NHNN công bố Dự thảo Vay vốn để thoát nghèo

Theo đó, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong vòng 3 năm kể từ ngày xác định thoát nghèo và ra khỏi danh sách hộ nghèo để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH đã có cuộc trao đổi xung quanh nội dung dự thảo.

PV: Thưa ông, chương trình giảm nghèo thông qua giải pháp tín dụng ưu đãi vốn sẵn có những bất cập nhất định. Nhiều người nghèo ngại vay vốn ngân hàng vì vướng thủ tục. Việc xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để xác định hộ mới thoát nghèo được xác định như thế nào để làm căn cứ để Ngân hàng CSXH cho vay?

Ông NGUYỄN VĂN LÝ: Tiêu chí đối với hộ mới thoát nghèo rất rõ ràng, đó là các hộ đã từng là hộ nghèo vừa mới thoát nghèo. Ngoài đối tượng hộ nghèo mới thoát nghèo, Ngân hàng CSXH cũng đang nghiên cứu đề xuất hộ đã từng là cận nghèo mới thoát cận nghèo cũng được vay vốn hộ mới thoát nghèo, nhằm đảm bảo bình đẳng trong việc thực hiện giảm nghèo bền vững, các chính sách ưu đãi phải được phủ kín và chặt chẽ.

Chúng tôi sẽ định ra mức cho vay đối với hộ mới thoát nghèo. Mức cho vay sẽ không khác so với hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như quá trình bình xét đối tượng được vay, không thêm quá nhiều tiêu chí để tránh phức tạp thêm. Ngân hàng CSXH chủ trương lãi suất ưu đãi sẽ tiếp cận với lãi suất thị trường, đồng thời xóa bỏ các thủ tục rườm rà để người dân dễ tiếp cận vốn vay.

Theo Dự thảo về cho vay đối với hộ mới thoát nghèo, dự kiến giao cho Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH, các Bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, điều tra hộ mới thoát nghèo hàng năm. Liệu sẽ có hay không tình trạng "chạy hộ mới thoát nghèo" để vay vốn?

- Hộ mới thoát nghèo sẽ có trong danh sách kết quả các chương trình tín dụng, do đó việc rà soát, điều tra có đặt ra cũng khó thực hiện được. Toàn bộ dự kiến số hộ thoát nghèo sẽ theo chỉ tiêu của Chính phủ đã giao cho các địa phương, đây chính là kết quả về số hộ mới thoát nghèo để ngân hàng làm căn cứ cho vay.

Thưa ông, như vậy rất dễ có sự trùng lắp đối tượng: mới thoát nghèo và hộ cận nghèo. Hai đối tượng này có khó phân biệt?

- Theo tôi khái niệm về hộ mới thoát nghèo rất rõ ràng: đó là hộ đã từng là hộ nghèo sau đó thoát nghèo. Nếu hộ thoát nghèo mà trở thành hộ cận nghèo thì sẽ được vay chương trình hộ cận nghèo, nhưng nếu thoát hẳn hộ cận nghèo, trở thành hộ mới thoát nghèo thì sẽ thực hiện cho vay theo chương trình hộ mới thoát nghèo.

Qua thực tế tại cơ sở, hộ nghèo sau khi thoát nghèo mong muốn được vay vốn chính sách để trả nợ đến hạn vì rất kho vay các ngân hàng thương mại. Vậy nếu có chương trình mới này liệu nợ quá hạn của Ngân hàng CSXH có giảm?

- Thực tiễn cho thấy, các đối tượng chính sách sau khi đã thoát nghèo khi chưa có chính sách này sẽ rất khó tiếp cận vốn tại các ngân hàng thương mại khác. Nhất là trong thời điểm có sự chênh lệch lãi suất rất lớn giữa Ngân hàng CSXH và các ngân hàng thương mại.

Thực tế cũng chỉ ra cũng đã có hiện tượng sự chây ỳ của người vay vốn không chịu trả nợ Ngân hàng CSXH mặc dù đã đến hạn và thoát khỏi đối tượng thụ hưởng vốn chính sách.

Tuy nhiên với cung cách hoạt động của Ngân hàng CSXH là xã hội hóa, bám vào các tổ chức chính quyền, thì ngân hàng đều thu nợ tốt. Hiện nợ quá hạn của ngân hàng chỉ khoảng 0,55% tổng dư nợ, đây là một tỷ lệ rất nhỏ và bền vững.

Tuy nhiên chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo ra đời, nay tiếp tục bàn tới hộ mới thoát nghèo trong phạm vi khoảng 3 năm, nếu được Chính phủ duyệt cho triển khai, thì sẽ được vay vốn, sức ỳ sẽ giảm, hoạt động tín dụng ưu đãi đỡ vất vả hơn, góp phần tích cực cải thiện đời sống bà con cũng như xây dựng nông thôn mới.

Trân trọng cảm ơn ông!