“Hụt hơi” cuối phiên, thị trường đảo chiều giảm điểm trở lại

(NDH) các cổ phiếu ngành ô tô vẫn chưa chấm dứt chuỗi phiên 'bết bát'. Cụ thể, trong phiên hôm nay, các mã TMT, HTL và HAX đều bị kéo xuống mức giá sàn, trong khi đó, HHS giảm tới 700 đồng xuống 16.900 đồng/CP.

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 1,11 điểm (-0,18%) xuống còn 610.6 điểm. Toàn sàn có 90 mã tăng, 130 mã giảm và 89 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index cũng giảm nhẹ 0,16 điểm (-0,2%) xuống còn 81,73 điểm. Toàn sàn có 88 mã tăng, 102 mã giảm và 181 mã đứng giá.

Thị trường trong phiên giao dịch hôm nay biến động khá khó chịu. Sau khi bật tăng khá mạnh ở đầu phiên, lực cầu có phần suy yếu đi đáng kể đã kéo hàng loạt các cổ phiếu lớn trên thị trường lùi xuống dưới mốc tham chiếu, từ đó, cả hai chỉ số về cuối phiên giao dịch cũng không thể duy trì được sắc xanh mà đảo chiều giảm trở lại.

Trong đó, các cổ phiếu lớn như BID, CTG, KDC, VIC, ACB, PVS… đều đồng loạt giảm giá. Khép phiên giao dịch, VIC giảm 400 đồng xuống còn 45.600 đồng/CP. BID giảm 300 đồng xuống 23.700 đồng/CP. PVS giảm 100 đồng xuống 22.000 đồng/CP.

FPT tăng khá tốt trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch cũng đã giảm trở lại 500 đồng xuống 52.000 đồng/CP. BVH và VNM cũng không thể duy trì được đà tăng mà lùi về đứng ở mức giá tham chiếu.

Chiều ngược lại, trên thị trường vẫn còn một số cổ phiếu lớn như GAS, SSI, MSN, VCG, PGS… duy trì được sắc xanh khá tốt. Trong đó, GAS tăng 800 đồng lên 47.500 đồng/CP. SSI tăng 200 đồng lên 24.000 đồng/CP.

Đáng chú ý, các cổ phiếu ngành ô tô vẫn chưa chấm dứt chuỗi phiên 'bết bát'. Cụ thể, trong phiên hôm nay, các mã TMT, HTL và HAX đều bị kéo xuống mức giá sàn, trong khi đó, HHS giảm tới 700 đồng xuống 16.900 đồng/CP.

Thanh khoản trên sàn HOSE và HNX trong phiên hôm nay tăng vọt lên hơn 3.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó có tới hơn 1.100 tỷ đồng là của giao dịch thỏa thuận. Như vậy, nếu chỉ tính riêng về khối lượng khớp lệnh thì giao dịch trong phiên hôm nay chỉ ở mức trung bình.

Mã DLG tăng 200 đồng lên 9.200 đồng/CP và có khối lượng khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt gần 7 triệu đơn vị. Trên sàn HNX, vị trí số 1 về khối lượng khớp lệnh thuộc về mã VCG, đạt hơn 4,4 triệu đơn vị. Khép phiên giao dịch, VCG tăng 200 đồng lên 12.500 đồng/CP.


Phiên sáng nay, diễn biến giao dịch trên thị trường là khá sôi động. Tâm điểm của giao dịch trong phiên sáng tập trung vào những giao dịch thỏa thuận với khối lượng rất lớn đến từ hai cổ phiêu VNM và FPT. Trong đó, VNM tiếp tục duy trì được mức tăng 1.000 đồng lên 124.000 đồng/CP và thỏa thuận được trên 6,1 triệu cổ phiếu, trị giá lên tới gần 795 tỷ đồng. Tương tự, FPT cũng nâng lượng thỏa thuận của mình lên thành 2,27 triệu cổ phiếu ở mức giá trần, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 127 tỷ đồng. Khép phiên sáng, FPT tăng nhẹ 500 đồng lên 53.000 đồng/CP và khớp lệnh trên 1 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, hai mã KHB và KSQ cũng có thỏa thuận lần lượt 5,6 triệu cổ phiếu và hơn 1,9 triệu cổ phiếu.

