Nga quyết "dứt tình" với đường ống dẫn dầu qua Ukraine vào năm 2019

Nga sẽ dừng chuyển khí đốt sang châu Âu qua hệ thống ống dẫn nằm trên lãnh thổ Ukraine khi bản hợp đồng giữa Moscow và Kiev kết thúc vào năm 2019 và chuyển sang sử dụng đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ.

RT cho hay hôm 13/4, trong cuộc họp tại Berlin, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Gazprom của Nga, ông Aleksey Miller nhấn mạnh Moscow sẽ không ký tiếp hợp đồng vận chuyển khí đốt qua hệ thống đường ống nằm trên lãnh thổ Ukraine sau khi bản hợp đồng hiện thời chấm dứt vào năm 2019. Nguyên nhân là do quá trình xây dựng hệ thống Dòng chảy phương Nam đã bị ngừng lại.

Hiện nay, Tập đoàn Gazprom có thể cung cấp gấp đôi lượng khí đốt chuyển sang khu vực châu Âu. Tuy nhiên, khách hàng châu Âu chưa có nhu cầu này do đó Nga đã vận chuyển khí đốt sang các thị trường khác như châu Á, ông Miller nói.

Nga sẽ chuyển sang sử dụng hệ thống ống dẫn khí đốt Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sau khi bản hợp đồng với Ukraine kết thúc vào năm 2019.

Lâu nay, 1/3 lượng khí đốt Nga chuyển sang châu Âu đều chạy qua hệ thống đường ống dẫn nằm trên lãnh thổ Ukraine. Song, Moscow đã nhiều lần lên tiếng qua ngại về mức độ an toàn khi vận chuyển khi đốt qua Ukraine.

Hồi tháng 6/2014, Tập đoàn Gazprom yêu cầu Ukraine trả tiền trước mới chuyển khí đốt do Kiev liên tục thất hẹn thanh toán các hóa đơn mua năng lượng. Tới đầu tháng Tư năm nay, Tập đoàn Gazprom và Naftogaz của Ukraine đã ký kết một bản hợp đồng mới để Moscow chuyển khí đốt cho Ukraine trong quý II với giá ưu đãi giảm 25%.

Trước đó, hồi tháng 12/2014, ông Miller đã ra thông báo về việc Nga cho xây dựng đường ống dẫn mang tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ để thay thế cho dự án Dòng chảy phương Nam. Nga đã ngừng triển khai dự án Dòng chảy phương Nam sau khi Liên minh châu Âu lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Theo dự kiến, dự án Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp Nga vận chuyển hàng năm khoảng 63 tỷ m3 khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Trong đó, khoảng 14 tỷ m3 khí đốt sẽ phục vụ các khách hàng Thổ Nhĩ Kỳ và phần còn lại chạy qua khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để cung cấp cho thị trường châu Âu.