Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu lãnh đạo các chi nhánh trực thuộc tại các địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp.
Hôm qua (15/9), đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước đến làm việc với lãnh đạo và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đứng lý giải gần 2 tiếng đồng hồ, như để nói hết góc cạnh của chuyện vay và cho vay hiện nay.
Nhưng trước hết là loạt ý kiến phản ánh từ các doanh nghiệp. Tất cả đều tập trung vào một nội dung: khó tiếp cận vốn ngân hàng.
Tựu trung, là thực tế phản ánh các ngân hàng định giá tài sản thế chấp thấp hơn nhiều so với giá trị thực nên hạn mức vay thấp; tài sản thế chấp chủ yếu là đất, nhưng doanh nghiệp không có nhiều, mà đất thuê; doanh nghiệp xây dựng cơ bản bị nợ đọng từ ngân sách, dẫn đến nợ xấu hoặc không thể vay vốn; có doanh nghiệp bắt đầu hồi sinh nhưng ngân hàng chưa tin tưởng…
“Người ta dễ quên lắm…”
Có lẽ để làm dịu không khí trước loạt ý kiến trên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kể một câu chuyện với chi tiết dí dỏm của mình.
Tại diễn đàn Quốc hội, ông từng trình bày bên lề với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Người ta hỏi các trường hợp nhỏ và chi tiết quá, lại ở các địa bàn xa, em với bác ở Hà Nội làm sao nắm hết được khi mà chưa được báo cáo. Với mức độ như vậy, có lẽ em phải giống như chơi “Ai là triệu phú” ấy, xin một quyền giải thoát, phải gọi điện điện thoại cho người thân. Để trả lời cụ thể đại biểu Quốc hội, em phải gọi hỏi xem ông giám đốc ngân hàng địa bàn đó chuyện là như thế nào”.
Câu chuyện trên gián tiếp trả lời rằng ông không thể giải thích cho từng ý kiến vì sao không/chưa vay được vốn. Nhưng, qua câu chuyện, hội trường rộn tiếng cười, không khí cởi mở hơn, và có lẽ vì vậy Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói nhiều hơn, chi tiết hơn về các góc cạnh của hoạt động cho vay hiện nay - điều khá hạn chế ở các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp địa phương thời gian qua.
Trong lý giải chung sau đó có một sự chiêm nghiệm: “Tôi cũng xin nói rất thật thế này, nhiều người chỉ nhớ cái gì mà lúc đấy người ta nhớ, còn việc ngày hôm qua người ta dễ quên lắm”.
Tức là, trước một doanh nghiệp khó khăn vay vốn, cán bộ tín dụng có thể thông cảm và châm chước cho một số điểm trong điều kiện cho vay. Hai bên cùng mong đợi doanh nghiệp đó tốt lên, làm ăn tốt để trả nợ cho ngân hàng.
Nhưng cuộc sống có nhiều trường hợp không được như mong đợi. Vài năm sau, dù được hỗ trợ vốn, doanh nghiệp đó vẫn “chết”. Cơ quan pháp luật vào cuộc. Câu hỏi sẽ đặt ra: Tại sao biết doanh nghiệp khó khăn, không đủ điều kiện mà vẫn cho vay? Có tư lợi gì không?
“Khi đó mấy ai nhớ lại thời điểm thông cảm và xem xét hỗ trợ cho vay. Mà nếu cơ quan pháp luật nói cố ý làm sai gây hậu quả nghiêm trọng thì đã đủ để vào “chỗ kia” rồi. Mà nếu có ghi thêm một câu nữa, cố ý làm sai gây hậu quả nghiêm trọng và có biểu hiện tham nhũng, thế thì nguy to rồi, cán bộ ngân hàng cho vay doanh nghiệp đó không những vào “chỗ kia” mà còn đi xa lắm…”, Thống đốc Bình đặt tình huống. Đây cũng là quan ngại rủi ro pháp lý tâm lý của nhiều cán bộ ngân hàng hiện nay.
Thế nên, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước yêu cầu lãnh đạo các chi nhánh trực thuộc tại các địa bàn, phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các chương trình kết nối doanh nghiệp. Qua đó, tiếp thu và xử lý các trường hợp cụ thể, có sự chứng kiến và cùng tháo gỡ của chính quyền ở đó. Việc này vừa giúp trả lời cụ thể cho từng vướng mắc, vừa hạn chế rủi ro “dễ bị quên” nói trên.
Có những cái giá phải trả
“Khi tôi làm Thống đốc, tôi khẳng định không khi nào thiếu tiền, chỉ có điều anh làm thế nào để lấy cái tiền đó lại là chuyện khác”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nói, như một sự đối lập với thực tế nhiều doanh nghiệp khó vay vốn hiện nay.
