Báo cáo mới đây của IEA cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng sản lượng khai thác thêm 890.000 thùng/ngày lên 31,02 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2015, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 6/2011. Số liệu sơ bộ cho thấy sản lượng có thể tăng lên mức cao hơn nữa trong tháng 4/2015. Ngoài ra, IEA cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng cung cấp dầu thô của Mỹ và Canada trong nửa cuối năm nay.
Giá dầu đã giảm 45% sơ với cách đây 1 năm, giao dịch ở mức 59 USD/thùng trong phiên 15/4 tại thị trường Luân Đôn. OPEC đã duy trì chính sách giữ nguyên sản lượng nhằm bảo vệ thị phần trước sự bùng nổ khai thác dầu đá phiến của Mỹ. Trong khi những thành viên như Iran và Libya kêu gọi cắt giảm sản lượng thì Ả Rập Xê Út cho rằng OPEC chỉ nên hạ sản lượng nếu các nhà cung cấp ngoài tổ chức cũng làm vậy.
Theo IEA, OPEC và tiêu biểu là Ả Rập Xê Út cho thấy họ sẽ giữ nguyên chính sách bảo vệ thị phần của mình.
Trỗi dậy bất ngờ
IEA nhận định nhu cầu dầu mỏ đã tăng trưởng bất ngờ. Tuy nhiên, vẫn quá sớm để xác định liệu tình hình này sẽ kéo dài bao lâu. Theo dự đoán, nhu cầu dầu mỏ thế giới năm nay sẽ tăng thêm 1,1 triệu thùng lên bình quân 93,6 triệu thùng/ngày, cao hơn mức dự đoán trước đó là 90.000 thùng/ngày.
Báo cáo của IEA cho thấy nhu cầu dầu mỏ cao hơn dự kiến trong quý đầu tiên có thể là dấu hiệu cho sự phục hồi mạnh hơn nữa. Tuy nhiên, nếu sự gia tăng này chỉ là ngắn hạn thì đây cũng có thể mốc kháng cự trước khi thị trường dầu mỏ xuống sâu hơn nữa.
Dự đoán sản lượng sản xuất dầu thô tại Bắc Mỹ nửa cuối năm nay sẽ giảm thêm 160.000 thùng/ngày do triển vọng kém đi tại Mỹ và Canada. Số giàn khoan dầu của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Trong khi đó, IEA giữ nguyên dự đoán sản lượng cho những nhà cung cấp ngoài OPEC năm 2015 ở mức 57,4 triệu thùng/ngày.
Trong tháng 3/2015, nguồn cung dầu thô đã tăng thêm 3,5 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, tong đó chủ yếu gia tăng tại Mỹ, Nga và OPEC.
Trong khi IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2015, tổ chức này cho biết phản ứng của thị trường trước việc giá dầu suy giảm vẫn còn trong “giai đoạn đầu.”
OPEC tăng sản lượng
Theo báo cáo của IEA, Ả Rập Xê Út dẫn đầu trong tăng trưởng sản lượng của OPEC với mức tăng 390.000 thùng lên 10,1 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2015. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 9/2013 và gần với mức cao kỷ lục. Xuất khẩu dầu thô của nước này cũng tăng 60.000 thùng lên 7,4 triệu thùng/ngày, với hầu hết khách hàng đến từ Châu Á.
Iraq đã phục hồi sản lượng, tăng sản xuất thêm 350.000 thùng lên 3,67 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2015, qua đó khiến xuất khẩu dầu mỏ của nước này lên mức kỷ lục 3 triệu thùng/ngày.
Libya đã khôi phục sản lượng thêm 190.000 thùng lên 480.000 thùng/ngày bất chấp tình trạng xung đột trong nước.
Xuất khẩu dầu thô của Iran đã tăng lên 1,27 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2015, mức cao nhất trong 1 năm qua, trong tình hình nhu cầu tại Trung Quốc gia tăng. Tuy nhiên, đàm phán hạt nhân của nước này vẫn chưa có kết quả chính thức nên hiện chưa rõ liệu nước này có được dỡ bỏ lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mỏ hay không.