Nhận định thị trường ngày 3/11: "Rung lắc điều chỉnh"

(NDH) Dưới đây là nhận định của một số công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch ngày 3/11/2015.

CTCK Tích cực Trung lập Tiêu cực
BVSC X
IVS X
SHS X
FPTS X

Cơ hội mua vào tại các nhịp chỉnh quanh mốc 600

(Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC)

Các nhịp điều chỉnh quanh mốc 600 điểm của chỉ số VN-Index là cơ hội để nhà đầu tư mua vào nhằm mục đích trading với tỷ lệ trung bình cho danh mục ngắn hạn. Đối với danh mục trung hạn, nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, vật liệu xây dựng hay các nhóm cổ phiếu tiếp tục được hưởng lợi từ giá đầu vào giảm.

Sự vận động của phiên 03/11 là hết sức quan trọng

(Công Ty Chứng Khoán Đầu Tư Việt Nam - IVS)

Áp lực bán gia tăng về cuối phiên đẩy thị trường giảm tương đối mạnh. Thực tế đây là phiên giao dịch không tích cực khi không có nhóm dẫn dắt, mức độ giảm điểm mạnh, số lượng mã giảm nhiều. Trong khi đó nhóm NĐTNN không giao dịch mạnh ở phiên ATC nên phần nào khiến NĐT cảm thấy không an tâm. Cây nến giảm điểm mà chỉ số VN-Index thể hiện cũng cho thấy sự hoài nghi và lo lắng của NĐT. Mức độ Margin đã tăng lên và liệu điều lo lắng mà chúng tôi đề cập có xảy ra hay không? Một phiên giảm mạnh chưa nói lên điều gì nhưng nếu một phiên thứ 2 cùng cách thể hiện và mức độ giảm có thể sẽ lại có nhiều điều đáng nói. Nhìn vào phiên 26/10 và sau đó 2 phiên giảm nhẹ thì rõ ràng vẫn rất tích cực nhưng nếu nhìn vào phiên 05/03 thì lại hoàn toàn khác. Vì thế sự vận động của phiên 03/11 là hết sức quan trọng bởi nếu như tín hiệu không tích cực diễn ra có thể áp lực bán sẽ mạnh dần lên.

Các phiên rung lắc điều chỉnh có thể sẽ tiếp tục diễn ra

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội - SHS)

Diễn biến điều chỉnh như hôm nay đã được dự báo trước do thị trường không có động lực để bứt phá mạnh sau khi vượt thành công ngưỡng 600 điểm. Xu hướng thị trường phụ thuộc khá nhiều vào dòng tiền đầu cơ vốn đang có sự dịch chuyển luân phiên khá nhanh giữa các nhóm cổ phiếu dẫn dắt và tác động trực tiếp lên diễn biến của hai chỉ số. Rủi ro điều chỉnh tại các vùng kháng cự vì vậy cũng tăng cao khi áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện. SHS cho rằng đà tăng sẽ vẫn tiếp tục, tuy nhiên trong ngắn hạn các phiên rung lắc điều chỉnh có thể sẽ tiếp tục diễn ra.

SHS cho rằng chiến thuật giao dịch hợp lý nhất tại thời điểm hiện tại là chờ mua vào tại vùng giá thấp đối với các mã có sẵn trong danh mục hoặc đối với các mã đã có sẵn đà tăng nhưng đang trong nhịp điều chỉnh ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu chúng tôi quan tâm trong giai đoạn này là ngân hàng, bất động sản với các mã chưa công bố KQKD quý III và đang được kỳ vọng sẽ có kết quả tích cực.

Tâm lý kỳ vọng vào một mục tiêu cao hơn đang bị ảnh hưởng

(Công ty chứng khoán FPT - FPTS)

Độ rộng của nhịp giảm ngày 02/11 có mức lan tỏa khá lớn, đặc biệt là sự xuất hiện lực bán chốt lời rất mạnh tại nhóm cổ phiếu trụ cột. Đây là nhóm thu hút mạnh dòng vốn của thị trường với các thông tin tích cực về KQKD Quý III/2015, thông tin SCIC thoái vốn hay hiệu ứng từ hiệp định TPP…

Đánh giá sơ bộ có thể thấy tâm lý kỳ vọng vào một mục tiêu cao hơn đang bị ảnh hưởng do diễn biến thanh khoản đang ngược chiều với kỳ vọng đi lên về xu hướng của chỉ số. Hay nói một cách khác với dòng tiền hạn hẹp và sự phân hóa quá chặt chẽ, chỉ tập trung vào một số nhóm cổ phiếu trên thị trường sẽ khó tạo ra một nền tảng bền vững cho nhịp tăng lớn hơn trong ngắn hạn. Trạng thái mua bán ròng không rõ ràng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài gần đây cũng là yếu tố gây suy giảm niềm tin của thị trường khi chỉ số đang thiếu đi các thông tin hỗ trợ mới và đủ lớn.

Do đó, hoạt động giao dịch theo chiều mua nên được cân nhắc hạn chế. Nhóm nhà đầu tư đã có sẵn cổ phiếu nên tận dụng các thời điểm chỉ số hồi phục nhưng không đi kèm với thanh khoản cải thiện để cơ cấu lại danh mục theo hướng ưu tiên tỷ lệ tiền mặt cao trên tổng tài sản.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.