Người Việt trẻ đang bị ru ngủ trong suy nghĩ "Học giỏi để có một công việc ổn định"

Các em có những thiệt thòi bởi sinh ra và lớn lên trong môi trường "bao cấp" nhiều quá, bao cấp từ trong suy nghĩ. Nếu được ru ngủ như vậy thì sẽ không cần phải tư duy sáng tạo và cũng không cần cả ước mơ, bởi cái đích muốn đến đã được định sẵn rồi.

Đó là chia sẻ của bà Thạch Lê Anh, sáng lập và nhà điều hành dự án Vietnam Silicon Valley (VSV) - Dự án với mục tiêu xây dựng một 'hệ sinh thái' cho cộng đồng Startup Việt Nam .

Từng hỗ trợ nhiều dự án gọi vốn thành công, bà Lê Anh cho rằng, cái những người Việt trẻ tuổi đang thiếu không chỉ là kiến thức và kỹ năng, mà còn thiếu cả bản lĩnh 'dám' thực hiện ước mơ.

Ra mắt từ giữa năm 2013, nhưng dự án VSV khá "im hơi lặng tiếng" và không được nhiều người biết đến. Tại sao VSV không đẩy mạnh quảng bá để nhiều startup biết tới mình hơn?

Bà Thạch Lê Anh: Có 2 lý do, thứ nhất lý do chủ quan là VSV muốn "làm được" rồi mới "nói", bởi đây là mô hình mới, chưa có nhiều người hiểu về vấn đề này. Chúng tôi phải xây dựng thành công rồi "chỉ" để mọi người cùng thấy, "trăm nghe không bằng một thấy" mà.

Nói thì có vẻ dễ nhưng hiểu được cốt lõi và làm chính xác (chứ không phải làm đúng) thì mới thành công được. Thứ hai, khách quan mà nói, VSV chưa được cấp kinh phí để truyền thông, ngoại trừ tổ chức một số hội thảo cho một vài trăm người có quan tâm đến vấn đề này.

Sự ra đời của VSV cho thấy Chính phủ nhận thấy tiềm năng của startup tại Việt Nam. Bà có thể cho biết tiềm năng này qua một vài con số cụ thể không? Sau 1 thập kỷ tồn tại, các startup Việt Nam đã mang tới những tín hiệu tích cực nào?

Theo sự khảo sát mà VSV đã thực hiện thì có khoảng 20.000 bạn trẻ đang hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp này. Mặc dù VSV "im hơi lặng tiếng" nhưng mỗi lần thông báo nhận đầu tư thì có khoảng 100 nhóm đăng ký, mỗi nhóm trung bình có từ 3 đến 5 bạn. Nếu nói sau 1 thập kỷ tồn tại thì chưa chính xác bởi việc này mới rộ lên trong khoảng 4 năm trở lại đây.

Lúc đầu, khởi xướng cũng chỉ là một vài nhóm lẻ tẻ do các bạn đi du học nước ngoài về, muốn tự khởi nghiệp thay vì tìm những vị trí an toàn trong cơ quan nhà nước hoặc có thu nhập cao trong các tổ chức nước ngoài. Nhưng nay đã có một cộng đồng tương đối đông đảo, đây là tín hiệu rất tích cực vì văn hoá tự lập, dám theo đuổi đam mê hoài bão của mình đã lan toả nhanh chóng trong giới trẻ.

Mục tiêu tạo ra một "hệ sinh thái" mà VSV hướng tới bao hàm những yếu tố nào? Theo bà, việc VSV cần làm nhất bây giờ là gì?

Mục tiêu này là rất tham vọng, bởi không phải quốc gia nào cũng làm thành công. Hệ sinh thái ở đây bao hàm những nhân tố có mối quan hệ hữu cơ với nhau, nhân tố này tìm thấy sự phát triển của mình từ những nhân tố còn lại.

Tôi có thể liệt kê không theo thứ tự như sau: các cơ quan Chính phủ, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các nhà đầu tư Thiên thần, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, các quỹ đầu tư mạo hiểm, các công ty đại chúng, các tổ chức cung cấp dịch vụ… đây là những nhân tố không thể thiếu để hỗ trợ cho các startup.

Bà Thạch Lê Anh (áo hồng - giữa) cùng đoàn 15 nhà khoa học và DN Việt Nam thăm quan và thực tập tư vấn khởi nghiệp cho các doanh nghiệp trong trường Đại Học Cambridge.

VSV có sứ mệnh tuyên truyền về văn hoá khởi nghiệp, văn hoá đầu tư mạo hiểm và trên hết là truyền cảm hứng cho những cá nhân và tổ chức nằm trong hệ sinh thái để họ hiểu và tự mỗi người nhóm lên ngọn lửa đam mê cho mình và cho cộng đồng.

Khi đã có đam mê thì việc còn lại chỉ là giải pháp, VSV có một mạng lưới các chuyên gia trong nước và quốc tế để giúp cho không chỉ Startup mà còn cho nhà đầu tư, cho các tổ chức giáo dục đào tạo và kết nối các quỹ đầu tư một cách hiệu quả.

