Hủy niêm yết, SBC sẽ về với Sabeco hay Sabibeco?

Hơn 3 năm cổ phiếu SBC luôn đi ngang quanh mệnh giá, bất chợt trong 3 tháng gần đây thị giá nhảy vọt lên hơn 30,000 đồng, gấp 3 lần. Liệu đang có cuộc chiến ngầm giữa Sabeco và Sabibeco để tranh quyền kiểm soát tại SBC? Và đây có phải là nguyên nhân đẩy giá cổ phiếu.

Diễn biến giá cổ phiếu SBC kể từ khi niêm yết đến nay

Sóng lớn cổ phiếu CTCP Vận tải và Giao nhận Bia Sài Gòn - SBC bắt đầu từ cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm 2014 khi rộ lên thông tin chào mua công khai khối lượng lớn. Tính đến cuối năm 2014, chỉ sau 3 tháng thị giá cổ phiếu đã đạt tầm 30,000 đồng/cp, gấp 3 lần.

Khi đó, Chủ tịch HĐQT SBC, ông Văn Thanh Liêm đã đứng ra thay mặt công ty thông báo chào mua công khai 5.13 triệu cp, ứng với 64% vốn SBC (giá thị trường của SBC lúc này vào khoảng 14,000 đồng/cp). Thời gian mua lại là 30 ngày kể từ khi được UBCKNN chấp thuận, tức là khoảng từ 03/09 đến 03/10. Tuy nhiên, cho đến hiện tại vẫn chưa có thông tin mới về việc mua lại này.

Sau thông tin ông Liêm đăng ký chào mua công khai thì đến tháng 10, CTCP Bia Sài gòn Bình Tây (Sabibeco) cũng đăng ký chào mua công khai đúng lượng cổ phiếu trên tại mức giá 11,500 đồng/cp. Phải nói thêm rằng, ông Liêm cũng là Chủ tịch HĐQT của Sabibeco.

Thời điểm Sabibeco chính thức chào mua công khai 64% vốn của SBC là từ 10/11 đến 10/12, khá trùng hợp với thời điểm diễn ra chuỗi ngày tăng giá không ngừng nghỉ của SBC. Từ mức giá 14,800 đồng, sau 12 phiên tăng trần không mệt mỏi, thị giá SBC đạt mức 33,900 đồng, tăng hơn gấp đôi. Đặc biệt, trong những phiên này, chỉ có mức giá trần được khớp và khối lượng giao dịch cũng đặc biệt cao hơn so với thời gian trước đây. Dĩ nhiên, với bước tăng mạnh như trên, giao dịch chào mua giá 11,500 đồng/cp của Sabibeco hoàn toàn không thể được thực hiện thành công.

Cần nhắc lại rằng, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2014, cổ đông đã biểu quyết thông qua phương án hủy niêm yết cổ phần tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) để thích ứng với thực tế hoạt động và định hướng tái cấu trúc của công ty. Hành động mua lại của ông Liêm là nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông nhỏ trong quá trình hủy niêm yết cổ phiếu. Cho đến gần đây, cổ phiếu SBC đã có quyết định chính thức hủy niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM từ ngày 12/02.

Sabeco và Sabibeco đang muốn gì tại SBC?

Tính đến năm 2014, danh sách cổ đông lớn của SBC gồm 3 đối tượng, một là Tổng CTCP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với tỷ lệ sở hữu 25%, hai là bà Nguyễn Thị Hạnh (vợ ông Liêm - Chủ tịch HĐQT) nắm 5.7% vốn và cuối cùng, ông Trần Thiện sở hữu 5.05% vốn. Theo đó, SBC có 64.2% cổ phần trôi nổi thuộc các cổ đông nhỏ lẻ.

Cơ cấu cổ đông của công ty gồm có có 16.04% do cổ đông nội bộ nắm, 15.3% cổ phần nằm trong tay các cán bộ công nhân viên và 43.66% vốn ở các cá nhân, tổ chức khác.

