Lương Duy Hoài, CEO Giaohangnhanh.vn: Sẵn sàng mơ và... bán ước mơ!

Có khát khao, đam mê và liều lĩnh để dấn thân, nhưng những doanh nhân trẻ như Lương Duy Hoài, CEO và đồng sáng lập Giaohangnhanh.vn cần thêm sự tiếp sức từ thế hệ doanh nhân đi trước.

Khởi nghiệp từ… ác mộng

Không ngờ, CEO trẻ tuổi Lương Duy Hoài của Giaohangnhanh.vn lại có một đúc rút kinh nghiệm đầy cảm xúc về chặng đường đầu trong sự nghiệp của mình rằng, "khởi nghiệp là cơn ác mộng!". Tất nhiên, giờ thì Giaohangnhanh.vn (GHN) đã phát triển qua giai đoạn đó, nhưng Hoài vẫn đối diện với cơn ác mộng mỗi ngày.

Từ khởi điểm, GHN đã không dễ dàng. Sau khi rời bỏ công việc và thuyết phục bạn bè lên đường khởi nghiệp, Hoài và một bạn trong nhóm lên đường đạp xe từ TP.HCM ra Hà Nội trước khi bắt đầu làm GHN.

Doanh nhân trẻ Lương Duy Hoài, CEO và đồng sáng lập Giaohangnhanh.vn

Trước ngày lên đường, nhà đầu tư gọi điện báo có việc cá nhân nên sẽ không thể đầu tư. Đạp được đến Huế, Hoài tiếp tục nhận được tin nhắn từ chối từ đội ngũ kỹ thuật (là lợi thế cạnh tranh cốt lõi) vì họ thấy rủi ro quá. Trời đất như sụp đổ khi tiền và lợi thế cạnh tranh về mặt công nghệ không còn, nhưng cuối cùng, tháng 6/2012, GHN vẫn được ra đời.

Đầu năm 2013, sau 6 tháng vận hành, Công ty không còn tiền, để đảm bảo các nhân viên giao nhận hàng vẫn có thu nhập, các nhân viên công nghệ thông tin và quản lý đã chấp nhận đồng hành không có thu nhập.

"Cảm giác lúc đó rất kinh khủng khi không biết rằng, lúc nào mới có thể mang lại thu nhập cho anh em. Thật may mắn, sau 7 tháng, chúng tôi đã có đủ tiền để trả lương lại cho anh em", Hoài kể.

Nhưng mùa Tết năm đó, kèm theo những khó khăn về tài chính là khó khăn trong vận hành khi đơn hàng tăng đột biến trong khi con người và hệ thống chưa đủ tốt, cả Công ty không trừ bất kỳ ai đi giao hàng từ sáng đến tối, song kết quả vẫn không được cải thiện. Khách hàng gọi điện, nhắn tin trách móc, tẩy chay Công ty khiến mọi thành viên vừa mệt, vừa nản.

Nhưng, với sự cố gắng và nỗ lực của từng người, GHN đã bước qua được giai đoạn đau khổ đó. Và còn muôn vàn chuyện như thế.

Chiến thuật… bán ước mơ

Sinh năm 1988 tại Đắk Lắk, năm 2011, Hoài tốt nghiệp lớp kỹ sư chất lượng cao của Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM. Không theo đuổi con đường tiếp tục học lên cao tại nước ngoài như các bạn cùng lớp, Hoài tham gia vào Công ty Thegioididong.com trong vai trò chuyên viên cung ứng với mong muốn ứng dụng công nghệ vào bài toán logistics, mong muốn được trải nghiệm và học hỏi từ sự thành công vượt trội của công ty này.

Sau hơn 1 năm ở vị trí phó giám đốc cung ứng, với nền tảng công nghệ sẵn có, Lương Duy Hoài cùng 6 anh em thành lập Công ty Giaohangnhanh.vn. Trong vai trò sáng lập và Tổng giám đốc Công ty cổ phần GHN, Hoài chịu trách nhiệm đưa GHN phủ sóng hơn 600 huyện tại Việt Nam, mở các điểm giao dịch và xây dựng các sản phẩm công nghệ mới sẵn sàng cho giấc mơ chinh phục thị trường khu vực trong các năm tới.

