[Khi tôi 30] Steve Jobs và cú sốc khi bị sa thải khỏi Apple

(NDH) "Khi mối bất hòa đó xảy ra giữa chúng tôi, hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta, và tôi, ở tuổi 30, đã bị sa thải một cách rất rõ ràng. Những điều mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất, chúng đã bị phá hủy.", Steve Jobs chia sẻ.

30 tuổi thường được coi là cột mốc quan trọng trong cuộc đời của nhiều người. Ở độ tuổi này, con người thường có sự chín chắn và trưởng thành nhất định trong cả tâm hồn, tính cách lẫn kinh nghiệm sống.

30 tuổi, có người đã thành tỷ phú, cũng có người mới bắt đầu sự nghiệp. Còn các doanh nhân thành công thì sao? Họ đang làm gì ở tuổi 30?

Bắt đầu từ tuần này, NDH xin giới thiệu với độc giả series bài viết "Khi tôi 30" kể về cuộc sống của những doanh nhân thành đạt và những người nổi tiếng khi họ ở lứa tuổi 30.

Steve Jobs sinh ngày 24 tháng 2 năm 1955, tại thành phố San Francisco, tiểu bang California, Mỹ.

Mẹ đẻ của Jobs là Joanne Schieble còn cha của ông là Abdulfattah Jandali, một người theo đạo Hồi đến từ Syria. Mối tình giữa 2 người không được ông ngoại của Jobs, Arthur Schieble ủng hộ. Vì vậy, sau khi ra đời. Jobs đã được nhận nuôi bởi cặp vợ chồng người Mỹ là Paul Reinhold Jobs và Clara Jobs.

Ông từng theo học trường Reed College, một trong số 10 đại học mỹ thuật hàng đầu của Mỹ nhưng sau đó bỏ dở giữa chừng vì học phí quá cao.

Năm 1976, cùng với Steve Wozniak, Jobs đã khai sinh ra Apple trong gara để xe của bố mẹ Jobs khi mới ngoài 20 tuổi. Họ đã làm việc rất chăm chỉ để sau vài năm, từ chỗ chỉ có 2 người trong cái gara bé nhỏ, Apple đã phát triển thành một công ty trị giá 2 tỷ USD với hơn 4.000 nhân viên. Cả Steve Jobs và Steve Wozniak sau đó đều trở thành triệu phú.

Steve Jobs khi còn trẻ

Bước ngoặt quan trọng diễn ra vào năm 1983 khi Steve Jobs mời John Sculley về làm việc cho Apple. Sculley từng là giám đốc điều hành của Pepsi với nhiều thành tích ấn tượng. Tuy nhiên, ông lại không có chút kinh nghiệm nào trong lĩnh vực công nghệ.

Thời gian đầu, Jobs và Sculley kết hợp khá ăn ý và thân thiết với nhau. Trong 5 tháng sau đó, hai người thay nhau hoạt động. Sculley bay tới Bờ Tây còn Jobs bay đến Big Apple.

Thậm chí Jobs từng tâm sự với Sculley rằng ông tin mình sẽ chết trẻ, vì vậy ông cần hoàn tất mọi thứ một cách nhanh chóng để có thể để lại dấu ấn trong lịch sử thung lũng Silicon.

Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, mối quan hệ của 2 người bắt đầu rạn nứt. Trong cuốn tiểu sử về Steve Jobs, tác giả Walter Isaacson viết rằng có rất nhiều lý do dẫn đến sự rạn nứt này. Một số chỉ đơn thuần là những bất đồng trong kinh doanh, một số khác lại là những cảm xúc mãnh liệt về tâm lý khó hiểu ngay từ đầu họ đã có với nhau.