Về mặt điểm số, cuối phiên sáng đà tăng của hai chỉ số đã bị thu hẹp lại đáng kể do nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường như CTG, EIB, STB, AAA, SHB… đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Trong khi đó, một số cổ phiếu lớn khác là BID, BVH, SSI, VIC, VCG… vẫn duy trì được đà tăng khá tốt. Kết thúc phiên sáng, SSI tăng 300 đồng lên 24.100 đồng/CP. VCG tăng 500 đồng lên 12.800 đồng/CP. Bên cạnh đó, những diễn biến tích cực từ giá dầu thế giới đã hỗ trợ rất tốt các cổ phiếu dòng dầu khí như GAS, PGS, PVS...

Các cổ phiếu ô tô trong phiên sáng nay vẫn đi theo chiều hướng khá tiêu cực. Hai mã HTL và HAX vẫn bị kéo xuống mức giá sàn. TMT giảm 1.500 đồng xuống 56.000 đồng/CP. HHS cũng giảm 300 đồng xuống 17.300 đồng/CP.

Khép phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 1,99 điểm (0,33%) lên 613,7 điểm. Toàn sàn có 91 mã tăng, 90 mã giảm và 128 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 62,7 triệu cổ phiếu, tương ứng trên 1.957 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index đứng ở mức 82,01 điểm, tức tăng 0,12 điểm (0,15%). Toàn sàn có 88 mã tăng, 80 mã giảm và 203 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 36 triệu cổ phiếu, trị giá trên 346 tỷ đồng.


Tiếp nối những diễn biến tích cực từ phiên giao dịch hôm qua, tâm lý nhà đầu tư có phần khởi sắc hơn, lực cầu có phần dâng cao và giúp kéo hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên thị trường lên trên mốc tham chiếu.

Hiện tại, các cổ phiếu như BID, BVH, VNM, VIC, VCB, MSN, VCG… đều đồng loạt tăng giá. Tâm điểm của thị trường lúc này tiếp tục tập trung vào hai cổ phiếu nằm trong diện thoái vốn của SCIC là VNM và FPT. Trong đó, VNM tiếp tục tăng 2.000 đồng lên 125.000 đồng/CP. FPT tăng 1.000 đồng lên 53.500 đồng/CP.

Đáng chú ý, ngay từ khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch mới, VNM đã có thỏa thuận lên tới hơn 4 triệu cổ phiếu, trị giá trên 536 tỷ đồng. Tương tự, FPT cũng có thỏa thuận 2 triệu cổ phiếu ở mức giá trần, tương ứng 112 tỷ đồng.

Được biết, nhiều chuyên gia cho rằng việc F&N phủ nhận thông tin họ dự định mua lại 45,1% cổ phần nhà nước mà Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC) dự định thoái khỏi Vinamilk với giá 4 tỷ USD là theo chiều hướng có thể họ không mua ngay, chứ không phải họ không cân nhắc mua, vì thương vụ lớn như thế cần có thời gian.

Giá dầu phiên 3/11 tăng gần 4% khi giá xăng và dầu diesel tại Mỹ tăng mạnh do sự cố đường ống cùng với lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung từ Libya và Brazil do xung đột vũ trang và đình công. Thông tin trên đã có những ảnh hưởng tích cực đến các cổ phiếu dầu khí trên thị trường. Hiện tại, các mã như GAS, PVD, PXS, PVS, PGS… đều đua nhau tăng giá. GAS đang tăng 600 đồng lên 47.300 đồng/CP. PVS tăng 300 đồng lên 22.400 đồng/CP.

Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đang tăng 4,56 điểm (0,75%) lên 616,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 19,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt hơn 908 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index cũng đang tăng 0,59 điểm (0,72%) lên 82,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 9,7 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 108 tỷ đồng.

Với diễn biến khá tích cực trong phiên trong bối cảnh nền kinh tế duy trì ổn định, VCBS cho rằng đà tăng của thị trường vẫn được duy trì. Dòng tiền có xu hướng chuyển dịch sang các mã vốn hóa lớn với các yếu tố cơ bản tốt và chưa tăng quá nhiều trong thời gian qua. Vì vậy, một tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục tiếp tục được khuyến nghị với trọng tâm thuộc về các mã có yếu tố cơ bản tốt và có triển vọng kinh doanh sáng trong Quý 4 năm 2015 cũng như năm 2016 sắp tới.