"Không ai đánh thuế giấc mơ nên cứ mơ thật lớn, nhưng phải luôn sống trong thực tế tại, từng thời điểm tập trung làm thật tốt, nỗ lực mỗi ngày để hiện thực hoá giấc mơ. Tham vọng này không chỉ để thuyết phục nhà đầu tư về mục tiêu của doanh nghiệp, mà còn là kim chỉ nam để mỗi người trong công ty luôn bám theo", Hoài nói.

GHN ra đời với sứ mệnh đưa công nghệ vào giải quyết bài toán tối ưu chi phí logistics. Từ những ngày đầu thành lập đến nay, công nghệ và đội ngũ con người trẻ, nhiệt huyết, máu lửa là hai yếu tố vượt trội giúp GHN vượt qua khó khăn, để vươn lên cũng như để thuyết phục được các nhà đầu tư luôn khó tính.

Quỹ đầu tư mạo hiểm Seedcom do ông Đinh Anh Huân sáng lập đã quyết định rót vốn vào GHN với giá trị không được tiết lộ. Ông Huân cũng là đồng sáng lập Thế Giới Di Động, chuỗi cửa hàng được xem là "Bestbuy của Việt Nam".

Vậy phải mất bao lâu thời gian để các nhà đầu tư thoái vốn khỏi GHN sinh lời? Hoài nhẩm tính, với quy mô giá trị thị trường logistics Việt Nam đạt 40 tỷ USD như hiện nay, trong đó 7 tỷ USD thuộc về miếng bánh vận tải đường bộ, thì đầu tư vào GHN là cuộc chơi dài hạn.

"Chúng tôi kỳ vọng có thể mang lại hiệu quả gấp nhiều lần cho nhân viên, nhà đầu tư sau 10 năm, hiện chúng tôi đã đi được 3 năm trên chặng đường này", Hoài nói.

Tại GHN có một tư tưởng quan trọng là, một doanh nghiệp sinh ra trong giai đoạn này thì phải luôn hiểu mình đang chơi cuộc chơi cạnh tranh khu vực. Nếu các đối thủ tầm cỡ khu vực bước vào thì mình cần phải thắng. Ngược lại, trong thế giới phẳng về công nghệ, GHN vẫn đam mê với giấc mơ tiến ra khu vực và thế giới. Trước mắt, GHN mang mục tiêu sẽ sánh vai với các "ông lớn" lâu đời như Vietnam Post (Bưu điện Việt Nam), Viettel Post (Bưu chính Viettel).

Theo đuổi mục tiêu đó, GHN đã thuyết phục được nhân sự giỏi nước ngoài về. Một startup nhỏ, Hoài không thể cạnh tranh tuyển dụng nhân sự ngoại bằng tài chính mà thuyết phục bằng cách đi bán ước mơ. Với kinh nghiệm học hỏi gần 20 năm từ UPS, FEDEX, Amazon, nguồn lực từ nước ngoài đã giúp năng lực cạnh tranh của GHN tăng lên nhanh chóng trong 10 tháng qua. GHN đã giải quyết đa số các nút thắt cổ chai trong tư duy, khả năng vận hành quy mô lớn và kỹ năng quản trị dựa trên số liệu.

Hiện tại, Giaohangnhanh.vn là đơn vị cung cấp dịch vụ cho đa số các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trong nước, cũng là đối tác giao hàng cho toàn bộ 29 siêu thị BigC trên cả nước.

Với Hoài và những người bạn, họ là một nhóm người "điên rồ" đi tìm cơ hội để hiện thực hoá những giấc mơ "điên rồ" không kém.

