Một mắc-ca đang "xấu xí": 20 năm, Bộ ở đâu?

Được xem là "nữ hoàng của các loại hạt khô", nhưng hình ảnh của mắc-ca gần đây bỗng nhiên trở nên "xấu xí" tại Việt Nam.

Như một bài viết gần đây trên VnEconomy, sau 11 năm từ chính sách và nguồn giống thí điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gia đình ông Đinh Kim Thu (thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, tỉnh Đắc Lắc) đã làm giàu được. Nhưng, bền vững hay không còn khó nói…

Tham gia chương trình thí điểm, trên diện tích 0,5 ha, vườn ông Thu có 100 cây mắc-ca trên 10 tuổi. Có loại cho bình quân 17 kg quả mắc-ca/cây, có loại lên tới khoảng 50 kg/cây. Tổng thu năm 2014 đạt tới 300 triệu đồng, trong đó chi phí chỉ mất khoảng 10%.

Hiện tại, đây là một mô hình thành công. Nhưng tính bền vững còn khó nói, do cách làm và thị trường có thể thay đổi trong tương lai.

Chưa được chuẩn hóa

Khảo sát của VnEconomy tại vườn ông Thu cho thấy, loại giống cho tới khoảng 50 kg quả mắc-ca/cây là giống OC. Gia đình ông có xu hướng chọn lọc và đi theo loại giống này, vì năng suất vượt trội.

Tuy nhiên, điểm hạn chế của loại giống OC là khó thu hoạch, dẫn đến chi phí nhân công cao nếu trồng diện rộng. Đặc biệt, nhân hạt mắc-ca loại này nhỏ, vỏ lại dày hơn các loại khác.

Khi mà thị trường mắc-ca Việt Nam còn nhập nhèm, đa số người tiêu dùng chưa phân biệt rõ các dòng sản phẩm, việc mua bán chủ yếu tính theo trọng lượng, thì năng suất của giống OC được nhiều chủ vườn ưa thích.

Thế nhưng, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo dự án phát triển mắc-ca Lâm Đồng ngày 8/4 vừa qua, có một quan điểm được xác định ngay từ đầu: không tiến hành phát triển giống OC.

Một mặt, loại giống này khó thu hoạch dẫn tới chi phí nhân công cao; mặt khác, trong tương lai, khi sự phân biệt về chất lượng rõ ràng hơn, nhất ở ở các thị trường xuất khẩu khắt khe, sản phẩm từ nguồn OC (xuất xứ từ Trung Quốc) sẽ rất khó cạnh tranh, khó được giá.

Dù sao, mắc-ca từ giống OC cũng là một sản phẩm điển hình, được thị trường chấp nhận khi sản xuất đúng tiêu chuẩn. Còn trên thị trường hiện nay, loại quả này đang khoác một chiếc áo "xấu xí" trong mắt người tiêu dùng, vì thiếu tổ chức và chuẩn hóa từ gốc.

Theo phản ánh của một số thương lái tại Lâm Đồng, ngay người dân khi thu hoạch cũng không ý thức để phân loại rõ loại quả hạt nhăn và quả trơn, dù chúng rất khác nhau về chất lượng khi dùng: loại nhăn chế biến thành sản phẩm tốt, loại trơn chủ yếu ép lấy dầu.

Sự lẫn lộn đó trôi nổi trên thị trường có thể khiến nhiều người tiêu dùng ban đầu nhầm tưởng mắc-ca là "xấu xí", khi dùng loại quả trơn kém chất lượng.

Chưa hết, do được khía vỏ khi chế biến để tiện dùng, việc chế biến và bảo quản không đúng tiêu chuẩn dễ dẫn đến tình trạng ẩm mốc, hạt đổi màu, không giữ được hương vị và chất lượng…, khiến loại hạt này càng "xấu xí" hơn trong mắt người tiêu dùng chưa rành.

Về giá, mắc-ca tại Việt Nam cũng trở nên thiếu thiện cảm vì "ở trên trời" và có tình trạng loạn giá thời gian gần đây.

Tại vườn, một số hộ dân bán nguyên liệu quả tươi từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, có nơi hét tới 300.000 đồng/kg, thậm chí tới 500.000 đồng/kg kiểu hàng chọn…

Loại quả có vỏ đã khứa có từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, nhưng cũng có đầu mối áp tới 400.000 - 500.000 đồng/kg. Loại nhân hạt có từ 800.000 - 900.000 đồng/kg…

Với chất lượng không đồng đều, thậm chí có những loại kém chất lượng, giá bán lại quá cao, khiến mắc-ca trở thành món hàng xa xỉ đối với đại chúng. Và nếu nhiều người quay lưng với thực trạng đó thì cũng dễ hiểu.

