Nga triển khai dự án hóa lỏng 'khủng' ở Bắc Cực

Mọc trên vùng lãnh thổ băng giá của Nga ở Bắc Cực, siêu dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal trị giá 27 tỉ USD thách thức cả thời tiết khắc nghiệt bản địa lẫn cuộc khủng hoảng Ukraine đang ngáng chân dòng tiền đổ về.

Cách thủ đô Moskva khoảng 2.500km về phía đông bắc, vùng đất băng giá vốn chỉ là nơi bầu bạn của gấu, cáo Bắc Cực với các nhà địa lý học và thám hiểm, nay là địa bàn của dự án Yamal liên doanh giữa ba công ty Novatek của Nga, Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc, nơi họ cùng chung tay xây dựng giấc mơ: biến Yamal trở thành một trong những dự án khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới, vận chuyển hàng hóa đến cả châu Á và châu Âu.

Dự án Yamal ở Bắc Cực. Ảnh: AFP


Từ một vùng lãnh nguyên chưa được khai phá, sự phát triển bén rễ và diễn ra hết sức nhanh chóng. Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, khoảng 9.000 công nhân miệt mài lao động để dựng lên nhà máy Yamal khổng lồ trước năm 2017, với mục tiêu mỗi năm sản xuất khoảng 16,5 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng.

Kể về sự khắc nghiệt của thời tiết, ông Ruslan Mikhailov, thuyền trưởng của một tàu phá băng có nhiệm vụ giữ các vùng nước quanh cảng không bị đóng băng nói: "Hiện nay thời tiết là -10 độ C, khá ấm. Nhiệt độ trung bình ở đây trong mùa đông là -30 độ và có thể thấp đến ngưỡng - 56 độ".

Kế hoạch thực hiện dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal có từ khoảng 10 năm trước, trước khi Nga bước vào cuộc chiến các lệnh cấm vận hiện nay của phương Tây xung quanh những diễn biến của cuộc khủng hoảng Ukraine. Với vị trí đắc địa, nhà máy Yamal được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề để phát triển giao thương với cả hai thị trường châu Âu và châu Á thông qua con đường phương bắc. Đây là lối ngắn nhất nối liền phần lãnh thổ của Nga ở châu Âu và Thái Bình Dương, dù việc đi lại vẫn chỉ diễn ra theo mùa.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các mối quan hệ quốc tế sụp đổ xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine, một số dự án năng lượng lớn có bao gồm các doanh nghiệp phương Tây và Nga rơi vào tình trạng bị xếp xó do các lệnh cấm vận, những quan ngại về tương lai của Yamal là khó tránh khỏi bởi những tác động gián tiếp của các lệnh trừng phạt.

Trung tuần tháng 7 năm ngoái, Bộ Ngân khố Mỹ đã liệt công ty Novatek vào danh sách đen. Dù không bị ảnh hưởng trực tiếp từ lệnh cấm vận nào, song sự lưu thông của một lượng lớn tiền mặt đến Yamal đã bị cản trở. Vấn đề cấp vốn trở nên trầm trọng hơn khi dự án đang thiếu 18 tỉ USD đầu tư, trong khi giá dầu ở mức thấp gây sụt giảm doanh thu của ngành công nghiệp này.

Một góc của dự án khổng lồ Yamal.


Trong một chuyến thăm gần đây đến Bắc Cực, Tổng giám đốc Total ông Patrick Pouyanne nói: "Nếu chúng tôi không vấp phải vấn đề cấm vận, việc cấp vốn đã được hoàn tất, hãy nói rõ ràng là như thế… Chúng tôi không thể sử dụng đồng USD, và phải huy động vốn qua các ngân hàng Trung Quốc, châu Âu và các ngân hàng châu Á khác". Và đó là chưa kể đến những vướng mắc với các nhà thầu phụ và cung cấp liên quan đến lệnh trừng phạt.

Thừa nhận đang "có những khó khăn kĩ thuật về tiền", song người đứng đầu Novatek ông Leonid Mikhelson cho biết chuyện vẫn "có thể vượt qua được". Hiện tại, Nga đã chấp nhận các khoảng vay dài hạn trị giá 150 tỉ ruble (tương đương 2,7 tỉ USD), và một nửa số này đã được cung cấp.

Giữ vững một thái độ lạc quan, các ông chủ năng lượng khẳng định dự án sẽ được thực hiện đến cùng bởi đây là "bệ phóng cho sự phát triển" ở Nga. "Chúng tôi có những bản hợp đồng cho gần 100% lượng khí đốt. Dĩ nhiên lượng lớn sẽ đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Leonid Mikhelson cho biết.

Theo các nhà phân tích, những dự án như Yamal đóng vai trò quan trọng với Nga trong bối cảnh Moskva cần bắt đầu bước vào những lĩnh vực mới, thoát khỏi những lĩnh vực sở trường hiện tại. Do đó, việc tiếp tục duy trì dự án Yamal là một nhiệm vụ bắt buộc cho dẫu có gặp bất kì chướng ngại nào.

"Các dự án [khí tự nhiên] hóa lỏng nhiều khả năng sẽ vấp phải những sự trì hoãn nhất định do chi phí cao, địa chính trị và cấm vận tài chính. Nhưng đến cuối cùng, chúng có thể phát triển trên quy mô lớn trong thập kỉ tới", các nhà phân tích nói.