4:30 một buổi sáng tháng Năm, Joseph Tsai cùng 3 lãnh đạo của Tập đoàn Alibaba tập trung tại văn phòng ở Hongkong.
Sau khi thị trường chứng khoán Mỹ vừa đóng cửa, đây là lúc để gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc nộp bản cáo bạch cho đợt lên sàn đầu tiên tại Sở giao dịch chứng khoán Mỹ.
Champagne đã được mở, mỗi lãnh đạo lần lượt gõ một chữ trong trên của công ty lên máy tính, khi cả bốn người ấn nút, bộ tài liệu 340 trang sẽ được xử lý, đặt tiền đề cho một trong những phi vụ IPO đình đám bậc nhất lịch sử Mỹ.
Trong khi Chủ tịch Jack Ma là nhà hoạch định, thì chính Phó chủ tịch Tsai mới là người thức trắng đến 4:30 sáng để hoàn thành mọi thứ.
Nhà thiết kế thương vụ
Được mệnh danh là "nhà thiết kế thương vụ" của công ty, ông chịu trách nhiệm với hầu hết các khoản đầu tư từ bên ngoài đổ vào Alibaba thuở khởi nghiệp, trong đó có cả khoản đầu tư 20 triệu USD từ ngân hàng SoftBank.
Tsai cũng là người giám sát hàng chục thương vụ sáp nhập, tổng trị giá lên tới 4,6 tỷ USD tính đến thời điểm hiện tại theo số liệu của Bloomberg, giúp Alibaba đặt chân vào nhiều thị trường mới như bản đồ trực tuyến, trung tâm thương mại và nội dung truyền hình.
Chỉ tính riêng trong quý II, Alibaba đã báo lãi 1,99 tỷ USD, nhiều hơn lợi nhuận của cả Amazon và eBay gộp lại, trích từ doanh số 2,5 tỷ USD.
"Alibaba sẽ không có ngày hôm nay nếu không có Tsai", Porter Erisman - chuyên viên marketing và truyền thông thâm niên tại Alibaba khẳng định.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của Tsai hiện giờ là thuyết phục các nhà đầu tư mua cổ phiếu công ty.
Ông đã tham gia vào mọi công đoạn trong thương vụ IPO lần này, bao gồm cả thiết kế cấu trúc doanh nghiệp đến chọn ngân hàng bảo lãnh thương vụ.
Nếu đợt IPO lần này thành công, Tsai sẽ được thưởng lớn, lượng cổ phần trị giá 2,9% của ông có thể sẽ cán mốc trị giá 4,5 tỷ USD, theo ước tính dựa trên giá trị công ty.
Trong cấu trúc công ty được Tsai thiết kế, Alibaba sẽ được điều hành bởi một nhóm 27 nhà quản lý, nhóm này có đặc quyền chỉ định phần lớn thành viên ban điều hành.
Hai cổ đông lớn nhất của Alibaba - SoftBank và Yahoo! đã lên tiếng ủng hộ sự sắp xếp này, mặc dù hai công ty trên không có đại diện trong nhóm điều hành.
Sau hai năm làm việc với Alibaba, Ủy ban chứng khoán và hợp đồng tương lai Hongkong đã từ chối đề xuất trên, với lý do nó mang lại quá nhiều quyền lực cho một số ít cổ đông.
Quyết định này đã khiến công ty chuyển kế hoạch IPO sang Sàn giao dịch chứng khoán New York và đã được Ủy ban chứng khoán Mỹ chấp thuận.
Một vấn đề khác là Trung Quốc cấm các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần trong các công ty thuộc một số lĩnh vực cụ thể, trong đó cả Internet.
Do vậy, các công ty Trung Quốc lách luật bằng cách sử dụng các pháp nhân trung gian chuyển lỗ và lãi của công ty trụ sở Trung Quốc qua hợp đồng thay vì qua quyền sở hữu trực tiếp.
