Khối công ty chứng khoán hoạt động “chắc tay” hơn

“Trong tổng số 104 CTCK, sau gần 3 năm tái cấu trúc, hiện còn 84 công ty có hoạt động môi giới, giảm 20% về lượng. Quá trình tái cấu trúc được thúc đẩy đúng lộ trình và chất lượng hoạt động các CTCK được cải thiện rõ nét”.

Ông Phạm Hồng Sơn, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), cho biết.

Sau khi giảm lượng CTCK có nghiệp vụ môi giới còn 84 công ty, UBCK có đặt mục tiêu giảm tiếp bao nhiêu CTCK không, thưa ông?

Cơ quan quản lý không áp đặt ý chí chủ quan về giảm bao nhiêu CTCK, mà điều này do thị trường quyết định, cũng như từ thực tiễn hoạt động của CTCK. Trên cơ sở thực tiễn thị trường, UBCK sẽ áp dụng các biện pháp tái cấu trúc phù hợp như: tạm đình chỉ hoạt động để thu hồi giấy phép hoạt động, giải thể, hợp nhất… Qua đó, giảm dần số lượng CTCK thực hoạt động.

Cùng với giảm số lượng CTCK, chất lượng hoạt động của các tổ chức này có được cải thiện sau quá trình tái cơ cấu, thưa ông?

Ngoài thu hẹp số lượng, chất lượng hoạt động của khối CTCK đang có sự cải thiện tích cực. 6 tháng đầu năm nay, trong số 84 CTCK đang hoạt động, thì có 60 đơn vị hoạt động có lãi, với tổng lợi nhuận đạt 1.800 tỷ đồng; số đơn vị còn lại lỗ tổng cộng 200 tỷ đồng. Một số CTCK cho biết, đến nay đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh cả năm 2014.

Sự cải thiện về chất lượng hoạt động của các CTCK sau tái cấu trúc còn thể hiện rõ ở năng lực quản trị rủi ro, sức khỏe tài chính được tăng cường. Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký chứng khoán cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, hầu như không có trường hợp CTCK nào để xảy ra thiếu hụt tiền thanh toán. TTCK thanh khoản rất cao kể từ đầu năm đến nay, nhưng giao dịch diễn ra suôn sẻ, an toàn, cho thấy ngoài nỗ lực của nhà quản lý, khối CTCK đã nâng cấp chất lượng quản trị hoạt động của mình, đảm bảo an toàn trong vận hành chung của TTCK.

Xin ông chia sẻ thêm một số chỉ tiêu về khối CTCK 6 tháng đầu năm nay?

Đến cuối tháng 6/2014, vốn chủ sở hữu của khối CTCK đạt xấp xỉ 38.000 tỷ đồng, tăng so với đầu năm nay. Dù toàn thị trường vẫn còn khoảng 50 CTCK có lỗ lũy kế, nhưng hoạt động của khối CTCK đã "chắc tay hơn", thể hiện ở lỗ giảm, lợi nhuận tăng và quản trị rủi ro tốt hơn. Chẳng hạn, với hoạt động margin, số dư tại các CTCK cuối tháng 6 vào khoảng 10.000 tỷ đồng, khi thị trường tăng nóng, thường xuất hiện tin đồn CTCK tăng đột biến dòng tiền margin, nhưng thực tế giám sát của UBCK cho thấy, dòng tiền này khá ổn định. Tại nhiều CTCK, dòng margin lúc TTCK tăng nóng lại có xu hướng giảm, một phần do nhà đầu tư chủ động giảm tiền vay, phần khác do CTCK đã quản trị rủi ro tốt hơn.

Sau thương vụ hợp nhất thứ hai giữa VIS-OSC, sắp tới còn có các thương vụ hợp nhất, sáp nhập nào khác, thưa ông?

Hiện UBCK chưa nhận được hồ sơ xin hợp nhất, sáp nhập chính thức nào từ phía các CTCK. Tuy nhiên, dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có thêm một số thương vụ hợp nhất, sáp nhập.

Theo ông, đâu là thách thức với các CTCK khi triển khai tái cấu trúc trên thị trường?

Thách thức đầu tiên là làm sao để cổ đông của các bên dám dũng cảm đối mặt với việc giảm lượng cổ phần để xóa lỗ lũy kế, xóa các khoản phải thu khó đòi, để làm sạch bảng cân đối tài sản, qua đó hình thành một thực thể CTCK mới sau hợp nhất đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn tài chính. Thách thức tiếp theo là làm sao để CTCK mới có cơ hội tăng vốn, phát triển kinh doanh theo hướng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả hơn.

Đâu là những giải pháp mà UBCK tiếp tục triển khai để thúc đẩy tái cấu trúc khối CTCK trong thời gian tới, thưa ông?

Ngoài khuyến khích, tạo thuận lợi để các CTCK tự nguyên hợp nhất, sáp nhập, giải thể, nhằm cải thiện chất lượng, UBCK tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra theo quy định, để phát hiện các hành vi vi phạm và xử lý nghiêm. UBCK cũng sẽ tiếp tục đánh giá, phân loại sâu CTCK theo chuẩn CAMEL. Các CTCK không đáp ứng được các chỉ tiêu an toàn tài chính sẽ bị đặt vào diện kiểm soát, kiểm soát đặc biệt. Nếu cácCTCK không khắc phục được, UBCK sẽ xem xét đình chỉ, tiến hành các thủ tục thu hồi giấy phép hoạt động.