Hiện Việt Nam chưa có một thị trường sản phẩm mắc-ca đúng nghĩa. Nó chưa được chuẩn hóa từ gốc: chọn lọc giống, tạovùng chuẩn nguyên liệu, tổ chức chế biến và kiểm soát chất lượng đầu ra; lượng hàng khan hiếm dẫn tới bị làm giá và giá ảo.

20 năm, Bộ ở đâu?

Bắt đầu từ năm 1994, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức bắt tay vào quá trình thí điểm và khảo nghiệm mắc-ca tại Việt Nam.

Và sau 20 năm, Bộ có trong tay 10 loại giống và… 35 ha trồng thử nghiệm rải rác tại 16 tỉnh.

Thế nhưng, mất tới 20 năm nghiên cứu và khảo nghiệm, cùng không ít tiền ngân sách chi ra, để rồi đến ngày 6/4 vừa qua, khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, vẫn chưa tìm đủ "căn cứ khoa học" để phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc-ca.

Điều ngạc nhiên là, cũng trong báo cáo đó và trong công văn gửi UBND các tỉnh, dù "chưa đủ căn cứ khoa học", Bộ lại xác định rõ rằng, từ nay đến năm 2020 tổng diện tích mắc-ca cả nước chỉ khoảng 10.000 ha mà thôi.

Mặc dù thực tế thì rất khác. Cũng theo báo cáo của Bộ, đến nay nhiều hộ dân và doanh nghiệp cũng tự làm mắc-ca, và họ đã có tới 1.923 ha, chủ yếu ở Tây Nguyên với 1.645 ha.

Và theo kế hoạch dự kiến, chỉ riêng đề án quy hoạch gần 14.000 ha của tỉnh Đắc Nông, 22.000 ha của tỉnh Lâm Đồng…, cũng như của một số doanh nghiệp lớn như Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư và phát triển công nghệ Quốc tế (IDT), Công ty Cổ phần Him Lam…, thì quy mô dự tính khoảng 10.000 ha của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trở nên lỗi thời, dù mới nằm trên giấy.

Nếu như Bộ mất tới 20 năm với 35 ha để rồi "chưa đủ căn cứ khoa học", thì nhiều hộ dân và doanh nghiệp đã phát triển hàng nghìn ha, nhiều mô hình đã thành công về sản lượng và doanh thu, đã được kiểm chứng thực tế những năm gần đây.

Tuy nhiên, với thị trường và trong mắt người tiêu dùng, một mắc-ca "xấu xí" nói trên đang tồn tại, rồi tình trạng loạn giá và loạn cây giống, rồi chuyện người dân "khóc ròng" đốn mắc-ca vì không có quả…

Vậy nên, sau khi đã mất 20 năm, đến khi nào hoạt động trồng và sản xuất mắc-ca tại Việt Nam mới thực sự được tổ chức, được chuẩn hóa; thị trường mắc-ca Việt Nam mới thực sự được tạo lập và bảo đảm lợi ích người tiêu dùng?

Ngày 8/4 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã họp Ban Chỉ đạo dự án phát triển mắc-ca, phối hợp với Công ty Cổ phần Him Lam, để bàn về hướng quy hoạch dự kiến khoảng 22.000 ha mắc-ca.

Cuộc họp này là một tín hiệu cụ thể cho yêu cầu chuẩn hóa việc trồng, chế biến và tạo thị trường mắc-ca tại Việt Nam. Trong đó, doanh nghiệp đứng ra đảm bảo tiêu chuẩn giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, bao tiêu, chế biến và tổ chức thị trường, hỗ trợ vốn và mua bảo hiểm rủi ro cho các hộ dân tham gia.

Đáng chú ý, tại cuộc họp trên, Lâm Đồng cũng đã xác định phải xây dựng thương hiệu cho mắc-ca địa phương mình.

Thương hiệu đó là sự cam kết với người tiêu dùng, để họ không quay lưng với một mắc-ca bị nhầm tưởng là "xấu xí" vì chưa chuẩn hóa và thiếu tổ chức.