Theo Cục Trồng trọt, đến giữa tháng 4, nông dân ĐBSCL đã thu hoạch được 1,45 triệu ha lúa đông xuân. Nhiều DN chuyên kinh doanh lúa gạo ở ĐBSCL cho biết, diện tích còn lại (khoảng trên 100 ngàn ha), chỉ trong vòng ít ngày nữa là sẽ được thu hoạch xong.
Với năng suất bình quân trên diện tích đã thu hoạch là 6,9-7 tấn/ha, thì tổng sản lượng lúa vụ đông xuân 2014-2015 ở ĐBSCL vào khoảng gần 11 triệu tấn.
Cũng theo Cục Trồng trọt, nông dân các tỉnh đã xuống giống vụ hè thu được khoảng 700 ngàn ha trên tổng diện tích kế hoạch là 1,65 triệu ha. Với những trà lúa hè thu sớm, thông tin từ một số thương lái cho hay chỉ khoảng 20 ngày nữa là bước vào thu hoạch.
Trong khi đó, XK gạo vẫn đang trong tình trạng ảm đạm, và việc tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ hè thu tới nhiều khả năng sẽ khó khăn hơn cả vụ đông xuân. Bởi vụ lúa đông xuân ít nhiều đã được hỗ trợ bởi mấy hợp đồng lớn đi Philippines (300 ngàn tấn), Malaysia (240 ngàn tấn) và Cuba (300 ngàn tấn).
Việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo cũng ít nhiều thúc đẩy tiêu thụ lúa gạo hàng hóa vụ đông xuân.
Đến thời điểm này, các DN đã cơ bản giao xong hoặc đã mua đủ gạo để phục vụ cho các hợp đồng tập trung nói trên. Do đó, lúa gạo vụ hè thu gần như chưa có hợp đồng lớn nào để trông cậy.
Thị trường Trung Quốc - chỗ dựa của gạo Việt Nam trong mấy năm qua, cũng chưa có nhiều hy vọng, nhất là với gạo trắng. Theo một doanh nhân ngành gạo (xin không nêu tên), Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu NK gạo khá lớn, nhưng việc phải chi phí quá cao cho gạo NK chính ngạch đang khiến cho gạo trắng Việt Nam khó vào.
Năm ngoái, sản lượng lúa vụ hè thu ở ĐBSCL ước đạt 9,5 triệu tấn. Vụ hè thu này, sản lượng nhiều khả năng cũng ở mức tương tự. Nếu không có được những hợp đồng lớn hay thị trường thương mại vẫn trầm lắng trong thời gian tới, việc tiêu thụ lúa vụ hè thu 2015 ở ĐBSCL sẽ rất khó khăn. |
Bởi với mỗi một tấn gạo NK chính ngạch, nhà NK Trung Quốc được cấp quota NK gạo phải chịu thuế, phí 80 USD. Cộng thêm chi phí vận chuyển là 90 USD/tấn. Vì thế, nếu NK gạo trắng 5%, 10% hay 15% tấm … hiện đang có giá thấp, nhà NK Trung Quốc sẽ không có lời.
Do đó, họ đang tập trung mua hẳn gạo thơm, chủ yếu là các loại như Nàng Hoa, OM 4900, OM 5401, Jasmine … Gạo thơm NK chính ngạch vào Trung Quốc tuy cũng mất chi phí như với gạo trắng, nhưng là loại gạo có giá cao (trên dưới 500 USD/tấn), nên nhà NK vẫn thu được lợi nhuận.
Bằng chứng là có những nhà NK tuy không có quota, nhưng vẫn đi cùng với những nhà NK có quota tới ĐBSCL. Khi thỏa thuận mua bán xong xuôi với DN Việt Nam, nhà NK có quota bán ngay lại chỗ gạo đó cho nhà NK không có quota.
Khi gạo về Trung Quốc, họ bán lại cho các công ty lương thực bên đó để kiếm lời. Nhiều nhà NK lại tập trung mua tấm ở ĐBSCL bởi mặt hàng này NK không cần quota. Tấm được đưa về Trung Quốc để phục vụ cho nhu cầu chế biến bột gạo.
Chính vì thế, trên đường chính ngạch, gạo trắng hiện gần như không có cửa đi sang Trung Quốc, chỉ còn gạo thơm và tấm. Tuy nhiên, số lượng những loại gạo này mà khách hàng Trung Quốc đặt mua cũng không nhiều lắm. Mỗi đơn hàng chỉ chừng vài ngàn tấn. Đơn hàng nào cao thì mười mấy ngàn tấn.
Bí đường chính ngạch, gạo trắng đành trông chờ vào đường tiểu ngạch vì né được thuế, phí. Thế nhưng, cũng theo thông tin từ một số doanh nhân ngành gạo, đường tiểu ngạch lại đang ở trong tình trạng lúa đóng, lúc mở. Thành ra, giá gạo 5% tấm vào thời điểm này, khi ra tới cảng Hải Phòng chưa tới 8.000đ/kg (giá thành gạo thành phẩm có bao bì tại mạn tàu ở ĐBSCL hiện là 7.450đ/kg, phí vận chuyển ra tới Hải Phòng khoảng 380đ/kg), là mức giá tương đối rẻ, nhưng việc tiêu thụ gạo trắng vẫn đang rất khó khăn.
Điều này thể hiện rõ qua tình trạng ùn ứ hàng ngàn tấn gạo ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc mà Báo NNVN đã phản ánh trong số ra cuối tuần qua.