Doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng dữ liệu tin cậy về các thị trường
Thị trường tiềm năng thức giấc
Theo Bộ Công Thương, 11 tháng năm 2014, KNXK của cả nước ước đạt 137 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2013. Các thị trường mới như châu Phi, châu Mỹ La tinh và vùng Caribe... đều có mức tăng trưởng rất khả quan. Cụ thể, KNXK sang châu Phi đã đạt 2,02 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ.
Trong đó, riêng KNXK sang khu vực Bắc Phi đã đạt 579 triệu USD, tăng trưởng đến 61,5% so với cùng kỳ. 2 thị trường lớn thuộc khu vực này là Ai Cập và Algieri đều có mức tăng trưởng XK đáng kể, lần lượt đạt 76,1% và 43,4%.
Do nhu cầu khá lớn, châu Phi đang là thị trường rất tiềm năng của các sản phẩm hàng Việt. Những mặt hàng XK chính của Việt Nam sang châu Phi là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, giày dép, sản phẩm dệt may, vật liệu xây dựng... Để tăng cường hợp tác thương mại, đến nay, Việt Nam và các nước châu Phi đã ký nhiều thỏa thuận quan trọng nhằm tạo khung pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) hoạt động.
Bên cạnh thị trường châu Phi, các nước Mỹ La tinh và vùng Caribê cũng có mức tăng trưởng XK đáng kể. 11 tháng qua, KNXK sang khu vực này đạt 3,33 tỷ USD, tăng 39,1% so với cùng kỳ. Riêng KNXK sang Chi lê đã đạt 470 triệu USD, tăng đến 133,8% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này đạt được do những tác động tích cực của Hiệp định Thương mại tự do giữa hai nước có hiệu lực từ tháng 1/2014.
Nếu so sánh với các thị trường truyền thống, KNXK sang các khu vực thị trường mới chưa quá cao, tuy nhiên, việc tiếp cận thành công các thị trường mới sẽ giúp đa dạng hóa thị trường. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, KNXK mặt hàng rau quả 11 tháng đã đạt 1,35 tỷ USD. Riêng tại thị trường Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, KNXK rau quả đã tăng đến 113,25%, góp phần đa dạng hóa thị trường, giảm áp lực cho DN, đặc biệt trong hoàn cảnh thị trường lớn nhất của rau quả Việt là Trung Quốc đang giảm nhập khẩu.
Cần thận trọng
Mặc dù có tiềm năng lớn nhưng theo các chuyên gia, các DN cũng cần thận trọng khi làm ăn với các đối tác tại thị trường mới. Đơn cử như tại khu vực châu Phi, ông Trần Quang Huy- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) - cho biết, thời gian qua, do tâm lý chủ quan và không đủ thông tin nên một số DN Việt Nam bị lừa mất tiền khi làm ăn với một số nước khu vực Tây và Trung Phi như Nigeria, Ghana, Benin, Togo, Cameroon... Do đó, các DN cần cảnh giác với những thương vụ quá hấp dẫn.
Để khắc phục các rào cản về thông tin, phong tục, tập quán, văn hóa và thủ tục hành chính khi làm ăn với các thị trường mới nói chung, bên cạnh việc tham gia các đoàn xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, ông Huy khuyến cáo, các DN Việt Nam cần dành một khoản ngân sách xây dựng cơ sở dữ liệu, phát triển và vận dụng hiệu quả các kỹ thuật phân tích thị trường tại địa bàn. Bên cạnh đó, tích cực rà soát thị trường, tìm hiểu thông tin từ mạng internet, các trang web của Chính phủ, Bộ Công Thương,Thương vụ Việt Nam tại các nước sở tại để tìm kiếm và phát triển quan hệ với các đối tác.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh:
Một trong những mục tiêu của hoạt động XK những năm tiếp theo là tập trung đa dạng hóa thị trường, mở rộng các thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.