Ngập ngừng lên sàn

Khởi đầu một năm mới là lúc để doanh nghiệp (DN) đang có ý định phát triển mở rộng hoạt động đặt ra câu hỏi "lên sàn hay không".

Nhìn từ thị trường

Theo số liệu tổng kết từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) năm 2014 đã có bước chuyển biến tích cực. Chỉ số VN-Index và HNX-Index trong năm 2014 đều đạt tăng trưởng lần lượt là 9% và 24% so với cuối năm 2013. Cả hai chỉ số này có thời điểm còn tái lập những mức đỉnh cũ.

Cụ thể, VN-Index đạt lại mức 640,75 điểm vào ngày 3/9 sau gần 6 năm, HNX-Index lập đỉnh 92,99 điểm trong ngày 24/3 sau đúng 3 năm. Xét về thanh khoản thị trường, quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 5.500 tỷ đồng, tức tăng gấp đôi so với năm 2013. Ngoài ra, tổng giá trị niêm yết cũng tăng 19% , tổng giá trị huy động vốn ước đạt 237 ngàn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2013.

Ông Hoàng Thạch Lân, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán MHBS, nhận định: "Khi TTCK đạt tăng trưởng và kỳ vọng tăng trưởng, doanh nghiệp (DN) có nhiều động lực để lên sàn hơn". Thực tế, năm 2014 ghi nhận con số DN mới lên sàn khá cao với 44 công ty.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu vào cơ cấu niêm yết cũng như nguồn vốn mà các DN đã huy động được trong năm 2014, sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về TTCK. Chẳng hạn, giá trị vốn huy động từ các đợt phát hành cổ phiếu và cổ phần hóa (CPH) năm 2014 chỉ đạt 23 ngàn tỷ đồng, tức chỉ bằng 1/10 tổng giá trị vốn huy động trên toàn thị trường.

Theo UBCKNN, 90% vốn huy động được qua TTCK đều cho các đợt phát hành trái phiếu chính phủ. Hay trong 44 DN niêm yết mới, có tới 23 DN chọn sàn UpCOM để đầu quân. UpCOM là một sàn "nhẹ ký" để các DN đã đại chúng (tức đã cổ phần và có từ 100 cổ đông trở lên) tạo lập thanh khoản cho cổ phiếu mình.

Thực tế, với quy định mới từ UBCKNN, nhiều DN sau khi huỷ niêm yết (bắt buộc và cả tự nguyện) đã được xử lý hồ sơ, chuyển sang giao dịch trên UpCOM. Cùng đó, quy định các DN sau 1 năm cháo bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) phải niêm yết cổ phiếu khiến sàn UpCOM trở nên sôi động.

Như vậy, trong 672 DN niêm yết hiện tại, những gương mặt thực sự "tươi mới" của TTCK chỉ có 21 công ty. So với 30 công ty đã hủy niêm yết trong năm 2014 thì lớp đi ra đã đông hơn lớp mới vào. Một số DN dù kinh doanh ổn định vẫn bày tỏ ý định hủy niêm yết.

Lên sàn được hay mất?

Có khá nhiều lý do để các DN muốn lặng lẽ rời sàn. Có những lý do rất khách quan như Chứng khoán Phú Hưng (PHS) rời sàn vì thời hạn cho hoạt động đã hết. Hay Thủy điện Nà Lơi (NLC) hủy niêm yết do sáp nhập và hoàn đổi.

Tuy nhiên, việc rời sàn trong quá khứ của Mekophar (MKP), SaigonTel (SGT), Thủy sản Gò Đàng (AGD) lại khiến nhiều DN băn khoăn. Bởi đằng sau những câu chuyện này cho thấy một thực tế, dường như niêm yết không còn là chìa khóa đảm bảo cho DN đạt được các mục tiêu mong đợi.

Tại chương trình Ăn trưa và chia sẻ kinh nghiệm quản trị - BIZLUNCH với chủ đề đầu tiên "Cổ phần hóa và niêm yết doanh nghiệp: Được và mất" (do Hội các Nhà quản trị Việt Nam (VACD), Báo Doanh Nhân Sài Gòn và ANHGROUP đã tổ chức hôm 8/1), ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc Công ty SAM (SAM) - một trong hai DN niêm yết đầu tiên của thị trường đã khẳng định: "Niêm yết có được và cũng có mất".

Cái được lớn nhất là DN tạo được tính thanh khoản cho cổ phiếu. Quan trọng nữa, khi niêm yết, DN có nhiều điều kiện để phát triển công ty thông qua việc huy động vốn thành công và đạt tăng trưởng lợi nhuận dưới áp lực của cổ đông.

Ông Trắc dẫn chứng, SAM từ sau khi lên sàn đã thay đổi ngoạn mục, từ một DN nhỏ, SAM giờ trở thành tập đoàn với quy mô vốn 1.730 tỷ đồng. Hay gần đây hơn, Công ty Thế Giới Di Động đã đạt những thành công rất lớn khi đưa cổ phiếu MWG lên sàn. Vốn điều lệ của MWG từ 627 tỷ đồng lúc niêm yết đã nâng lên thành gần 1.120 tỷ đồng chỉ trong vòng chưa đầy nửa năm chào sàn.

Trên thực tế, lên sàn là cách để DN "quảng bá" mình tốt nhất. Qua các hoạt động truyền thông và phân tích, gặp gỡ nhà đầu tư, qua diễn biến giá cổ phiếu, DN có thể biết mình đang được đánh giá ra sao. Lên sàn cũng là dịp để DN tiếp cận với các chuẩn mực cao hơn, từ chuẩn mực kế toán, chuẩn mực công bố thông tin đến những chuẩn mực trong quản lý, điều hành và quản trị.

Nhưng ông Đỗ Văn Trắc thừa nhận, rủi ro cho DN khi niêm yết là rủi ro thông tin có thể bị lộ, bị đối thủ lợi dụng. Vì thế, ông Trần Hữu Chinh, Phó chủ tịch VACD, cho rằng, niêm yết chỉ thích hợp với DN có khát vọng vươn đến những tầm vóc cao hơn và cần huy động nguồn vốn lớn.

Còn những DN nhỏ, các công ty theo truyền thống gia đình, đã phát triển ổn định trên thị trường, đủ nguồn vốn, định hướng phát triển trong tầm kiểm soát thì không cần thiết phải cổ phần hóa hay niêm yết.

Ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán HSC, chia sẻ: "Lên sàn chỉ là vấn đề thủ tục, là một công đoạn của quá trình phát hành cổ phiếu ra công chúng".

Lên sàn là được hay mất không phải do DN tính liệu mà tùy thuộc nhiều yếu tố, xét trên nhiều chỉ số như lợi nhuận trên vốn (ROE), chỉ số thị giá phải trả trên lợi nhuận tạo ra (P/E), chỉ số chia cổ tức trên giá cổ phiếu, giá trên giá trị sổ sách...