Nếu như Sabibeco muốn mua 64% vốn của SBC và nắm quyền chi phối tại đây thì Sabeco - cổ đông lớn đang sở hữu 25% vốn - muốn gì? Trong một lần chia sẻ cùng cổ đông tại Đại hội thường niên 2013, ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch HĐQT Sabeco, từng cho biết muốn thành lập công ty vận tải riêng để phân tuyến và thuận lợi hơn trong vận chuyển bia của Sabeco, bởi Sabeco chỉ sở hữu 25% vốn tại SBC nên khó "áp đặt".

Trong nhiều năm nay, SBC là đơn vị vận chuyển khoảng 70% sản lượng bia của Sabeco, đồng thời doanh thu từ vận chuyển bia cho Sabeco chiếm đến 98% tổng doanh thu của SBC (2013). Hơn nữa, bắt đầu tháng 9/2013 công ty đã chấm dứt toàn bộ hợp đồng vận chuyển các sản phẩm khác như sữa, cao su, nước ngọt để tập trung toàn bộ nguồn lực cho việc vận chuyển các sản phẩm bia, rượu, nước giải khát, vật tư, nguyên vật liệu đầu vào cho các nhà máy, đơn vị hợp tác sản xuất thuộc hệ thống Sabeco.

Sabibeco là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực thực phẩm, rượu bia, nước giải khát. Công ty có hai nhà máy bia lớn là nhà máy bia Sài Gòn - Bình Dương và nhà máy bia Sài Gòn - Hoàng Quỳnh (TPHCM), địa bàn hoạt động chủ yếu ở miền Nam với trụ sở chính tại quận 1, TPHCM. Trong khi Sabeco lại có địa bàn hoạt động chủ yếu và các nhà máy ở miền Bắc, đồng thời theo chỉ đạo chung thì trong năm 2013, công ty chủ yếu tập trung khai thác thị trường miền Trung, miền Bắc và thu hẹp miền Nam bởi chi phí vận chuyển vào Nam tăng cao.

Với mối quan hệ cộng sinh khăng khít như trên, Sabeco và SBC khó lòng có thể tách rời. Đồng thời, việc thành lập mới một đơn vị vận tải có quy mô đảm đương tương tự SBC với phạm vi hoạt động rộng khắp miền Bắc, miền Trung và miền Tây trong thời buổi hiện nay là điều không đơn giản. Tính đến cuối năm 2014, SBC đang sở hữu 51% vốn tại 3 công ty là CTCP Vận tải và Giao nhận bia Sài Gòn Sabetran miền Bắc, CTCP Vận tải và Giao nhận bia Sài Gòn Sabetran miền Trung và CTCP Vận tải và Giao nhận bia Sài gòn miền Tây. Thêm vào đó, quy định mới về trọng tải, khổ giới hạn của đường bộ được áp dụng trong năm 2014 lại làm khó Sabeco hơn trong việc kiểm soát chi phí vận tải.

Như vậy, với định hướng mới của SBC và khó khăn mà Sabeco phải đối mặt, người viết nghiêng về khả năng Sabeco sẽ gom mua cổ phiếu SBC để nâng tỷ lệ sở hữu lên mức có thể kiểm soát được khi xuất hiện động thái chào mua của Sabibeco.

Câu hỏi đặt ra là liệu có cuộc chiến ngầm giữa Sabeco và Sabibeco trong việc thâu tóm SBC hay không? Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý là tính đến cuối năm 2013, Sabibeco vẫn là công ty liên kết của Sabeco với tỷ lệ sở hữu 21.57%, với tỷ lệ này tuy Sabeco cũng không thể hoàn toàn kiểm soát được Sabibeco nhưng khả năng bắt tay nhau trong thương vụ SBC vẫn có thể diễn ra.

Nhìn lại hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm có thể thấy SBC đang có một tương lai khá khả quan. Tổng doanh thu lũy kế đạt 1,024 tỷ đồng, tăng trưởng 32% và lãi trước thuế 72.6 tỷ đồng, đột biến so với mức lỗ 85 tỷ ở cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, SBC tuy mới thực hiện 64% kế hoạch tổng doanh thu song đã vượt 133% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.