Ngoài lý do nhiều doanh nghiệp không đảm bảo yêu cầu, các ngân hàng chặt chẽ và thận trọng hơn, nợ xấu tăng cao và tín dụng tăng thấp được cho là kết quả của những cái giá phải trả cho một thời “vung tiền qua cửa sổ”.
Đó là một thời gian dài, theo Thống đốc nhìn lại, việc cấp tín dụng dễ dãi quá, tiền ngân hàng cứ như là mang ra phát chẩn. Có thời kỳ còn phân bổ cho cán bộ tín dụng định mức mỗi năm phải đẩy ra được mấy chục tỷ, không hoàn thành thì không đủ lương.
“Cho nên họ phải hết sức để đưa tiền ra, thôi thì bác thiếu 1 chứ 4-5 chỉ tiêu xét duyệt thì em cũng cho vay, cốt là để tiền ra. Từ cái cho vay dễ thì dự án cũng dễ dẫn tới hiệu quả thấp và nợ xấu dềnh lên thôi. Thực tiễn đó chúng ta đã phải trả giá rất cay đắng”, ông Bình nói.
Ông cũng nêu lên một thực tế mà ông cho là oái ăm. Trước đây, cho vay dễ, ngân hàng được việc và có được tình cảm từ doanh nghiệp. Nay, siết chặt lại, việc thì khó mà tình cảm cũng phai nhạt. Nhưng đây là điều phải làm, theo chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế.
“Nếu vẫn tốt đẹp và phát triển ầm ầm thì tái với sống làm gì. Vì nó không đẹp như ta mong muốn, nên phải sửa chữa nó lại, phải cắt gọt nó đi; chỗ nào không hiệu quả thì phải bỏ đi, giữ lại những cái tốt”, ông Bình nêu quan điểm.
Giai đoạn vay dễ, tín dụng tăng trưởng ồ ạt được người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước so sánh ở phạm vi của một gia đình, đơn giản hóa câu chuyện đầu tư toàn xã hội một thời, rằng: cả nhà chỉ làm ra được 20 đồng, nhưng chi tiêu tới 50 đồng. Tức là 30 đồng vay mượn, nhưng lại không chi tiêu hiệu quả để sinh lời, nên thành nợ xấu.
“Trước đây, để phát triển chúng ta đưa tín dụng ra nhiều quá, phát hành tiền ra nhiều quá, nhưng lại không nhiều hiệu quả thì nó dẫn đến lạm phát, tất yếu, rồi dẫn đến nợ xấu mà cho đến nay chúng ta phải còng lưng ra mà gánh, mà giải quyết thôi”, Thống đốc Bình nói, rồi dẫn lại so sánh mà ông từng đưa ra trước đây.
Đó là một thời tín dụng tăng trưởng 28-53%, tăng trưởng kinh tế quanh 7%. Ba năm gần đây (gồm dự tính cả năm nay) tín dụng chỉ tăng 10-12%, tăng trưởng kinh tế từ 5,2-5,8%. Theo đó, trước đây, để có 1% tăng trưởng kinh tế thì cần 4-5% tăng trưởng tín dụng, thậm chí có năm cần 6-7%; nay, chỉ cần khoảng 2% mà thôi. Tức là, theo hướng lý giải của Thống đốc Bình, tín dụng được bơm đúng chỗ và được sử dụng hiệu quả hơn, dù tăng trưởng thấp.
“Một thời gian dài tín dụng tăng rất cao mà hiệu quả thấp. Điều đó có nghĩa là tiền vứt qua cửa sổ, trôi sông trôi biển, vì hiệu quả kinh tế thấp mà lạm phát thì bùng nổ, bất ổn vĩ mô, tỷ giá vàng “đô” thì loạn xì ngậu.
Ba năm qua tăng trưởng tín dụng thấp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đảm bảo, hiệu quả của nền kinh tế thấy rõ. Lạm phát được kiềm chế, vàng “đô” ổn định. Để kinh tế phát triển ổn định, bền vững hơn thì sẽ có những cái giá phải trả. Có những doanh nghiệp khó khăn, phá sản, khó tiếp cận vốn, nhưng đổi lại chúng ta sẽ có hiệu quả cao hơn, bền vững hơn cho nền kinh tế”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình kết luận.
-
Thống đốc Nguyễn Văn Bình là thành viên Chính phủ hiếm hoi hai lần trả lời chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức...
-
Tình trạng dư thừa vốn đã đến mức bão hòa thì trái phiếu Kho bạc là "cứu cánh" quan trọng với nhiều ngân hàng...
-
Có một lời hứa mà sau ba năm Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới thực hiện được...