Tuột dốc không phanh là trường hợp của cổ phiếu thủy sản Hùng Vương. Từ mức giá cổ phiếu lên đến 24.000 đồng cách đây hơn năm, hiện tại giá cổ phiếu của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất Việt Nam chỉ còn xoay quanh cột mốc 13.000 đồng (Có tính luôn tác động của các đợt phát hành thêm cổ phiếu và thưởng bằng cổ phiếu trong tháng 1 năm nay). Nhưng giá thấp không có nghĩa là rẻ, chỉ số giá trên thu nhập (PE) của cổ phiếu Hùng Vương hiện tại lên đến 19 lần, một mức khá cao so với mặt bằng chung của thị trường (với tỉ lệ khoảng trunh bình khoảng 12). Vì sao cổ phiếu Hùng Vương mất giá đến thế?
Đánh chiếm thị trường bất chấp hiệu quả
Điều dễ thấy là chiến lược của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dương Ngọc Minh trong các nằm gần đây là tập trung vào chiến lược đánh chiếm thị phần thông qua gia tăng công suất sản xuất cũng như tích cực M&A với các doanh nghiệp khác như Thủy sản Sao Ta, thức ăn Việt Thắng, thủy sản An Giang.
Tuy vậy, cũng giống như các doanh nghiệp khác khi quy mô đã phình to, năng lực quản trị dường như đang trở thành thách thức lớn cho Hùng Vương. Những kết quả thiếu tích cực về kinh doanh gần đây cho thấy Hùng Vương đang chứng minh điều đó.
Thực sự cho thấy, tham vọng của Dương Ngọc Minh là rất lớn. Mục tiêu doanh thu của Hùng Vương trong năm nay là 20.000 tỉ đồng. Tuy vậy, với con số 12,900 tỉ doanh thu thuần thực hiện trong 9 tháng đầu năm, dường như mục tiêu trong năm nay của Hùng Vương là khó đạt được.
Trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn do thị trường Mĩ áp dụng thuế chống phá giá cũng như đồng Euro sụt giảm mạnh, việc tăng trưởng 19% doanh thu là kết quả khá tích cực cho Hùng Vương khi so sánh với doanh nghiệp thủy sản khác như Vĩnh Hoàn hay Minh Phú. Nhưng khi đi vào chi tiết hơn sẽ thấy một số vấn đề nổi cộm.
Doanh thu xuất khẩu thuần trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 3.810 tỉ đồng, tăng 21% so với cùng kì năm trước. Doanh thu bán thức ăn chăn nuôi tăng trưởng hơn 1.000 tỉ đồng, tức tăng 37%. Doanh thu bán bánh đậu nành cùng nguyên liệu chế biến thức ăn tăng 19%, nhưng một khoản mục trọng yếu khác là doanh thu nội địa lại suy giảm 8%.
Thật ra, một trong những lí do giúp doanh thu của Hùng Vương cải thiện đáng kể trong trong 9 tháng đầu năm là nhờ Hùng Vương đã hợp nhất kết quả kinh doanh với thực phẩm Sao Ta kể từ quý 2 năm nay, đóng góp tới 1.584 tỉ đồng doanh thu cho Hùng Vương trong 2 quý gần đây.
Nhưng điều đáng lo ngại nhất đối với Hùng Vương chính là giá vốn hàng bán của Hùng Vương có chiều hướng tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng doanh thu, khiến cho tỉ suất lợi nhuận gộp của Hùng Vương từ 8,5% xuống của 9 tháng đầu năm trước xuống chỉ còn 7,2% trong 9 tháng đầu năm nay.
Kết hợp với doanh thu tài chính không còn đáng kể so với năm trước, chi phí tài chính tăng mạnh, nhất là chi phí lãi vay tăng 25% khiến cho lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm cua Hùng Vương chỉ đạt 161 tỉ đồng, sụt giảm đến 67%. Bài toán muốn đẩy nhanh quy mô doanh thu của Hùng Vương đang phải đánh đổi bằng lợi nhuận sụt giảm.
Ngoài ra, bán được nhưng chưa chắc thu được tiền tươi. Trong 9 tháng đầu năm, các khoản phải thu của khách hàng đã tăng thêm tới 2.389 tỉ đồng so với hồi đầu năm. Tỉ lệ của của khoản phải thu khách hàng so với doanh thu thuần đã tăng từ mức 27% hồi đầu năm lên đến 41% vào cuối quý 3 - một con số đáng báo động. Hàng tồn kho trong 9 tháng đầu năm cũng tăng 1.268 tỉ đồng so với hồi đầu năm.
Gánh nặng nợ khủng
Việc gia tăng thâu tóm các công ty và đẩy mạnh tham gia liên doanh liên kết (Hùng Vương đang giữ cổ phần chi phối 12 công ty, bên cạnh 8 công ty liên doanh liên kết khác) khiến cho sức ép nguồn vốn đầu tư và kinh doanh cho Hùng Vương ngày càng lớn.
Trong năm nay, Hùng Vương đã vay nợ để xây mới và mở rộng thêm 3 nhà máy chế biến cá tại Tiền Giang, Sa Đéc và Bến Tre, xây thêm 2 nhà máy chế biến tôm tại Sóc Trăng cùng một kho lạnh tại Bạc Liêu. Theo phân tích của công ty chứng khoán Maybank Kimeng, các dự án này khi hoàn thành sẽ giúp doanh nghiệp chủ động được năng lực sản xuất, nhất là từ 2016 trở đi.
Tuy vậy, rủi ro cũng không phải là nhỏ khi Hùng Vương đang đi vay nợ quá nhiều. Điều nguy hiểm là các khoản nợ của Hùng Vương hầu hết là các khoản nợ ngắn hạn. Trong 9 tháng đầu năm, Hùng Vương đã vay thêm 3.839 tỉ đồng. Tính chung với các khoản nợ khác, tỉ lệ nợ ngắn hạn trên tổng nguồn vốn của công ty hiện đã lên đến 74%, tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của công ty đã đạt tới cột mốc 4,2 lần, những con số không hề nhỏ tí nào đối với bất kì doanh nghiệp nào, thậm chí là ngay cả với các doanh nghiệp bất động sản với đặc thù có tỉ lệ nợ cao.
Trong thời gian tới, các hiệp định thương mại lớn như TPP, FTA với Châu Âu có thể sẽ là cứu cánh, mở cửa thêm các thị trường xuất khẩu cho Hùng Vương. Nhưng trước mắt, các hiệp định này vẫn cần ít nhất là 2 năm để bắt đầu có hiệu lực. Trong bối cảnh cạnh tranh về xuất khẩu thủy sản trên thế giới ngày càng phức tạp, các biện pháp chống bán phá giá ngày càng tinh vi của các quốc gia phát triển cùng chính sách tỉ giá khá cứng của Việt Nam, thách thức để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay không phải là dễ dàng cho Dương Ngọc Minh, dù tài năng của ông là không thể phủ nhận.
Mới đây, sau cá tra và tôm, Hùng Vương lại quyết định dành 2.000 tỉ đồng đầu tư hệ thống chăn nuôi heo với mục tiêu là đến 2017 sẽ có sản phẩm thịt heo mang thương hiệu Hùng Vương xuất hiện rên thị trường. Nhưng ngành chăn nuôi heo của Việt Nam được nhìn nhận là không có lợi thế cạnh tranh khi so sánh với các quốc gia rất mạnh khác trong khối TPP như Mĩ, Mexico, Canada, liệu hướng đi mới của Dương Ngọc Minh sẽ thành công?