Steve Jobs (trái) và Sculley (phải) khi còn là đồng nghiệp tại Apple

Đến khoảng tháng 3 năm 1985, mối quan hệ giữa Jobs và Sculley trở nên cực kỳ căng thẳng. Doanh số của Mac không được tốt và Jobs muốn giảm giá, đồng thời đầu tư quảng bá sản phẩm và giảm tập trung vào Apple II. Sculley không đồng ý. Ông cho rằng Mac đơn giản là chưa sẵn sàng và Apple cần đẩy mạnh Apple II hơn. Sculley gọi Jobs là lừa đảo và đến gặp Ban giám đốc về vấn đề này.

Phó chủ tịch Ban giám đốc lúc đó là Mike Markkula. Ông đã nói chuyện với những người chủ chốt tại công ty lúc đó để xem Jobs hay Sculley là người đúng. Sau 10 ngày, Markkula báo cáo với Ban giám đốc là hầu hết mọi người đều nói rằng Sculley là người đúng, Mac chưa sẵn sàng và Jobs bị yêu cầu xuống khỏi vị trí trưởng nhóm MacIntosh.

"Làm sao mà bạn có thể bị đuổi việc khỏi công ty do chính bạn sáng lập? Khi đó, Apple đã trưởng thành và chúng tôi đã thuê một người mà tôi nghĩ rằng rất tài năng để điều hành Apple cùng với tôi", Steve Jobs kể lại trong buổi nói chuyện tại trường Đại học Stanford vào năm 2005.

"Khoảng một năm gì đó, tình hình có vẻ rất khả quan. Nhưng sau đó, quan điểm của chúng tôi về tương lai bắt đầu khác nhau, thậm chí chúng tôi còn trở nên bất hòa. Khi mối bất hòa đó xảy ra giữa chúng tôi, hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta, và tôi, ở tuổi 30, đã bị sa thải một cách rất rõ ràng. Những điều mà tôi theo đuổi trong suốt cuộc đời đã biến mất, chúng đã bị phá hủy.", ông chia sẻ thêm.

Việc bị sa thải khỏi Apple đã trở thành cú sốc lớn với Steve Jobs tại thời điểm đó. Ông tức giận đến mức đã ném vỡ bức ảnh chụp chung của mình với Sculley.

Steve Jobs cho biết trong một vài tháng đầu tiên, ông không biết mình nên làm gì. "Tôi cảm giác mình đã làm cho thế hệ đi trước thất vọng và tôi đã đánh rơi lá cờ khi nó được chuyển đến tay tôi.", Jobs nói.

"Tôi đã thua một cách rõ ràng và thậm chí tôi đã có ý định bỏ cuộc.", huyền thoại công nghệ thung lũng Silicon thừa nhận.

"Nhưng có một cái gì đó bắt đầu chậm chậm sáng lên trong tôi. Tôi vẫn rất yêu quý những gì tôi đã tạo ra. Sự việc xảy ra ở Apple có thay đổi tình yêu đó một chút nhưng trong tôi, tình yêu ấy vẫn còn. Chính vì thế, tôi đã quyết định bắt đầu lại.", Jobs bộc bạch.

Mặc dù khi đó, rời khỏi Apple là điều không hề dễ dàng với Steve Jobs nhưng chính ông sau này lại nhận thấy đây là một trong những điều may mắn nhất trong cuộc đời mình.

Còn với Sculley, ông cũng không ít lần lên tiếng thừa nhận việc sa thải Steve Jobs năm 1985 là một sai lầm. "Tôi nghĩ rằng, từ trong nhận thức muộn màng, để người sáng lập phải rời công ty là một sai lầm và tôi là một phần của sai lầm đó. Tuy nhiên, Steve của năm 1985 không phải là Steve của năm 1997. Khi quay trở lại, ông trở thành một thuyền trưởng trong khi vào những năm 80, ông ta vẫn còn là một vị lãnh đạo trẻ đang học việc.", cựu CEO Apple phát biểu trong một cuộc phỏng vấn.

*Bài viết tham khảo thông tin từ Wikipedia, Phone Arena, BGR và cuốn "Tiểu sử Steve Jobs" của tác giả Walter Isaacson.