Hầu hết các công ty Internet lớn của Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ đều sử dụng cấu trúc này, trong đó có công ty tìm kiếm Baidu, nhà bán lẻ trực tuyến JD.com và Weibo - dịch vụ mạng xã hội.
Không giống những công ty Trung Quốc lên sàn thời đó, họ giao 99% doanh thu cho các công ty trung gian, Alibaba chỉ đặt gần 12% doanh thu và 8% tài sản vào những pháp nhân trên.
"Tập đoàn Alibaba có tỷ lệ móc nối với các công ty trung gian vào mức thấp nhất hiện tại", ông Paul Gillis - chuyên gia tại Trường quản lý Guanghua nhận xét.
Làm điều mình cho là đúng
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Đài Loan khá giả có bố và mẹ làm luật sư, Tsai đến Mỹ học năm 13 tuổi. Cậu bé Tsai nhập trường Lawrenceville danh giá với rất ít từ vựng tiếng Anh.
Năm cậu tốt nghiệp, Tsai nói trôi chảy tiếng Anh như người bản xứ và là một tay bóng vợt cừ khôi. Cậu tiếp tục chuyển lên chơi thể thao tại đại học Yale, nơi cậu "phá vỡ truyền thống" bằng cách mặc áo có hình tam giác màu hồng ủng hộ người đồng tính ra sân.
Khi bị đồng đội trêu chọc, cậu chỉ đáp lại rằng đó là điều nên làm.
"Tsai luôn làm điều cậu ấy nghĩ là đúng. Cậu ấy là tấm gương cho toàn đội", Jeff Gordon - đồng đội thời đại học của Tsai nói.
Sau khi tốt nghiệp trường luật Yale năm 1990, Tsai làm việc tại một văn phòng luật sư chuyên về thuế tại New York. Ba năm sau, ông chuyển đến làm việc tại một công ty chuyên mua bán sáp nhập, chịu trách nhiệm về thương vụ. Sau đó Tsai về Hongkong đầu quân cho công ty đầu tư Investor của Thụy Điển.
Đây cũng là thời điểm ông gặp Jack Ma lần đầu tiên tại Hàng Châu, Trung Quốc, qua lời giới thiệu của một người bạn năm 1999. Tsai bị ấn tượng bởi phong thái của Jack Ma đến nỗi ông đã bỏ công việc có mức lương 60.000USD/tháng tại Investor để về xây dựng Alibaba.
Nhớ lại kỷ niệm ấy, Jack Ma từng kể: "Khi cậu ấy nói muốn gia nhập, tôi đã rất ngạc nhiên. Chúng tôi đến Thung lũng Silicon trong khoảng một tháng, bị tất cả các nhà đầu tư mạo hiểm từ chối. Lúc đó tôi đã hỏi lại: 'Anh vẫn muốn gia nhập chứ?', và cậu ấy nói có".
Khi ấy, Tsai là thành viên duy nhất từng du học phương Tây trong nhóm quản lý, giữ vai trò Giám đốc tài chính của Alibaba trong hơn 10 năm trước khi lên ngồi ghế Phó chủ tịch năm 2013.
Trung tuần tháng Bảy, Tsai suy tính về đợt IPO trong lúc ngồi trên khán đài xem giải vô địch bóng vợt toàn thế giới tại Denver, nơi đội Trung Quốc và Hongkong do ông hỗ trợ thành lập đang tham dự. Jeff Gordon, người bạn vẫn giữ liên lạc qua Facebook cùng Tsai cũng đến cùng xem.
"Cậu ấy chẳng hề thay đổi chút nào. Tôi có kỳ vọng cậu ấy sẽ đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu ở một khía cạnh nào đó không ư? Đương nhiên là có. Vì cậu ấy làm việc chăm chỉ đến vậy, thông minh đến vậy, và có khả năng nhận thấy sự khác biệt trong mọi người và trở thành huynh đệ của họ", Gordon nói.