Mời ngôi sao Hollywood làm đại sứ gạo Việt?

Khai thác “gã khổng lồ” Amazon, Alibaba, Facebook… để xây dựng thương hiệu gạo Việt.

Cần khẳng định giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và ngay chính thị trường nội địa để cạnh tranh với các thương hiệu gạo ngoại nhập như Thái Lan, Campuchia, Đài Loan… đang xâm nhập ngày càng nhiều vào nước ta.

Một số chuyên gia, doanh nghiệp (DN) đã nhấn mạnh như trên tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu nông sản sạch - Thương hiệu lúa gạo” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) phối hợp với Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 28-4 tại TP.HCM.

Bán gạo qua “gã khổng lồ”

Câu chuyện gạo hữu cơ Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú được nhắc đến khi bàn về cách xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Hiện công ty này đang bán thành công gạo của mình trên các trang thương mại điện tử hàng đầu thế giới và tại các siêu thị ở Anh.

Đề cập đến sự thành công này, GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, chuyên gia nông nghiệp, cho biết các công ty Việt Nam có thể quảng bá thương hiệu sản phẩm gạo cũng như các loại nông sản thông qua việc đưa hàng lên bán trên trang Amazon.com, Alibaba.com - những “gã khổng lồ” của thế giới về thương mại điện tử hay trên mạng xã hội Facebook.

Ông Xuân nói: “Đây là một trong những cách xây dựng thương hiệu gạo Việt hiệu quả. Bởi với lượng người mua hàng lớn nhất thế giới trên Amazon.com, gạo Việt không chỉ tiêu thụ tốt mà còn được quảng bá tới nhiều người tiêu dùng lẫn đối tác trên thế giới”.

Để làm được điều này, các chuyên gia gợi ý công ty Việt nên bắt đầu từng bước một, từ việc chọn loại gạo làm thương hiệu để sản xuất phục vụ cho nhóm người tiêu dùng cho đến thị trường muốn khai thác. Ví dụ như gạo thơm, gạo đặc sản xuất khẩu sang Mỹ, Hong Kong, châu Âu. Gạo trắng xuất sang Trung Quốc, các nước Đông Nam Á… Từ đó cải tiến chất lượng để đạt tiêu chuẩn thị trường, thị hiếu của nhóm khách hàng. Đồng thời qua đó DN quảng bá giới thiệu sản phẩm cho một số bạn hàng lớn, siêu thị, trang thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, chuyên gia tư vấn thương hiệu Trần Anh Tuấn chia sẻ các DN gạo vừa và nhỏ có thể tiến hành các cuộc nghiên cứu “bỏ túi” thông qua công cụ mạng. Một nghiên cứu cá nhân mới đây về số lượng truy cập Google của người tiêu dùng trong nước cho thấy kết quả về nhu cầu dùng gạo rất bất ngờ: Gạo sạch 10%, gạo hữu cơ 10%; gạo dinh dưỡng, thảo dược 25%; gạo thơm, trắng, đặc sản 55%.

Từ kết quả trên, ông Tuấn đúc kết: “Có thể nói người tiêu dùng quan tâm đến các loại gạo hữu cơ, dinh dưỡng ngày càng nhiều. Chỉ cần sử dụng công cụ mạng này DN có thể định hướng tốt sản phẩm và có chương trình truyền thông xây dựng thương hiệu phù hợp. Chọn thị trường ngách với gạo hữu cơ, gạo thảo dược... DN nước ta có thể xây dựng được thương hiệu và khai thác thị trường hiệu quả”.

Mời ngôi sao Hollywood làm đại sứ gạo Việt? - 1

Sản phẩm gạo hữu cơ của một công ty thu hút sự quan tâm của nhiều người tại hội thảo ngày 28-4. Ảnh: QH

Angelina Jolie có thể làm đại sứ gạo Việt

Hiện nay một số công ty xuất khẩu gạo đang từng bước xây dựng thương hiệu gạo, qua đó tìm cách tiếp cận, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu lúa gạo. Điển hình như Tập đoàn Lộc Trời bước đầu xây dựng được chuỗi giá trị từ giống, chăm sóc, quy trình canh tác đến xây dựng thương hiệu. Công ty này cũng đã đưa hạt gạo do mình làm ra tham dự triển lãm, hội chợ lúa gạo quốc tế và đạt tốp 3 gạo ngon thế giới.

