Quỹ đầu tư chỉ số (Exchanged Traded Fund - ETF) đầu tiên của Việt Nam (VFMVN30) đang tiến hành huy động vốn lập quỹ và dự kiến niêm yết vào đầu tháng 9/2014. Đây là một trong những sản phẩm mới hiếm hoi của thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian gần đây, nhưng đã phổ biến trên thế giới.
Quỹ ETF đầu tiên ra đời vào năm 1989 và tính đến tháng 2/2014, theo số liệu của BlackRock, thế giới có khoảng 5.098 quỹ ETF với tổng tài sản ròng khoảng 2.434 tỷ USD.
Các quỹ ETF với sự kết hợp các ưu điểm của cả quỹ đóng và quỹ mở cũng như có những điểm ưu việt hơn như niêm yết, dễ dàng giao dịch, chi phí thấp, công khai danh mục đầu tư...
Ưu tiên lớn nhất của các quỹ ETF là lựa chọn danh mục sao cho mô phỏng đúng nhất chỉ số tham chiếu. Hiện nay, đơn vị xây dựng nhiều bộ chỉ số nhất thế giới là Morgan Stanley với các bộ chỉ số MSCI Developed Markets Indexes (DM), MSCI Emerging Markets Indexes (EM), MSCI Frontier Markets Indexes (FM)...
Với tiêu chí vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP đối với FM là 30% và đối với EM là 50%. Con số này của Việt Nam là 27% (49 tỷ USD/180 tỷ USD).
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện lọt vào MSCI Frontier Markets Index với ít nhất 10 cổ phiếu thuộc rổ này là VIC, MSN, DPM, HAG, VCB, STB, BVH, CTG, GAS và PVD. Và một trong những mục tiêu của Ủy ban chứng khoán Nhà nước năm 2014 là đưa Việt Nam lọt vào MSCI Emerging Markets Index. Vậy, tại sao lại phải chuyển rổ?
Lý do là quy mô của EM lớn hơn nhiều FM. Cụ thể, EM tăng trưởng rất nhanh và theo số liệu của MSCI Research, tới tháng 10/2013, bộ chỉ số này bao gồm hơn 800 công ty từ 23 thị trường và chiếm 11% vốn hóa toàn cầu. Trong khi đó, FM gồm cổ phiếu từ 33 thị trường nhưng chiếm chưa tới 3% vốn hóa toàn cầu.
Tiếp theo nữa, tính tỷ lệ thu nhập trên rủi ro của EM cao hơn FM. Vì vậy, dòng tiền vào EM sẽ lớn hơn nhiều dòng tiền vào FM.
Các thị trường chứng khoán thuộc EM và FM
Nguồn: MSCI
Chuyển rổ đồng nghĩa với việc huy động được nhiều vốn vào thị trường hơn. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ phải đáp ứng những tiêu chí nhất định như sau:
(GNI: Tổng thu nhập quốc dân, Free-load: cổ phiếu tự do chuyển nhượng, ATVR (Annualized Traded Value Ratio): tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm trên vốn hóa thị trường cổ phiếu đó)
Thứ nhất, về điều kiện đối với nền kinh tế, MSCI chỉ áp dụng tiêu chí này với DM mà không áp dụng với FM và EM.
Thứ 2, về yêu cầu quy mô thị trường và thanh khoản. Morgan Stanley quy định, để lọt và EM, có tối thiểu 3 công ty có quy mô vốn hóa trên 1,26 tỷ USD, trong đó vốn hóa của lượng cổ phiếu có thể tự do chuyển nhượng trên 630 triệu USD. Về thanh khoản, tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm trên vốn hóa thị trường của cổ phiếu đó (ATVR) đạt trên 15%.
Xét theo tiêu chí này, 4 công ty niêm yết đáp ứng là Vinamilk ( VNM), Masan ( MSN), Hòa Phát ( HPG) và Vingroup ( VIC).
Về tỷ lệ vốn hóa thị trường chứng khoán trên GDP, đối với FM trung bình là 30% và đối với EM là 50%. Trong khi đó, con số này của Việt Nam là 27%, thậm chí thấp hơn mức trung bình của FM (Theo số liệu Ủy ban chứng khoán Nhà nước tính tới 30/6/2014, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam là 49 tỷ USD trong khi theo ước tính của World Bank, GDP Việt Nam năm 2014 là 180 tỷ USD).
Thứ 3, nhóm yêu cầu định tính liên quan tới khả năng tham gia thị trường bao gồm: Sở hữu nhà đầu tư nước ngoài; Thuận tiện trong việc lưu chuyển dòng vốn vào - ra; Tính hiệu quả của vận hành (Đăng ký giao dịch, công bố thông tin, tính minh bạch, lưu ký...) và sự ổn định về thể chế đầu tư.
Đối với nhóm tiêu chí này, Việt Nam đã có sự thay đổi nhanh chóng và đạt được những bước khả quan như quy định về công bố thông tin, hệ thống Trung tâm Lưu ký hoạt động hiệu quả...
Tuy nhiên, một số điểm hạn chế mà Việt Nam cần có sự điều chỉnh để được nâng hạng như hạn chế giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; Việc kiểm soát dòng vốn vào ra thông qua yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài phải mở tài khoản riêng là CCA; Chế độ tỷ giá thả nổi nhưng vẫn có kiểm soát; Thiếu 2 công cụ thể hiện thị trường chứng khoán phát triển là vay chứng khoán và bán khống.
Đồng thời, theo trao đổi của một nhà quản lý quỹ tại thị trường Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn phàn nàn khá nhiều về thủ tục hành chính tại Việt Nam dù đã có những tiến bộ đáng kể.
Vị này cũng cho biết, trong các tiêu chí nói trên, MSCI đánh giá rất cao 3 tiêu chí để nâng hạng từ FM sang EM là thả nổi tỷ giá, thả nổi dòng tiền vào - ra và nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Với những tiêu chí này, Việt Nam chắc cần nhiều thời gian để lọt vào MSCI Emerging Markets Index.
Các tiêu chí trên, tuy vậy vẫn có thể những ngoại lệ và MSCI luôn có lý lẽ riêng của họ. Chẳng hạn, Trung Quốc vẫn là nước kiểm soát tỷ giá hối đoái cũng như kiểm soát dòng vốn vào ra.
Tuy nhiên, một nguyên tắc mà MSCI thực hiện rất nhất quán khi tiến hành nâng hạng là việc này chỉ được thực hiện khi MSCI tin rằng nước đó không còn có cơ sở để xuống hạng - hay quá trình đổi rổ chỉ có lên mà không có chiều ngược lại. Vì vậy, tổ chức này sẽ cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định nâng hạng với một thị trường.