Thích Jack Ma và Alibaba

Lương Duy Hoài thích cách Jack Ma (Trung Quốc) xây dựng đế chế Alibaba và Jeff Bezos (Mỹ) xây dựng Amazon, cả 2 trường hợp đều có nhiều bài học quý báu để học hỏi. Song, lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam có nhiều đặc điểm giống Trung Quốc hơn, Hoài phân tích các bài học của thị trường này nhiều hơn để xây dựng chiến lược và lộ trình cho GHN.

Thậm chí, Hoài nhìn thấy lối đi cho GHN từ câu trả lời mà các CEO ở Trung Quốc trong câu hỏi: vì sao thương mại điện tử ở Trung Quốc lại tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn Mỹ và sắp vượt Mỹ thành thị trường lớn nhất?

Tại Mỹ, cách đây vài chục năm, các cửa hàng bán lẻ đã phát triển rất tốt, ở đâu cũng có Walmart, Bestbuy…, nên khi thương mại điện tử ra đời không tạo sự bứt phá. Trong khi ở Trung Quốc, các cửa hàng bán lẻ chỉ mới có mặt ở các thành phố lớn và chắc phải chờ thêm vài chục năm để các cửa hàng bán lẻ có mặt. Lúc này, thương mại điện tử thắng hoàn toàn khi có thể bán hàng đi toàn quốc chỉ cần giải được bài toán giao hàng và thu tiền". Câu trả lời này là động lực rất lớn giúp GHN mở rộng phạm vi hoạt động.

GHN lúc này chỉ mới nắm khoảng 10% thị phần giao nhận hàng hoá cho thương mại điện tử, mục tiêu tăng nhanh thị phần trong năm tiếp theo lên 20-25%. Trong các mảng dịch vụ của mình, thương mại điện tử là thị trường GHN đặt niềm tin và sự quan tâm đặc biệt.

Mới đây, GHN cho ra đời nền tảng Ahamove, chạy trên các thiết bị di động giúp cho người dùng dễ dàng kết nối với mạng lưới xe tải tại Việt Nam. Ahamove sẽ giải quyết bài toán lãng phí trong vận tải khi xe chỉ chở hàng một chiều và không dùng hết công suất.

Sau 8 tháng xây dựng và phát triển Ahamove đã kết nối trên 100 xe tải tại TP.HCM. Mục tiêu của Ahamove trong năm 2015 sẽ kết nối 2.000 lái xe tại TP.HCM và Hà Nội trong mạng lưới để phục vụ nhu cầu của người sử dụng.

Lọt vào danh sách 30 under 30 do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn vì có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam như một ghi nhận rất lớn với sự nỗ lực của những người trẻ như Hoài. Nhưng, Hoài quan tâm nhiều hơn đến thông điệp danh sách này truyền tải đến xã hội. Đó là những người trẻ hãy cứ đam mê và dấn thân.

"Chúng tôi có khát khao và dại khờ, có đam mê và liều lĩnh để dám dấn thân. Song, những điều đó chưa đủ để tôi góp sức xây dựng những giải pháp mang lại giá trị cho xã hội, để tiến nhanh và vững chắc tạo ra những thành quả lớn. Chúng tôi cần thế hệ doanh nhân đi trước sẵn sàng cho đi những điều mà họ biết chắc chắn sẽ giúp thế hệ trẻ thành công hơn", Hoài kỳ vọng vào những người sẽ tiếp sức cho giấc mơ của mình.

Chat với Lương Duy Hoài

Anh thích và không thích điều gì ở nhóm bạn cùng khởi nghiệp ?

Thích sự kiên cường, nhiệt huyết và giấc mơ cùng tạo ra giá trị cho xã hội của họ. Còn ghét thì nhiều lắm.

Điều gì khiến anh tự tin và không tự tin nhất ở bản thân mình?

Khả năng nhìn nhận tích cực mọi vấn đề và sợ một lúc nào đó sẽ mất đi khả năng đổi mới sáng tạo của bản thân.

Một vài điểm ở vẻ bề ngoài của anh khiến anh thu hút mọi ánh nhìn của nhân viên, đối tác?

Nếu có, tôi nghĩ đó là sự chân thành và đam mê.