Do lượng giàn khoan tiếp tục giảm và các nhà sản xuất phải đối mặt với áp lực cắt giảm chi phí, các nhà sản xuất dầu của Mỹ đã phải cắt giảm sản lượng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) tuần trước cho biết, sản lượng khai thác dầu của Mỹ giảm 25.000 thùng/ngày xuống 12,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4.
Tổng số giàn khoan của Mỹ giảm 61 giàn so với tuần trước đó, xuống 1.750 giàn. Trong khi đó, để bảo vệ thị phần, OPEC đã tăng sản lượng khai thác với nỗ lực ép các đối thủ mới nổi khác, trong đó có Mỹ.
Các quốc gia khác không thuộc OPEC cũng bất chấp sức ép về giá giảm và đẩy mạnh sản xuất trong tháng 4.
Sản lượng dầu khai thác của Brazil đã tăng 17% so với cùng kỳ năm trước trong quý đầu tiên, trong khi các nhà sản xuất dầu của Nga đã vượt qua lệnh trừng phạt của phương Tây, sản xuất 10,7 triệu thùng/ngày, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 185.000 thùng/ngày.
Nguồn cung dầu thô từ OPEC tăng 160.000 thùng mỗi ngày lên 31,2 triệu thùng/ngày trong tháng 4 - cao nhất kể từ tháng 9/2012.
"Ả rập Xê út cắt giảm đầu ra còn 10,1 triệu thùng/ngày, duy trì sản xuất trên 10 triệu thùng/ngày cho thấy rõ quyết tâm giữ vững thị phần của mình", báo cáo IEA phân tích.
Trước đó, OPEC đã thống nhất không cắt giảm sản lượng khai thác, bất chấp giá dầu xuống mạnh. Giá dầu đã giảm khoảng 50% trong 6 tháng cuối năm 2014 nhưng đã bắt đầu tăng trở lại từ cuối tháng III/2015.
Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út Ali Al-Naimi cho biết: "Ngay cả khi giá dầu xuống 20 USD/thùng, Ả rập Xê út cũng không thay đổi chính sách hiện nay!".
Và mức giá như hiện nay sẽ khiến ngành sản xuất dầu tại Mỹ bắt đầu phải cắt giảm sản lượng cho thấy sức ép của OPEC đã phát huy hiệu quả.
Giá dầu tăng 0,8% đạt 61,3 USD/thùng vào cuối tuần trước. IEA cho biết đây chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch để giữ thị phần của OPEC.
"Các nước OPEC đang tích cực đầu tư vào năng lực sản xuất trong tương lai - ngay cả khi các đối tác không thuộc OPEC cắt giảm sản lượng khai thác", báo cáo cho biết.
Tiếp theo đó, Mỹ muốn đẩy lợi thế của ngành dầu đá phiến mà nước này đang có lợi thế, khiến giá dầu đi xuống mạnh. Tình thế buộc OPEC phải phản ứng lại nhằm khống chế đà sụt giảm của giá dầu.
Với tiềm lực tài chính mạnh, OPEC sẵn sàng chịu lỗ trường kỳ để đẩy các tập đoàn dầu đá phiến của Mỹ về vạch xuất phát.
Tất nhiên, trong cuộc chiến giá dầu giữa OPEC và Mỹ, tất cả đều thua thiệt. Bên chiến thắng là bên có thể chịu đựng được mức thiệt hại lớn nhất.
Trước mắt, tình hình đang có lợi cho các nước xuất khẩu dầu lớn như Ả rập Xê út và thậm chí là Nga.
Vấn đề đối với các công ty khai thác dầu tại Mỹ hiện nay là họ không thể đảo nợ khi đang thiếu hụt tài chính.
Trong một số trường hợp, nếu giá dầu giữ ở mức thấp thì các công cụ cho vay tài chính đối với các công ty này cũng không khả thi.
Nguy cơ vỡ nợ và tình trạng thiếu đầu tư mở rộng sản xuất cuối cùng sẽ khiến sản lượng khai thác giảm. Một làn sóng phá sản trong ngành công nghiệp sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ sẽ dần thúc đẩy giá dầu đi lên.
Khi đó, OPEC sẽ nắm lại quyền quyết định giá dầu của thị trường.
Tuy nhiên, giá dầu tăng như thế nào vẫn là ẩn số. Giá dầu có thể tăng lên mức đủ để giải quyết tình trạng khó khăn của ngành công nghiệp khai thác dầu đá phiến tại Mỹ, tạo ra một cơ hội thứ hai tại đây, đồng thời khiến các nước OPEC, Nga, Mehico và Na Uy lâm vào tình trạng khó khăn hơn.
Giá dầu cũng có thể chỉ ở mức trung bình và khiến Mỹ từ bỏ khai thác dầu đá phiến. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phục hồi kinh tế của Mỹ.
Nếu tình huống này xảy ra, Chính phủ Mỹ sẽ xem xét việc can thiệp để giải cứu các công ty sản xuất dầu đá phiến Mỹ.
Đó là lý do tại sao IEA nhận định "cuộc chiến giá dầu mới chỉ bắt đầu".