Cứ mua rồi hủy
Trước kia, đa số mọi người đều biết tới Bình Thiên An - BTA là công ty xây dựng với dự án nổi bật Đảo Kim Cương. Tuy nhiên, chỉ đến khi BTA thực hiện các vụ M&A đình đám thì mới thực sự thu hút sự chú ý của giới đầu tư.
Khởi đầu với Vinafco vào năm 2006, BTA đã mua lại cổ phần từ các cổ đông lớn với sự đồng thuận khá cao. Sau khi sở hữu Vinafco, BTA đã tiến hành tái cấu trúc công ty theo hướng tập trung ngành nghề kinh doanh chính, định hướng Vinafco thành công ty logistic chất lượng cao, cung cấp dịch vụ 3PL và các giải pháp chuỗi cung ứng hàng đầu Việt Nam.
Đến năm 2012, doanh thu của Vinafco gấp 2 lần so với thời điểm BTA bắt đầu sở hữu. Kết quả kinh doanh tốt lên chứng tỏ quá trình tái cấu trúc công ty đúng hướng, đạt mục tiêu nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn quyết định hủy niêm yết. Ngày 30/1/2013, 34 triệu cổ phiếu Vinafco – VFC chính thức rời sàn HSX.
Nếu như thương vụ M&A Vinafco êm đẹp bao nhiêu thì quá trình mua lại Descon lại ầm ĩ, vất vả gây nhiều tranh cãi. Năm 2010, BTA đại diện cho nhóm cổ đông lớn tham gia ĐHĐCĐ thường niên Descon với yêu cầu thay đổi ban lãnh đạo công ty. Trước yêu cầu sỗ sàng như thế từ nhóm cổ đông BTA, các cổ đông khác trong đó có cả cổ đông lớn phản đối dữ dội vì cho rằng BTA chỉ muốn mua Descon như thương vụ lướt sóng.
Công ty rơi vào trạng thái khủng hoảng, tin xấu dồn dập và đỉnh điểm là quyết định hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm quy định công bố thông tin của Sở giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Ngày 15/12/2011, Descon rời HSX.
Cùng với Descon, năm 2009 BTA tiến hành M&A CTCP Beton 6, doanh nghiệp thế mạnh sản xuất vật liệu xây dựng miền Tây. Thời điểm BTA sở hữu và tham gia điều hành hoạt động BT6 công ty đang rơi vào khó khăn do chi đầu tư nhiều, lãi suất cao khiến doanh thu lớn nhưng lợi nhuận không tương xứng. Tương tự như Vinafco, BTA tham gia đã mạnh tay chuyển đổi cơ cấu doanh thu từ sản xuất sang thi công công trình. Kết quả năm 2010, lợi nhuận bật tăng gấp hơn 2 lần, doanh thu tăng gấp rưỡi. Tuy nhiên, sau đó thị trường BĐS rơi vào giai đoạn khó khăn, đóng băng kéo dài nên tình hình kinh doanh của BT6 cũng kém khả quan.
Từ 2010 – 2013 dù duy trì doanh thu lớn hơn giai đoạn trước nhiều nhưng lợi nhuận đi xuống khá nhanh. Kết quả đến cuối 2013, doanh thu 1.073 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ hơn 14 tỷ đồng. Một nguyên nhân nữa khiến lợi nhuận BT6 sụt giảm mạnh là do trong 745 tỷ đồng phải thu có tới 147 tỷ đồng là khoản khó đòi và công ty phải trích lập dự phòng 30 tỷ đồng. Sang năm 2014, doanh thu giảm mạnh xuống dưới 800 tỷ đồng và lợi nhuận gần 17 tỷ đồng.
Đến 25/6/2015, ĐHĐCĐ thường niên 2014 thống nhất hủy niêm yết cổ phiếu BT6. Nếu sau khi hủy niêm yết BT6 vẫn còn là công ty đại chúng thì sẽ thực hiện các thủ tục đăng ký giao dịch trên UpCOM theo quy định. Trong trường hợp công ty không còn là công ty đại chúng thì sẽ thực hiện các thủ tục để hủy đăng ký công ty đại chúng và hủy đăng ký lưu ký chứng khoán theo quy định.
Cổ đông của BT6 khá cô đặc khi nhóm BTA sở hữu tới 79% cổ phần, các cổ đông lớn khác là 14% chỉ 7% thuộc sở hữu khác.
Hủy niêm yết để thoái vốn?
Trong tất cả thương vụ M&A, BTA đều thể hiện quan điểm “ trực tiếp tham gia đầu tư vào các doanh nghiệp chưa tốt và tái cơ cấu để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn”. Đối với các nhà đầu tư, bước tiếp theo của quá trình vực dậy doanh nghiệp là thoái vốn làm sao có lời nhiều nhất và chắc hẳn BTA cũng không ngoại lệ.
Điều này được thể hiện rõ ràng hơn khi Vinafco hủy niêm yết trong bối cảnh hoạt động công ty đang sáng sủa là “TTCK không còn hấp dẫn, nhiều cổ phiếu hoạt động kinh doanh ổn vẫn giảm giá theo xu hướng chung. Niêm yết không mang lại lợi ích cho cổ đông, giá cổ phiếu rớt, thanh khoản yếu”.
Có thể hiểu việc hủy niêm yết Vinafco nhằm bảo vệ giá trị tài sản cổ đông trong đó BTA chiếm phần lớn. Đặt giả thiết, BTA muốn thoái vốn khỏi Vinafco nhưng giá cổ phiếu giao dịch trên TTCK thấp thì việc thương lượng giá sẽ nhiều bất lợi. Khi hủy niêm yết, việc chào bán cổ phần sẽ dựa trên định giá tài sản doanh nghiệp, triển vọng phát triển. Cách làm này rõ ràng đem lại nhiều lợi thế hơn cho cổ đông hiện hữu.
Thực tế, đến 11/2014, Vinafco đã đón 1 cổ đông lớn hoàn toàn mới. The Shibusawa Warehouse, một doanh nghiệp Logistics Nhật Bản, đã bất ngờ thông báo chi 136 tỷ đồng để mua 11.864.173 cổ phiếu VFC , tương đương 35,1% lượng cổ phiếu VFC đang lưu hành. Giá mua của The Shibusawa Warehouse là 11.463 đồng/cổ phiếu, trong khi đó giá tại thời điểm VFC hủy niêm yết là 5.400 đồng/cổ phiếu.
Còn theo một chuyên gia đầu tư, việc tái cấu trúc doanh nghiệp sau M&A sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của nhiều đối tượng vì thế không tránh khỏi sự bất hợp tác hay phản đối. Nếu doanh nghiệp niêm yết những thông tin nội bộ doanh nghiệp dễ bị lợi dụng tác động đến giá cổ phiếu cũng như thu hút sự chú ý của truyền thông.
“Điều này không có lợi cho quá trình tái cơ cấu nên doanh nghiệp cũng muốn hủy niêm yết” – vị chuyên gia này bình luận.
Nhận định trên không phải không có cơ sở khi tại ĐHĐCĐ thường niên 2014 của BT6 khi thông qua hủy niêm yết cũng cho biết đây chỉ là giải pháp ngắn hạn 2-3 năm, sau khi khôi phục vị thế thì công ty sẽ xem xét niêm yết trở lại.
Chưa biết kết quả cuối cùng các thương vụ M&A do BTA khởi sự như thế nào, nhưng với những gì đã và đang diễn ra dường như hủy niêm yết là “phong cách M&A” của Bình Thiên An.