Thị trường phản ứng
Thị trường chứng khoán mở đầu tuần giao dịch đầu tiên của năm 2015 với 6 phiên tăng điểm liên tục. Tuy nhiên đến phiên giao dịch ngày thứ Tư, ngày 14/1, các chỉ số đã bị điều chỉnh và quay đầu giảm điểm, có thời điểm VN-Index bị giảm hơn 8 điểm và xóa tan mọi nỗ lực trong một tuần qua.
Diễn biến trên thị trường không mấy tích cực với áp lực bán gia tăng. Cổ phiếu ảnh hưởng nhiều nhất đến chỉ số là GAS giảm mạnh, trong khi đó các mã ngân hàng vốn bứt phá thời gian qua cũng có sự phân hóa. Chỉ có VCB và CTG giữ được đà tăng còn lại hầu hết đều bị sụt giảm. Quan sát thị trường cho thấy tâm lý nhà đầu tư bị tác động bởi phát biểu mới nhất của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố trong sáng cùng ngày liên quan đến thời gian áp dụng của Thông tư 36.
Một nhà đầu tư trên sàn VDSC bình luận: đúng là thị trường có chịu áp lực bán do xuất hiện thông tin không giãn thời hạn áp dụng Thông tư 36 nhưng dòng tiền vào thị trường sẽ chất lượng hơn. Một nhà đầu tư khác cho rằng "kết cục" không nới thời gian hiệu lực của Thông tư là đã được dự báo trước. Nguyên nhân giảm điểm của thị trường chủ yếu ảnh hưởng của các mã vốn hóa lớn, trong khi đó dòng tiền đang dần luân chuyên từ các cổ phiếu trụ cột sang nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh cuối năm khả quan.
Nhận định về phiên điều chỉnh này, Công ty chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng là tất yếu vì chỉ số trước đó đã tăng liền nhiều phiên và rất nhiều cổ phiếu đã đạt kỳ vọng lợi nhuận của nhà đầu tư. Đây cũng có thể coi là cơ hội cho những nhà đầu tư "chậm chân" trong các phiên trước đó kịp tham gia vào thị trường.
Bên muốn hoãn, bên đòi áp
Trước đó, quan ngại về sự ảnh hưởng Thông tư 36 sắp hiệu lực vào đầu tháng 2/2014 sẽ ảnh hưởng đến TTCK, lãnh đạo của các công ty chứng khoán (CTCK) và Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán (VASB) lên tiếng sẽ kiến nghị NHNN xem xét giãn thời gian áp dụng Thông tư này.
Đại diện VASB phát biểu với giới truyền thông, Hiệp hội đã có cuộc làm việc với các CTCK hội viên và thừa nhận việc ra đời Thông tư 36 là một quyết tâm của NHNN nhằm đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng và giải quyết các vấn đề sở hữu chéo. Tuy nhiên, nếu áp dụng Thông tư trong bối cảnh thị trường hiện nay sẽ ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa. Các ngân hàng co hẹp cho vay gây khó khăn lên TTCK trong khi đó nguồn cung chứng khoán từ quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, niêm yết mới sẽ ngày càng mạnh, đang rất cần một nguồn cầu đối ứng. Đồng thời, việc áp dụng ngay Thông tư có thể sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến nhiều "mảng" quan trọng của nền kinh tế.
"NHNN sẽ không lùi thời hạn thực hiện Thông tư 36" - Ngày 14/1, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định điều này. Theo bà Hồng, quy định về giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu trên là không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, kinh doanh chứng khoán nói chung, cổ phiếu nói riêng mà còn góp phần kiểm soát, hạn chế sở hữu chéo và rủi ro hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với tổ chức tín dụng (TCTD) có tỷ lệ đầu tư kinh doanh chứng khoán cao, dành thêm một lượng vốn khá lớn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phục vụ tăng trưởng kinh tế, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Bà Hồng nhấn mạnh, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu từ ngân hàng là cần thiết không chỉ vì lý do an toàn hoạt động ngân hàng mà còn vì sự ổn định của thị trường chứng khoán. Đây là giải pháp chính sách nhằm cơ cấu lại hoạt động của TCTD theo hướng an toàn, lành mạnh hơn như Đề án tái cơ cấu các TCTD đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt. Như vậy, quan điểm của NHNN khá rõ ràng về những thông tin gần đây kiến nghị nên lùi thời hạn áp dụng Thông tư 36 vì thị trường chứng khoán cần có thêm thời gian.
Vỗ về nhà đầu tư đừng sợ
Để củng cố thêm tâm lý nhà đầu tư, cơ quan thanh tra giám sát NHNN công bố cùng lúc với quan điểm của NHNN về dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các TCTD tại các thời điểm tháng 8, tháng 9 và tháng 11/2014.
Theo đó, tỷ lệ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán của các TCTD trong 3 tháng này lần lượt là 18.537 tỷ đồng - 19.291 tỷ đồng và 20.130 tỷ đồng, chiếm lần lượt 4,26% - 4,43% và 4,62% so với vốn điều lệ, vốn được cấp của toàn hệ thống ngân hàng. Như vậy, tỷ lệ cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các TCTD trung bình tại các thời điểm trên ở mức khoảng 4,5% so với vốn điều lệ, vốn được cấp.
Cũng theo cơ quan thanh tra NHNN, giá trị giao dịch bình quân trên TTCK năm 2014 ở mức trung bình trên dưới 3.000 tỷ đồng/ngày, được đầu tư từ nhiều nguồn khác nhau như nguồn vốn tự có của nhà đầu tư, các công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ... Với mức vốn điều lệ tại thời điểm tháng 12/2014 của toàn hệ thống khoảng 453.292 tỷ đồng, tổng mức cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu với tỷ lệ quy định tại Thông tư 36 sẽ là khoảng 22.665 tỷ đồng.
Theo cơ quan thanh tra giám sát NHNN, Thông tư 36 quy định hệ số rủi ro giảm từ mức 250% xuống còn 150% là nhằm thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Và với quy định này, "room" còn lại cho NHTM, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu là rất lớn.
Nội dung Thông tư 36 quy định: "Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài".