Ông Phạm Huy Thông, Phó Tổng giám đốc Vietinbank cho rằng tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng còn thấp. Nếu để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành năm 2014 đạt 12 - 14% thì có nghĩa là, các ngân hàng phải dốc lực tìm kiếm khách hàng, tăng tốc giải ngân.
Vậy tương lai nào cho tín dụng năm 2014, khi mà năm tài chính 2014 đang đi vào quý cuối và sản xuất, kinh doanh của DN vẫn đang bết bát?
Trước tình thế khó khăn, các ngân hàng tìm cách lách vào các ô cửa nhỏ, hướng dịch vụ bán lẻ. Ngân hàng rốt ráo chạy khuyến mãi chương trình cho vay ưu đãi lãi suất. Chẳng hạn Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) gây chú ý bằng việc cho vay mua ô tô việc áp dụng mức lãi suất đặc biệt thấp chỉ 7% trong thời gian đầu. Thậm chí còn cho phép khách hàng lựa chọn một trong hai hình thức lãi suất phù hợp.
Nhưng phía sau các động thái của cơ quan quản lý lẫn người trong cuộc là các ngân hàng thương mại, ai cũng ngầm hiểu rằng, tăng tín dụng không hề dễ. Chưa bao giờ, các lãnh đạo ngân hàng lại dám nói thẳng đến chua chát rằng bây giờ ngân hàng phải "nài nỉ" DN, có nghĩa là ngân hàng phải "năng nhặt chặt bị. Nói như TS Nguyễn Thị Mùi, Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nhân lực VietinBank thì các DN sợ bị "mắc lừa" khi không ít ngân hàng tung ra khuyến mãi vào năm đầu nhưng sau đó lại đưa ra lãi suất theo thị trường do ngân hàng quyết.
Những khó khăn của chặng đường tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm vẫn còn đó. Và còn một điểm đáng lo ngại nữa là, theo báo cáo dòng chảy tín dụng chủ yếu dựa vào ngoại tệ, trong khi tiền đồng hầu như không di chuyển mấy. Tín dụng ngoại tệ tăng nhanh, hay là tín dụng tiếp tục chảy vào chứng khoán, trái phiếu? Với tốc độ tăng trưởng tín dụng và khả năng phục hồi của nền kinh tế như hiện nay, vòng luẩn quẩn vẫn chưa dứt. Từ đó tác động ngược lại, tín dụng chưa có bệ đỡ để bứt phá.