Vivek Ramaswamy
Tháng 6 vừa qua, Vivek Ramaswamy đã hủy kế hoạch trăng mật leo núi ở Pháp và Thụy Sĩ của mình. Thay vào đó, cùng với người vợ mới cưới, anh đã làm rúng động Sàn giao dịch chứng khoán New York bằng việc phát hành cổ phiếu lần đầu lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ sinh học của Mỹ. Điều gì có thể lãng mạn hơn vài trăm triệu đô lãi chỉ trong vòng một ngày?
Công ty Axovant Sciences, có trụ sở tại Bermuda của Ramaswamy được thành lập chỉ cách đây 8 tháng nhưng nó đã huy động được 360 triệu USD để phát triển một loại thuốc chống căn bệnh Alzheimer mà “gã khổng lồ” ngành dược phẩm GlaxoSmithKline đã từ bỏ. Trong ngày đầu tiên giao dịch, giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi, mang về cho Axovant gần 3 tỷ đô vốn hóa thị trường. Điều đặc biệt là trước đó Ramaswamy đã thuyết phục Glaxo bán lại phương thuốc chưa được kiểm nghiệm với giá chỉ 5 triệu đô.
Tuy nhiên rất nhanh sau đó, “tuần trăng mật” đã kết thúc. Vì sao mà Glaxo lại bán tháo một loại thuốc đầy hứa hẹn với giá thấp như vậy, các nhà bình luận đưa ra câu hỏi. Và làm cách nào mà một công ty với vỏn vẹn có 10 nhân viên, 2 trong số đó là mẹ và em trai của Ramaswamy lại được định giá cao đến vậy? Các chuyên gia, nhà phân tích và thế giới blogger đã nhanh chóng nhận ra nghịch lý này và theo sau đó là cú rơi tự do của cổ phiếu Axovant. Vào đầu tháng 9 chúng được giao dịch thấp hơn 12% mệnh giá.
Những kẻ chống đối đã đặt người thanh niên trẻ tuổi, điển trai Ramaswamy vào tâm điểm của vụ bong bóng công nghệ sinh học. Dù ngành công nghệ sinh học chứng kiến rất nhiều những đột phá như thuốc chữa ung thư, viêm gan C,.. nhưng sự thật là giá cổ phiếu của các công ty trong lĩnh vực này đang bị thổi phồng quá mức. Chỉ số công nghệ sinh học Nasdaq iShare đã tăng vọt 300% trong vòng 5 năm so với 100% của chỉ số Nasdaq chung và 70% của chỉ số S&P 500. Sẽ thật đáng lo nếu như chính phủ dừng việc cấp phép hoặc trả giá quá cao cho nhiều loại thuốc.
Thế nhưng nỗi sợ này đã bỏ qua ý nghĩa thực sự trong hành động của Ramaswamy, đó là: giải cứu ngành dược phẩm của những loại thuốc bị lãng quên. Dù phương thuốc của Axovant có thành công hay không, thì theo Ramaswamy, đợt IPO chỉ là “bước đầu tiên trong một sứ mệnh lớn hơn” là giải phóng những loại thuốc đã bị bỏ quên hoặc không còn được chú trọng đang tồn đọng trong các nhà máy sản xuất thuốc mà không bao giờ được đến với các bệnh nhân hoặc mang lại lợi nhuận cho các nhà đầu tư.
“Đó thực sự là một vấn đề đạo đức quan trọng nhưng đang bị đánh giá thấp”, anh nói. “Quá nhiều những viên thuốc đáng lẽ có thể mang lại lợi ích cho xã hội nhưng lại bị vứt sang một bên với những lý do không liên quan tới tác dụng trị bệnh của chúng.”
Vivek Ramaswamy trên trang bìa tạp chí Forbes
Ramaswamy đang xây dựng một danh mục không phải của các cổ phiếu mà là của các loại thuốc mà anh thu nhặt với giá rẻ. Qua một công ty mẹ về dược phẩm mà anh thành lập năm ngoái, có tên Roivant Sciences, Ramaswamy hy vọng sẽ làm cuộc “dạo chơi” với hàng tá công ty, tương tự như là anh đã làm với Axovant. “Đó sẽ là nỗ lực kiếm lời lớn nhất từ vốn đầu tư từng được thực hiện trong lịch sử ngành dược phẩm,” anh tự hào nói.
Ramaswamy đã nhanh chóng đạt được những thành công liên tiếp: 76% cổ phần tại Axovant của Roivant Sciences và loại thuốc Alzheimer với tên khoa học là RVT-101 đã mang về 20.000% lợi nhuận trên khoản đầu tư 5 triệu đô. Trước đó, anh đã biến thương vụ mua một số loại thuốc trị giá 8 triệu đô để chữa viêm gan B thành cổ phần 110 triệu đô ở Arbutus BioPharma, với lợi nhuận là 1.275%.
Một cơn lốc của những thương vụ như vậy đã giúp Ramaswamy, một thành viên trong danh sách "Forbes 30 under 30" trở thành CEO trẻ nhất của ngành y dược. Và anh có thể sớm trở thành tỷ phú trẻ nhất. Forbes ước tính công ty Roivant của anh có giá trị khoảng 3,5 tỷ đô. Ramaswamy, người vừa mới bước sang tuổi 30, ấp ủ những hoài bão lớn hơn. Anh nói rằng Roivantsẽ trở thành “Berkshire Hathaway của ngành phát triển dược phẩm”.
Viveck Ramaswamy là niềm mơ ước của bất kỳ ông bố bà mẹ nào. Anh là con cả trong một gia đình người nhập cư từ Nam Ấn. Bố anh làm việc tại General Electric, và mẹ anh là bác sĩ tâm thần lão khoa tại Merk and Schering – Plough.
Ramasway là thủ khoa của trường trung học tại Cincinnati, một tay chơi đàn piano tài năng, người đánh đàn cho các bệnh nhân Alzheimer mà anh điều trị, và là một vận động viên tennis trẻ tầm cỡ quốc gia với cú đánh bóng lên đến 120mph.
Tại Harvard anh là chủ tịch Hiệp hội chính trị Harvard, làm việc tại phòng lab của nhà khoa học nổi tiếng về tế bào gốc Douglas Melton và từng có thời là nghệ sĩ biểu diễn hip-hop tự do với nghệ danh “Da Vek”.
Anh cũng là nhà đồng sáng lập một công ty mang tên StudentBusiness.com, nhằm kết nối các startup, những nhà tư vấn và các nhà đầu tư. Anh bán công ty này cho Ewing Marion Kauffman Foundation, nơi thúc đẩy tinh thần kinh doanh và hiện giờ đang cung cấp công cụ này miễn phí với tên gọi mới là iStart.
Thế nhưng Ramaswamy, một sinh viên ưu tú, lại muốn thay đổi thế giới. Anh nghĩ đến việc trở thành một bác sĩ hoặc một nhà nghiên cứu nhưng lại không muốn dành một thập kỷ nữa trong trường học. Thế rồi anh khám phá ra các quỹ đầu tư, nơi mà một thanh niên 25 tuổi có thể quản lý hàng triệu đô la. “Khi lần đầu tiên tôi nói với bố mẹ mình về nghề này, họ đã nghĩ rằng tôi sắp sửa bước vào lĩnh vực kinh doanh vườn hoa cây cảnh,” Ramaswamy nhớ lại.
Độc giả có thể xem những bài viết khác trong series "Khi tôi 30" tại đây.