ICO: Xuất khẩu cà phê của Việt Nam bằng một nửa Brazil

ICO: Xuất khẩu cà phê của Việt Nam bằng một nửa Brazil

(NDH) Dù vẫn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, nhưng có vẻ Việt Nam đang ngày càng nới rộng khoảng cách với nước xuất khẩu số một là Brazil.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cuối tháng 5 công bố báo cáo cho thấy Việt Nam chỉ xuất khẩu được 1,45 triệu bao cà phê (loại 60kg/bao) trong tháng 4/2015, giảm 42,8% so với năm 2014 – mức giảm mạnh nhất trong số các nước xuất khẩu đứng đầu.

Tuy đứng vị trí thứ hai, nhưng xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ bằng một nửa so với khối lượng xuất khẩu của Brazil. Quốc gia Nam Mỹ này xuất khẩu được khoảng 3 triệu tấn trong tháng 4 năm nay, chỉ giảm nhẹ 3,8% so với cùng kỳ.

Việt Nam đang ngày càng tụt bậc so với Brazil về khối lượng xuất khẩu, trong khi cùng thời điểm này năm trước khoảng cách giữa 2 quốc gia là không đáng kể.

Số liệu từng tháng trong nửa đầu niên vụ 2014-2015 cho thấy xuất khẩu cà phê của Việt Nam chỉ bằng khoảng hơn một nửa mức xuất khẩu của Brazil.

Các nước xuất khẩu lớn khác sau Việt Nam là Colombia và Honduras lại ghi nhận khối lượng tăng từ 16-20%. Thậm chí trong nhóm 10 nước xuất khẩu lớn nhất, nước xuất khẩu giảm nhiều thứ hai sau Việt Nam là Uganda cũng chỉ giảm hơn 20%.

Lý giải về sự sụt giảm mạnh của Việt Nam, hồi đầu tháng 5, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) giải thích rằng sản lượng cà phê trong nước giảm mạnh do điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã kéo theo khối lượng xuất khẩu giảm.

Theo Vicofa, các tỉnh trồng cà phê tại Tây Nguyên đang phải đối mặt tình trạng thiếu hụt nước nghiêm trọng do lượng thấp, trước đó là thời tiết rét bất thường, trong khi cây cà phê bị nhiễm “cúm” khi ra hoa, lá rụng hàng loạt. Ngoài ra, tỷ lệ diện tích cây cà phê già cỗi tiếp tục tăng.

Còn theo trang Centralclimate.org, khu vực Tây Nguyên của Việt Nam đang hứng chịu đợt hạn hán nặng nhất trong vòng 1 thập kỷ qua, khiến sản lượng cà phê giảm và xuất khẩu cũng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm.

Chuyên trang về khí hậu này cũng cho biết số ngày nắng nóng ở Tây Nguyên dự kiến sẽ tăng lên 134 ngày vào năm 2050 và 230 ngày vào năm 2100, theo đó có thể gây hại cho việc canh tác cà phê hơn nữa.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam không những giảm về lượng, mà còn giảm mạnh cả về giá trị, một phần nữa là do giá cà phê xuống thấp.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê tháng 4 chỉ đạt khoảng 225 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2015 lên khoảng 968 triệu USD, giảm 39,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.