Trong buổi gặp mặt với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, nhiều startup phản ánh họ gặp khó khăn vì những rào cản pháp luật hiện hành. Để tạo ra một hệ sinh thái đúng nghĩa, vai trò của pháp luật là không nhỏ. VSV có tham gia hỗ trợ vấn đề này?

Rất thú vị với câu hỏi này của bạn, như trên có nói "VSV tương đối im hơi lặng tiếng", nhưng thực ra VSV đã và đang rất tích cực đưa ra những nghiên cứu và thử nghiệm có tính thực tiễn và thuyết phục không chỉ Startup, các nhà đầu tư, các tổ chức giáo dục đào tạo mà còn tham gia góp ý cho những dự thảo mang tính pháp lý của các cơ quan Chính phủ.

Hiện VSV đã được đồng ý về chủ trương trở thành một dự án cấp quốc gia nhằm góp phần tích cực hơn nữa trong việc tạo ra một hệ sinh thái đúng nghĩa.

Trong giai đoạn đầu, VSV đã thành công trong việc hỗ trợ một số startup như TechElite, Lozi. Sau những dự án đó, bà cảm thấy vấn đề các startup Việt Nam cần hỗ trợ nhất là gì?

Các Startup Việt Nam rất cần được hỗ trợ về chiến lược và chiến thuật để định hướng sản phẩm và thị trường toàn cầu, bởi đây là mô hình đầu tư mạo hiểm, cái đích cuối cùng là IPO hoặc được mua lại bởi các công ty đại chúng với trị giá nhiều triệu đô la và thậm chí hàng tỷ đô la. Nếu không làm được điều đó sẽ khó có một thị trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam.

Đó cũng là vấn đề các Startup đang thiếu hụt nhất?

Như trên tôi có đề cập việc thiếu tư duy chiến lược về sản phẩm và thị trường toàn cầu cũng như khả năng thực hiện theo chiến lược đó đã làm cản trở quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Các em có những thiệt thòi bởi sinh ra và lớn lên trong môi trường "bao cấp" nhiều quá. Bao cấp luôn cả trong suy nghĩ "học giỏi để có một công việc làm ổn định"! Nếu được ru ngủ như vậy thì sẽ không cần phải tư duy sáng tạo và cũng không cần cả ước mơ, bởi cái đích muốn đến đã được định sẵn rồi.

Nếu Startup mà không đủ hoài bão, không dám sáng tạo và không nhiều đam mê thì không thể có cái nhìn toàn cầu được.

VSV đã tham gia hỗ trợ vào các startup trong lĩnh vực công nghệ, vậy còn những startup trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ hay nhà hàng thì sao?

Theo tôi, công nghệ nên chia làm 3 loại: công nghệ chiến lược dành cho lãnh đạo; công nghệ quản lý dành cho các nhà quản trị và công nghệ kỹ thuật là dành cho các chuyên gia. Trong bất kỳ một tổ chức nào cũng cần phải có cả 3 loại công nghệ này.

Lâu nay chúng ta nói đến công nghệ là chỉ có công nghệ kỹ thuật như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nano….mà ít nói đến công nghệ quản lý và công nghệ chiến lược. Trong khi 2 công nghệ này đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của Startup. Vì thế VSV sẽ hỗ trợ các Startup tiếp cận với cả 3 loại công nghệ này với điều kiện các bạn đã phải có 1 trong 2 loại công nghệ trên.

Ví dụ Startup trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, tôi hy vọng ít nhất các bạn phải trình bày được về công nghệ quản lý và tầm nhìn chiến lược để có thể mở nhiều chuỗi cửa hàng như Starbucks chẳng hạn… Nếu làm được như vậy, tại sao VSV không hỗ trợ?

Startup được xem là trái tim của thung lũng Silicon khi là động lực chính thúc đẩy sự đổi mới. Bà có tin rằng trong tương lai Startup Việt Nam cũng có thể làm được như vậy - trở thành động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam?

Tôi tin rằng Startup Việt Nam làm được điều đó, hiện nay ở đâu đó trong nước Mỹ và tại Thung lũng Silicon đang có các Startup Việt Nam hoạt động rất tích cực, đem lại nhiều sản phẩm có tiếng vang trên thị trường và mang lại thu nhập không nhỏ cho chính các sáng lập viên cũng như các nhà đầu tư.

Nếu chúng ta, ngay tại nước mình mà tạo được một môi trường, một hệ sinh thái để các em có thể thuận lợi khi khởi nghiệp thì đây chính là nhân tố để thu hút đầu tư mạo hiểm. Tôi muốn đưa một con số để chúng ta cùng tham khảo về tác động của đầu tư mạo hiểm đối với nền kinh tế Hoa Kỳ.

Theo số liệu thống kê của NVCA (National Venture Capital Association) thì tổng vốn đầu tư mạo hiểm năm 2014 của Hoa Kỳ là 49,3 tỷ đô la, chỉ xấp xỉ khoảng 0,28% GDP, nhưng những công ty nhận được nguồn vốn này đã tạo ra 21% GDP của toàn nước Mỹ và tạo ra 11% tổng số việc làm trong khối tư nhân. Riêng ở Thung lũng Silicon thì tổng vốn đầu tư mạo hiểm là 24,2 tỷ.

Xin cảm ơn bà!