Thời gian tới, DN vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ để kiểm soát hóa chất tồn dư. Ảnh: Trần Việt
Điều này khiến các DN vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn nên đòi hỏi phải tăng tính chủ động, cần nhiều sự hỗ trợ để vượt qua được hàng rào này.
Còn thiếu và yếu
Để vượt qua TBT, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam (Lefaso), các DN XK lớn hay DN FDI đều đã xây dựng được những chuẩn chung, có hệ thống kiểm soát chặt chẽ để đáp ứng đúng với TBT. Còn DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, còn rất thiếu thông tin về vấn đề này, họ cũng chưa tự nỗ lực và chưa được hỗ trợ đầy đủ để thực hiện tốt việc vượt qua TBT. Hơn nữa, khách hàng của họ là những đơn hàng vãng lai, không thường xuyên hoặc tự làm, tự XK nên việc đáp ứng gặp nhiều trở ngại hơn.
Tiêu biểu như tại Công ty Cổ phần Cao su Hà Nội, vị đại diện DN này cho biết, DN dù chỉ làm cho các khách hàng nhỏ lẻ nhưng vẫn phải tuân thủ theo TBT. Tuy khách hàng nhỏ nhưng số lượng đơn hàng vẫn nhiều, khi kiểm tra chất lượng sản phẩm, đã gửi mẫu ra nước ngoài kiểm nghiệm đạt chuẩn, nhưng khi giao hàng vẫn phát hiện lỗi nên hàng bị trả lại khiến DN thiệt hại khá nhiều. Hơn nữa, việc kiểm nghiệm mẫu mã, chất lượng ở trong nước còn nhiều khó khăn, không được phía khách hàng chấp nhận kết quả, trong khi các sản phẩm chỉ dính một chút màu nhuộm cũng phải kiểm tra, đạt yêu cầu mới tiến hành sản xuất. Nếu cứ phải đưa ra nước ngoài kiểm tra sẽ rất tốn kém.
Thị trường các nước NK lớn liên tục đưa ra các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn hóa chất đối với ngành da giày. Khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), rào cản về thuế quan sẽ còn 0%, như vậy các nước sẽ sử dụng TBT để làm rào cản bảo vệ hàng trong nước. DN muốn vượt qua TBT phải tự nỗ lực, cần xây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn, tạo thành một chuỗi cung ứng sản phẩm để kiểm soát chất lượng từ khâu nguyên phụ liệu. Bên cạnh đó, DN cần xem lại khâu quản lý, sản xuất của nhà máy để tránh bỏ sót dây chuyền, ảnh hưởng đến thành phẩm có những hóa chất tồn dư không được phép. | |
Bà Phạm Thị Kim Yến - |
Tích cực hỗ trợ DN
Khó khăn về TBT đã được các DN chuẩn bị ngay từ khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO vào năm 2006. Tuy nhiên, tùy vào năng lực của từng DN mà có những cách thức khác nhau để vượt qua rào cản này.
Theo đại diện của một hãng sản xuất đồ thể thao của Mỹ, các nhà máy sản xuất được thương hiệu này chấp thuận đặt hàng đều phải tự chuẩn bị phòng thí nghiệm theo tiêu chuẩn chung của các công ty giày quốc tế, khách hàng có yêu cầu mà nhà máy không đáp ứng được thì nhà máy phải tự mua thêm hoặc thương lượng giúp đỡ. Nhân viên nhà máy sản xuất đó cũng phải qua đào tạo bài bản thì mới được chấp thuận làm công tác kiểm nghiệm. Quy trình kiểm soát hóa chất trong giày dép khá nghiêm ngặt, có những nước muốn XK sang như Mỹ, Trung Quốc còn đòi hỏi phải có kết quả riêng của nước sở tại mới được phép XK, nên việc này bắt buộc phải có sự phối hợp giữa cả bên nhà máy và khách hàng.
Chính vì quy trình khá "rắc rối" như thế khiến nhiều DN cảm thấy "ngại", nhất là khi Việt Nam không có nhiều trung tâm kiểm nghiệm và lực lượng nhân sự đạt tiêu chuẩn. Chính từ những khúc mắc này, Lefaso đã được Liên minh châu Âu (EU) hỗ trợ thành lập dự án Hỗ trợ DN đáp ứng tốt hơn các quy định an toàn sản phẩm. Dự án sẽ thực hiện các hoạt động đào tạo và tuyên truyền kiến thức, hỗ trợ kỹ thuật cho các DN vừa và nhỏ được lựa chọn. Đặc biệt, 3 Trung tâm tư vấn và hỗ trợ DN (OSSC) sẽ được thành lập nhằm giúp DN tiếp cận các dịch vụ tư vấn, thử nghiệm trong lĩnh vực da giày với chi phí ưu đãi. Mạng lưới phòng thí nghiệm sẽ trải rộng cả hai miền Nam Bắc, được chứng nhận và công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Các hoạt động trong dự án sẽ giúp DN vừa và nhỏ trong lĩnh vực da giày nâng cao tính cạnh tranh và năng lực XK thông qua việc đáp ứng tốt hơn các yêu cầu kỹ thuật và quy định pháp lý của thị trường quốc tế.
Bên cạnh những hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý và sự nỗ lực tự bản thân DN, bà Phan Thị Thanh Xuân còn cho rằng, Nhà nước cần có chủ trương tác động để người tiêu dùng trong nước cũng nâng cao ý thức về chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa hàng NK và hàng nội địa. Trong thị trường nội địa, cái thiếu và yếu nhất chính là hàng rào để bảo vệ người tiêu dùng, giúp họ phân biệt được hàng chất lượng. Để làm được điều này, Chính phủ cần có sự quan tâm thích đáng hơn để xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp DN vừa nâng cao chất lượng khi sản xuất sản phẩm, vừa ngăn chặn được hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng.