Chi phí lãi vay giảm mạnh
CTCP Thép Việt Ý (VIS) công bố BCTC quý II/2014 với khoản lãi ròng tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Đạt kết quả trên vì chi phí tài chính của VIS trong kỳ giảm 38%, trong đó chi phí lãi vay giảm mạnh: hơn 44%, chỉ khoảng 23,48 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Thanh Hà, Tổng Giám đốc VIS, lãi suất của các NHTM giảm và các khoản vay dài hạn của công ty đang ở thời điểm cuối kỳ hạn vay, vì vậy khoản trả lãi vay vốn cố định kỳ này giảm so với quý II/2013. Cụ thể, tính đến 30/6, nợ ngắn hạn của VIS giảm hơn 400 tỷ đồng so với đầu năm nay.
Giảm lãi suất hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh
Cũng nhờ chi phí lãi vay 6 tháng đầu năm 2014 giảm 18,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của Công ty thiết bị y tế Việt Nhật (JVC) tăng đến 144,9% so với năm 2013. Theo ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch HĐQT JVC, có hai nguyên nhân chủ yếu khiến DN lỗ là phải vay vốn NH với lãi suất cao và giá thành tăng vì giá nguyên liệu tăng cao. Nếu giảm được thiệt hại ở một trong 2 yếu tố này thì DN sẽ có sự tăng trưởng rất mạnh.
Trường hợp của JVC, những năm trước, ngoài doanh thu giảm, việc tỷ suất chi phí vốn trên doanh số bán hàng tăng và chi phí lãi vay phải trả cao nên DN có lúc bị lỗ đậm. Tuy nhiên, năm nay, tổng nợ vay của JVC tại thời điểm 30/6/2014 là 430,6 tỷ đồng (giảm 6%), tương đương tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu chỉ còn khoảng 0,45%. Đáng chú ý hơn, JVC hiện có 113,8 tỷ đồng nợ dài hạn được trả chậm giúp công ty có bản tài chính khá đẹp trong 6 tháng đầu năm.
Trên thực tế, không có thang lãi suất chung để biết lãi suất bao nhiêu là hợp lý. Nhìn chung, lãi suất cho vay tiền đồng của các NH tùy thuộc lĩnh vực DN hoạt động mà có sự dao động trung bình ở mức 8-12%/năm. Còn đối với doanh nghiệp, mức lãi suất cho vay trên 13%/năm hầu như không còn, có chăng chỉ là các khoản nợ quá hạn, nợ xấu và trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, riêng đối với tín dụng cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên của các NH trên địa bàn thành phố, tính đến 20/7, đạt 136.000 tỷ đồng so với mức của đầu năm 2014 là 125.000 tỷ đồng. Lãi suất không quá 8%/năm.
Lãi suất này được điều chỉnh và áp dụng dựa trên sức khỏe, định mức tín nhiệm và mức độ gắn bó của DN với NH, cũng như tùy thuộc thời gian vay vốn, giá trị hạn mức vốn… Nếu nhìn qua bảng thống kê, có thể thấy 6 tháng đầu năm, chi phí lãi vay tại các DN đã giảm rất đáng kể. Điều này thể hiện rõ nhất trong báo cáo tài chính nhóm DN bất động sản. Nếu như trước đây, gánh nặng lãi suất đè nặng bởi các DN trong nhóm ngành này thường sử dụng đòn bẩy tài chính rất cao, thì hiện tại trong các bản giải trình, nhiều DN bất động sản không còn thấy chi phí lãi vay trở thành vấn đề khó khăn, mà do doanh thu không tăng trưởng nên lợi nhuận bị sụt giảm. Tính đến hiện tại, chỉ còn khoảng 10 DN báo lỗ và mức lỗ cũng không đáng kể.
Kỳ vọng tăng trưởng cuối năm
TS. Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV phân tích, nếu các DN gặp khó khăn về thị trường hay nguồn lực tài chính thì sẽ càng khó khăn hơn nếu lượng vốn phải đi vay chiếm tỷ trọng lớn. Chỉ có những DN nào có vốn tự có lớn thì đã là một lợi thế vì tăng được 20% lợi nhuận từ giảm chi phí giá vốn. Tuy nhiên, có những DN có vốn thì họ cũng không đưa vào đầu tư mà chọn NH là một kênh lưu chuyển dòng tiền để tìm kiếm lợi nhuận. Nay có tín hiệu lãi suất giảm, giúp các DN bớt được một phần gánh nặng nợ nên họ sẽ tập trung phát triển đầu tư sản xuất, tạo ra hàng hóa. Điều này cũng giúp cho NH tăng trưởng tín dụng về cuối năm.
Lãi suất được điều chỉnh phù hợp với từng loại hình DN
Thừa nhận điều này, ông Lê Chí Trị - Tổng giám đốc Công ty Việt Úc cho biết, thời gian qua ông cũng chia vốn ra nhiều kênh để kinh doanh, trong đó có cả kênh gửi NH. "Nay lãi suất hạ thấp, chi phí vốn không còn quá cao, DN sẽ lấy vốn ra để đầu tư khai thác thị trường", ông Trị nhận xét.
Số liệu thống kê từ ông Nguyễn Hoàng Minh cho thấy, tỷ lệ cho vay với mức lãi suất từ 12%/năm trở xuống của các NHTM trên địa bàn tính đến cuối tháng 7/2014 chiếm đến 86% trên tổng dư nợ của các NH trên địa bàn. Trong đó, mức lãi suất cho vay dưới 8%/năm chiếm khoảng 42%. Mức lãi suất bình quân 9-12%/năm là khoảng 44%. Phần còn lại, lãi suất trên 13%/năm chủ yếu là lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Không chỉ giảm lãi suất, các NHTM còn "trải thảm đỏ" với nhiều chính sách ưu đãi để DN sử dụng nguồn vốn. Một trong những gói tín dụng có ưu đãi thực sự được nhiều DN đánh giá cao là gói vay ưu đãi lãi suất, tổng trị giá 5.000 tỷ đồng, được HDBank triển khai trong thời gian từ tháng 8 đến hết tháng 12/2014. Theo đó, mức lãi suất ưu đãi rất thấp so với thị trường, chỉ từ 6,7% - 9,79%/năm và cố định trong 12 tháng đầu tiên. Hay một số NH khác dù chưa có thông tin điều chỉnh lãi suất huy động nhưng cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm đường giải ngân nguồn vốn vào nền kinh tế.
Mới đây, Maritime Bank đã dành 1.000 tỷ đồng hạn mức tín dụng trong chương trình kết nối NH - DN. Các khách hàng có khoản vay được giải ngân đến hết 31/12/2014 sẽ được vay lãi suất từ 7-8%/năm đối với khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với khoản vay trung hạn. Cũng với mục đích đưa tiền vào DN, OceanBank triển khai gói cho vay DN trị giá 2.000 tỷ đồng với lãi suất 7%/năm, DN sẽ được giải ngân tối đa lên đến 85% nhu cầu vốn cần bổ sung...