nông nghiệp" trở thành cụm từ "hot" đối với giới doanh nhân Việt Nam. Người ta chứng kiến bầu Đức đi trồng mía, nuôi bò. Đại gia chứng khoán Nguyễn Duy Hưng trở lại giấc mơ cung ứng các sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu quốc tế. Hay việc ông chủ Hòa Phát Trần Đình Long bắt tay vào sản xuất thức ăn chăn nuôi. Và mới đây, tỷ phú Forbes Việt Nam Phạm Nhật Vượng "ngỏ lời" muốn đầu tư sản xuất sản phẩm rau quả sạch áp dụng công nghệ cao tại Quảng Ninh.
Có thể thấy, cuộc đua đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam đã nóng hơn bao giờ hết.
Khi đại gia đi chăn bò, trồng rau
Nếu ai đó nghĩ làm nông nghiệp đồng nghĩa với nghèo như nông dân thì đây là lúc cần nghĩ lại.
Hãy nhìn sang nước Mỹ, Cargill, một công ty tư nhân lớn nhất tại Mỹ hiện chi phối lĩnh vực nông nghiệp nước này. Gần như các thực phẩm tiêu thụ hàng ngày của người Mỹ từ hamburgers, sandwiches đều sử dụng nguyên liệu của Cargill.
Còn ngay tại Việt Nam, người giàu thứ 2 sàn chứng khoán Việt Nam Đoàn Nguyên Đức cũng từng tuyên bố "nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh."
Thế nên việc đặt chân vào nông nghiệp của các đại gia không hề là bước đi ngẫu hứng. Không khó để kể mặt điểm tên những doanh nhân lớn xắn tay đi làm nông nghiệp.
Đầu tiên phải kể đến bầu Đức.
Từ năm 2012, bầu Đức bắt đầu tái cơ cấu HAGL, cắt giảm những dự án thủy điện, bất động sản không sinh lời và tập trung cho nông nghiệp như trồng mía đường, cao su, ngô. Và từ giữa năm 2014, bầu Đức mạnh tay vào nuôi bò dựa vào các lợi thế đầu vào (thức ăn cho bò từ nguồn thu phụ phẩm nông nghiệp) lẫn đầu ra (bắt tay với Nutifood, Vissan để sản xuất sữa, thịt). Đầu tháng 2/2015, HAGL công bố sản phẩm mới là thịt bò tơ giống Úc sau hơn 7 tháng chăn nuôi.
Một nữ doanh nhân khác cũng bắt tay nuôi bò sữa từ khá sớm là bà Thái Hương- bà chủ TH Milk.
Từ năm 2009, bà Hương nhập bò từ New Zealand về Nghệ An, áp dụng công nghệ Israel với vốn đầu từ 350 triệu USD. Hiện trang trại của TH Milk có 45.000 con bò sữa, đây là trang trại bò sữa quy mô lớn nhất ở Việt Nam.
Không chỉ nuôi bò, bà Hương còn dự định lớn khác là phát triển trang trại sản xuất rau sạch và thực phẩm chức năng.
Hay mới đây, đại gia ngành thép Trần Đình Long cũng manh nha đặt chân vào ngành nông nghiệp bằng việc thành lập công ty thức ăn chăn nuôi Hòa Phát, với vốn điều lệ dự kiến 300 tỷ đồng. LĨnh vực hoạt động của công ty này là chăn nuôi lợn, gia cầm, hoạt động dịch vụ chăn nuôi, sản xuất thức ăn gia sức, gia cầm, thủy sản,…
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm nông với 3 mục tiêu: sản xuất ra rau quả sạch cho thị trường, áp dụng công nghệ cao trên các cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí sản xuất và sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu cao.
Theo đánh giá của tiến sĩ Đặng Kim Sơn, viện trưởng viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, việc các doanh nhân đầu tư lớn vào nông nghiệp có hai yếu tố:
Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư nhận ra dựa vào lợi thế đất nước mới là hướng đi lâu dài. Trong bối cảnh dân số gia tăng, biến đổi khí hậu, những nước có lợi thế về nông nghiệp như Việt Nam có cơ hội để phát triển.
Thứ hai, nông nghiệp có lợi thế so sánh rất mạnh. Tiến sĩ Sơn chỉ ra rằng nông nghiệp có chỉ số ICOR (đầu tư/lợi nhuận) thấp nhất, tức là hiệu quả nhất, vượt cả công nghiệp và dịch vụ.
Vì sao tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt muốn trồng rau sạch?
Phó giám đốc sở NNPTNT Tp.HCM Lê Minh Dũng từng cho biết, mỗi ngày thành phố này tiêu thụ trên 3.700 tấn rau các loại. Với dân số đông, mật độ dân cư dày đặc, nhu cầu của Hà Nội chắc cũng không thua kém.
Tuy nhiên trong khi Tp.HCM có thuận lợi gần Đà Lạt, nơi sản xuất rau lớn nhất Việt Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đất đai trù phú thì khu vực miền Bắc hiện chưa có địa phương nào có quy mô tương tự.
Bên cạnh đó việc sản xuất rau sạch cung cấp cho Hà Nội còn khá manh mún, chủ yếu đến từ các hợp tác xã rau sạch hoặc một vài công ty quy mô nhỏ.
Bên cạnh việc thiếu hụt lớn về nguồn cung, chất lượng rau sạch cũng là bài toán nhức nhối hiện nay.
Đầu năm 2015, hàng loạt siêu thị Hà Nội dính scandal rau sạch khi đồng loạt tuyên bố ngừng nhập rau của công ty Ba Chữ. Theo VnEconomy, trung bình mỗi ngày siêu thị Metro nhập trung bình từ 700-1.000 kg rau sạch, Lotte Mart nhập từ 500-800 kg mỗi ngày từ đơn vị này. Thế nhưng báo chí phát hiện ra công ty này gom rau trôi nổi từ các chợ đầu mối rồi chuyển tới các siêu thị này với cái mác "rau sạch".
Việc ông Phạm Nhật Vượng đầu tư vào rau sạch quy mô lớn tại Quảng Ninh là một nước cờ khôn ngoan đánh trúng vào nhu cầu hiện tại của thị trường. Xem xét về vị trí địa lý, Quảng Ninh có hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nối Hà Nội khá thuận tiện và quy mô hơn so với các vùng cũng trồng rau khác hiện tại như Tam Đảo, Mộc Châu.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh gần cảng Hải Phòng nên cơ lợi thế lớn nếu tính toán đến việc xuất khẩu nông sản so với các tỉnh khác trong vùng.
Với vị thế về quy mô tài chính, đầu ra tiêu thụ là hệ thống siêu thị Vinmart, xem ra việc đầu tư của ông Vượng gần như nắm đằng chuôi. Không chỉ Vinmart, trong bối cảnh các siêu thị tại Hà Nội như Metro hiện đang nhập rau từ nhiều nguồn phân tán như Mộc Châu, Sơn La, Hải Dương, nếu Vingroup thành công với sản xuất rau sạch quy mô lớn, nhiều khả năng Vinmart có thể trở thành nhà cung cấp rau cho các siêu thị khác tại khu vực miền Bắc.
Liệu "cuộc cách mạng đầu tư nông nghiệp" như lời bà Thái Hương từng nói sẽ thành công đến đâu, điều này cần thời gian để kiểm chứng và hy vọng sẽ thay đổi lại bộ mặt cho nền nông nghiệp Việt Nam.