Một đơn vị khác là Công ty Đại Dương Xanh với thương hiệu gạo Lotus Rice đang thành công khi xuất sang các nước Trung Đông, Singapore và Hong Kong. Để làm được điều này, ông Huỳnh Văn Khỏe, Giám đốc Công ty Đại Dương Xanh, chia sẻ công ty tập trung vào quảng bá sản phẩm bằng cách tham gia các hội thảo, diễn đàn lúa gạo quốc tế. “Tham gia tài trợ cho những sự kiện lớn này để đem sản phẩm gạo giới thiệu cho các đối tác và người tiêu dùng nước ngoài” - ông Khỏe lý giải.

Bàn thêm về việc quảng bá và xây dựng thương hiệu gạo Việt, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, đặt vấn đề liệu Việt Nam có nên chọn một đại sứ làm thương hiệu gạo Việt như các thương hiệu sản phẩm khác trên thế giới đã làm.

Bà Hạnh dẫn chứng câu chuyện của hãng điện thoại Huawei của Trung Quốc làm ví dụ. Theo đó, hãng điện thoại này đã chọn siêu sao bóng đá Messi làm đại sứ thương hiệu. “Vậy liệu Việt Nam có thể mời các ngôi sao Hollywood như Angelina Jolie có con nuôi gốc Việt, Leonardo DiCaprio đang kêu gọi thế giới quan tâm đến biến đổi khí hậu… làm đại sứ thương hiệu cho lúa gạo Việt Nam? Đó có thể là những cách làm thương hiệu mà ngành gạo Việt đáng quan tâm” - bà Hạnh gợi ý.

Nói về kinh nghiệm làm thương hiệu gạo Campuchia, bà Kim Hạnh cho hay nước này có cách làm đáng để Việt Nam học hỏi. Họ có cách tiếp cận chính thống: Nghiên cứu thị trường, chọn và tập trung vào sản phẩm thương hiệu chủ lực. Chấp nhận quy luật hy sinh số lượng, tập trung cho chất lượng để có sản phẩm giá trị cao.

“Campuchia quan tâm đến các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn, sạch, truy xuất nguồn gốc, dinh dưỡng và ngon. Họ chọn chiến lược truyền thông là tham gia cuộc thi gạo ngon thế giới để từ đó quảng bá hạt gạo nước mình ra quốc tế. Cách làm của Campuchia hiệu quả nhờ có vai trò nhà nước, cơ quan xúc tiến thương mại, hiệp hội liên kết với các công ty” - bà Hạnh đúc kết.

Chỉ cần Nhà nước hỗ trợ chính sách

Không nên để Nhà nước xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam, mà nên để cho chính DN làm. Nhà nước chỉ cần hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho DN.

Campuchia, Thái Lan làm tốt việc xây dựng thương hiệu gạo vì họ tạo điều kiện cho DN xuất khẩu gạo. Hay như Nhật Bản, họ không có chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia mà mỗi vùng, mỗi DN tự xây dựng cho mình thương hiệu, nhà nước chỉ hỗ trợ chính sách.

GS NGUYỄN QUỐC VỌNG, ĐH RMIT (Úc)

Hiện nay 90% nông sản Việt Nam xuất khẩu vào những thị trường có giá trị thấp, nhất là mặt hàng gạo. Nhiều DN kinh doanh xuất khẩu gạo chỉ mới biết đầu tư “bề ngoài” như logo của đơn vị mình nhưng lại chưa biết cách đầu tư xây dựng thương hiệu “bên trong” của sản phẩm và không có chiến lược duy trì bảo vệ thương hiệu.