Khi ông Maksym Orlovskyi mua một căn hộ ở trung tâm thủ đô Kiev vào năm 2006, ông đã lắp đặt một lò sưởi mới, thay thế các cửa sổ và tường cách nhiệt. Những việc làm này của ông đã đem lại lợi ích khi chính phủ Ucraina bắt đầu tăng giá khí đốt gấp 3 lần từ ngày 1/4. Đây là một trong những điều kiện để Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân khoản cứu trợ 17,5 tỷ USD cho nước này thoát khỏi tình trạng vỡ nợ.
Những điều kiện của IMF dự kiến sẽ khiến Ucraina nâng giá bán lẻ khí đốt lên ngang bằng với giá nhập khẩu nhằm giảm bớt gánh nặng trợ cấp cho các hàng hóa chính. Tuy nhiên, trong khi những cư dân giàu có như ông Orlovskyi có thể đối phó được với việc tăng giá này thì nhiều người dân Ucraina khác lại không được may mắn như vậy. Theo ông Orlovskyi, gia đình ông hiện đã giảm hơn 50% lượng tiêu thụ khí đốt.
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) cho rằng những ngôi nhà sử dụng năng lượng hiệu quả sẽ giúp người dân Ucraina tiết kiệm được 12 tỷ mét khối khí đốt/năm. Con số này bằng một nửa lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trước khi xung đột giữa 2 nước diễn ra.
Do hầu hết người dân Ucraina không thể đại tu nơi ở của mình nên hầu hết nguồn nhiệt khí đốt đều thoát ra ngoài cửa sổ.
Những tòa nhà cũ kỹ
Việc đại tu những tòa nhà cũ kỹ ở Ucraina sẽ tiêu tốn khoảng 30 tỷ Euro. Đây là điều mà quốc gia gần như vỡ nợ này không thể thực hiện.
Các nhà hoạch định chính sách đang kiểm soát nguồn vốn nhằm ổn định đồng Hryvnia vốn đã giảm hơn 30% giá trị từ đầu năm nay. Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Ucraina do xung đột với miền Đông đã khiến nước này không còn đủ ngân sách cho việc thiết lập tiết kiệm năng lượng.
Giá khí đốt tại Ucraina đã tăng từ 1.089 Hryvnia lên 3.600 Hryvnia (152,54 USD)/1.000 mét khối. Quốc gia này phải trả Nga 330 USD/1.000 mét khối trong quý 1/2015. Một đợt tăng giá khí đốt nữa được dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2016.
Ông Oleksandr Kovalchuk, một cư dân tại thủ đô Kiev cho biết những tòa nhà cũ kỹ ở Ucraina bị mất nhiệt quá nhiều đến mức những cư dân trong đó sẽ “chết lạnh” nếu tiêu thụ khí đốt ít hơn nữa. Tòa nhà 10 tầng mà ông Kovalchuk đang ở là một ví dụ. Nước nóng cung cấp đến khu chung cư này đã bị nguội khi mới đến tầng 2 của ông. Hiện ông Kovalchuk phải dùng lò sưởi bằng điện, khiến chi phí tiền điện tăng lên.
Những đường ống cũ
Những đường ống dẫn nhiệt từ trạm năng lượng đã cũ. Lớp vỏ bọc cách nhiệt đã bị bong ra và những nguồn nhiệt này chỉ làm nóng mặt đất xung quanh trạm.
Một đường ống dẫn khí từ Nga
Việc sử dụng khí đốt hộ gia đình đã giảm khoảng 10% trong năm ngoái xuống 15 tỷ mét khối sau khi Nga dừng cung cấp trong hơn 6 tháng. Khí đốt sử dụng cho các khu vực công cộng ở đây cũng giảm 16% xuống 7 tỷ mét khối.
Trong tình hình tranh cãi về giá khí đốt, Ucraina sẽ phải dựa vào nguồn dự trữ chỉ đủ trong 1 quý cũng như nguồn cung từ Hungary và Slovakia, vốn không đủ bù đắp cho tiêu thụ tại đây.
Giám đốc nghiên cứu Oleksandr Parashchiy của Concorde Capital cho rằng vấn đề lãng phí trên sẽ không thể giải quyết nhanh chóng được. Vấn đề ở đây không chỉ là các bức tường và cửa sổ cách nhiệt mà là cả một hệ thống sưởi ấm không hiệu quả trên toàn quốc.
Trợ giá quá nhiều
Bộ trưởng Năng lượng Volodymyr Demchyshyn cho biết nước này vẫn phải trợ giá khí đốt và nhiệt năng cho 2/3 dân số. Ngân sách quốc gia của nước này năm 2015 đã phải dành 24 tỷ Hryvnia cho việc trợ giá năng lượng cho người dân.
Thành viên hội đồng tư vấn Yuriy Korolchuk của Viện Năng lượng Chiến Lược (IES) cho rằng gánh nặng tu sửa các tòa nhà hiện đang thuộc về người dân Ucraina. Những người đủ tài chính hiện đã sửa chữa nhà của mình, còn những gia đình không tu sửa nhà là những hộ không có đủ tiền. Vì vậy, ông Korolchuk nhận định rằng chính phủ Ucraina nên vào cuộc để giúp đỡ những hộ gia đình này.