Mong manh 'sợi dây' liên kết tiêu thụ nông sản

Trong khi dưa hấu đang ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh không tiêu thụ được thì ngay tại thị trường nội địa với 90 triệu dân, dưa hấu cũng vẫn trong tình cảnh “nơi ăn không hết, nơi đào không ra”.

Nhưng bất cập tiêu thụ nông sản nội địa không chỉ là câu chuyện với riêng mặt hàng dưa hấu.

Phó mặc cho thương lái

Những ngày qua, hàng loạt lời kêu gọi mua dưa hấu giúp nông dân Quảng Nam xuất hiện trên mạng xã hội do giá dưa đang rớt xuống mức 500 đồng/kg. Ngày 9/4 vừa qua, Bộ Công Thương cũng tổ chức bán dưa hấu cho cán bộ công nhân viên để ủng hộ nông dân. Còn nhớ, mùa hè năm ngoái, khi quả vải của các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang không bán được, Bộ Công Thương cũng đã phải "nhờ cậy" các siêu thị trong nước tiêu thụ giúp nông dân. Kết quả đạt được khá tốt, người dân nhiệt tình mua ủng hộ, tuy nhiên, không ai dám chắc năm nay, câu chuyện quả vải bị ế không lặp lại.

Bộ Công Thương vận động cán bộ, nhân viên mua dưa hấu ủng hộ nông dân.


Dưa hấu, vải, cà chua hay nhiều loại nông sản khác nữa đều đang trong tình trạng không bán được cho người cần, nói cách khác là cung cầu chưa gặp được nhau. Rõ ràng, chuỗi liên kết trong tiêu thụ nông sản ở nước ta đang có vấn đề. Theo các chuyên gia kinh tế, vai trò dự báo nhu cầu thị trường của Bộ Công Thương còn khá mờ nhạt, chưa điều tiết được thị trường nội địa cũng như các thị trường xuất khẩu để cung cấp thông tin cần thiết cho nông dân. Bởi vậy, nông dân sản xuất mà chưa biết sẽ bán cho ai?

Bà Nguyễn Thị M., một nông dân tại vùng hoa Mê Linh, Hà Nội cho biết, khi hoa đến kì thu hoạch, thương lái các nơi đến thu mua. Nếu thấy được giá, người nông dân sẽ đồng ý bán. Có năm thương lái ép giá thấp quá, hoặc không thu mua thì hoa đổ cả. "Người nông dân với bản chất cần cù chỉ biết trồng trọt đợi đến ngày thu hoạch chứ bán buôn thế nào thì không ai rõ. Có người tiếc của mang hàng ra đường quốc lộ bán đống, bán mớ nhưng lời lãi cũng chả bao nhiêu", bà M. tâm sự.

Mối kiên kết giữa doanh nghiệp thu mua nông sản và nông dân như sợi dây mong manh. Các bên thường đơn phương phá vỡ hợp đồng mỗi khi có biến động giá trên thị trường. Nông dân phần lớn chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định. Do tập quán làm ăn manh mún, tự phát nên chất lượng sản phẩm không cao. Điều này cũng khiến các DN thiếu mặn mà thu mua. Về phía các siêu thị lại thường tiêu thụ hàng hóa theo chuỗi nên nông dân khó đưa được hàng vào đây.

Nông dân tham gia vào liên kết

Theo kinh nghiệm tại hợp tác xã nông nghiệp Đông Dư (Gia Lâm), một vùng trồng rau gia vị có tiếng tại Hà Nội, nhằm chuyên nghiệp hóa việc tiêu thụ sản phẩm, hợp tác xã (HTX) đã đầu tư những thiết bị máy móc hiện đại để đảm bảo quy trình rửa rau, đóng gói, dán nhãn; mặt khác ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị. Do vậy, bà con nông dân yên tâm sản xuất mà không lo rau trồng ra không bán được.

Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ nhiệm HTX Đông Dư chia sẻ: "Để mô hình HTX phát triển bền vững, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các xã viên với HTX và giữa các HTX với các thành phần kinh tế khác như doanh nghiệp. Khi tạo được quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm làm ra sẽ đến với thị trường và người tiêu dùng dễ dàng hơn. Cũng từ đó, số lượng các xã viên tham gia vào HTX sẽ tăng lên".

Tại khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp, siêu thị cũng hợp tác với nông dân thông qua mô hình HTX. Tổ chức này sẽ đại diện cho nông dân ký hợp tác với các tập đoàn phân phối lớn, qua đó đưa nông sản vào hệ thống phân phối tại các thành phố lớn. Thủy sản, rau màu, lúa gạo và trái cây thông qua HTX đã có đầu ra ổn định theo hợp đồng ký kết. Đây là những tín hiệu mừng cần nhân rộng.

Theo các chuyên gia, tiêu thụ nông sản qua hợp đồng hay liên kết "bốn nhà" là mục tiêu giúp ngành nông nghiệp sản xuất bền vững. Cụ thể, Nhà nước phải đảm nhận các khâu: dự báo, quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách thuận lợi. Nhà khoa học thực hiện nghiên cứu kỹ thuật sản xuất, lai tạo giống mới chất lượng, chuyển giao khoa học. Nhà nông phải nhạy bén nắm bắt khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, chủ động liên kết với nhau để tạo ra sản lượng hàng hóa cao, chất lượng tốt; còn doanh nghiệp phải tăng cường mở rộng thị trường.

Theo một chuyên gia đến từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân, bên cạnh các thị trường xuất khẩu thì không thể xem nhẹ thị trường nội địa. Một thực tế hiện nay là đa số người Việt Nam lại chưa được mua những nông sản ngon do nông dân Việt sản xuất.