Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Với sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả khả quan trong nhiều lĩnh vực. Dự kiến GDP năm 2014 tăng 9%; một số chỉ tiêu kinh tế hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch đề ra. Đặc biệt thu ngân sách trên địa bàn ước thực hiện đạt 34.000 – 35.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa dự kiến đạt khoảng 16.000 tỷ đồng. Đồng chí khẳng định: Có được những kết quả trên có sự tham gia đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Với phương châm sự phát triển của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của tỉnh, Quảng Ninh luôn xác định và chú trọng đồng hành, tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển ổn định. Thông qua hội nghị lần này, đồng chí cũng mong muốn các doanh nghiệp tham gia đóng góp, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp hơn nữa.
Báo cáo tổng hợp tình hình giải quyết các kiến nghị, khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2014, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ đầu năm đến nay đã có 188 đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp được các ngành, đơn vị của tỉnh tiếp nhận và giải quyết. Trong đó, có 65 nội dung được trả lời, giải đáp tại hội nghị tháng 4-2014; 116 nội dung được trả lời bằng văn bản; hiện còn 7 nội dung đang được các cơ quan liên quan tập trung giải quyết. Nội dung kiến nghị của doanh nghiệp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: đất đai; công nghiệp; tài chính ngân hàng; môi trường; nông – lâm – ngư nghiệp; thuế, thủ tục hành chính… Một số nội dung liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất; tháo gỡ tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Do đó, năm 2014, ước có khoảng 1.161 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng kỳ trên 4,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% về số doanh nghiệp so với năm 2013.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì hội nghị.
Trong khuôn khổ hội nghị, đã có 49 kiến nghị của doanh nghiệp được gửi đến các sở, ngành của tỉnh xem xét, giải quyết. Trong đó các kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực như: quản lý du lịch; chính sách về giá dịch vụ lưu trú, dịch vụ tàu du lịch; quản lý đo lường; hỗ trợ vay vốn doanh nghiệp; kê khai giá; hồ sơ thuê đất; công tác dự báo thiên tai; quy hoạch cụm công nghiệp.…
Liên quan đến các kiến nghị, lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành của tỉnh đã trả lời trực tiếp, làm rõ những quan tâm của doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ngành, địa phương đã lắng nghe, giải quyết cụ thể những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị các đơn vị tiếp tục tiếp thu, nghiên cứu, thực hiện tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Nhấn mạnh sự tích cực của các doanh nghiệp trong khắc phục khó khăn, nỗ lực sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự chung của tỉnh năm 2014, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: tỉnh Quảng Ninh luôn xác định sự thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh. Do đó, thời gian qua tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, gặp gỡ với doanh nghiệp theo hàng tháng, hàng quý, theo từng chuyên đề, lĩnh vực. Nhờ đó, đã phần nào tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tỉnh cơ bản trở thành tỉnh dịch vụ - công nghiệp, bên cạnh những nỗ lực từ phía chính quyền, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh, xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển bền vững hơn nữa. Trong đó, trước mắt đồng chí đề nghị các doanh nghiệp tham gia xây dựng thương hiệu tỉnh Quảng Ninh thông qua hưởng ứng chương trình “Nụ cười Hạ Long”.
Các doanh nghiệp đề xuất kiến nghị tại hội trường.
Đồng chí cũng khẳng định: những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp sẽ là cơ sở để tỉnh rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành, qua đó, lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả hơn nữa./.
Một số giải đáp, trả lời của đại diện các sở, ngành của tỉnh về quan tâm, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp:
Trả lời kiến nghị của doanh nghiệp về quy định sơn tàu, Sở Giao thông Vận tải cho biết: việc quy định các doanh nghiệp phải cam kết và chỉ được phép xuất bến khi chất lượng sơn trắng từ 80% trở lên. Do đó, việc sơn trắng vỏ tàu du lịch cũng như đảm bảo duy trì chất lượng sơn trắng là trách nhiệm cụ các chủ tàu. Trong quá trình hoạt động bị trầy xước, bong tróc, hoặc chất lượng sơn ố bẩn thì chủ tàu phải khắc phục, đảm bảo chất lượng cũng như mỹ quan.
Làm rõ hơn nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBDN tỉnh khẳng định: đây là chủ trương của tỉnh Quảng Ninh, kết quả thực hiện thời gian qua đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của khách du lịch trong và ngoài nước. Chính vì vậy, tỉnh kiên quyết yêu cầu phải sơn trắng tất cả các tàu hoạt động vận chuyển khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long, doanh nghiệp nào không chấp hành sẽ không cấp đăng kiểm.
Sở Giao thông vận tải cũng làm rõ kiến nghị của doanh nghiệp về làm rõ quy định tính tuổi tàu. Theo trả lời của Sở, Luật Giao thông đường thủy nội địa và các văn bản quy pháp pháp luật trước đây thì chưa có quy định nào về niên hạn tàu. Nhưng để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, UBND tỉnh đã ban hành quyết định 716/QĐ-UBND và quyết định số 3636 thay thế quyết định 716 quy định về tuổi tàu. Mới đây, ngày 20-11, theo đề nghị của các bộ, ngành Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 111/2014/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng cho từng loại tàu cụ thể. Tới đây, khi có Thông tư hướng dân của Bộ Giao thông Vận tải, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh quy định tuổi tàu cho phù hợp với các nghị định và thông tư.
Đồng chí Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
Về kiến nghị kiến nghị của Công ty Cảng Quốc tế Cái Lân (CICT) liên quan đến việc minh bạch hóa, chống tiêu cực trong môi trường kinh doanh, Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định rõ; Thời gian tới, tỉnh sẽ chỉ đạo cụ thể với các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Cục hàng hải Việt Nam tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý việc đối với các trường hợp vi phạm về tải trọng.
Kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị tỉnh kiên quyết xử lý các trường hợp chèo kéo, đeo bám khách du lịch bên ngoài cổng Cảng tàu khách du lịch, tạo thông thoáng và không gây ô nhiễm môi trường, Sở Giao thông vận tải khẳng định rằng: Sở đã và đang phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, thanh tra giao thông, chính quyền địa phương để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị và văn minh trong vận chuyển khách du lịch. Sở cũng đã chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông cùng Công ty Bến xe – Bến tàu Cảng vụ Đường thủy nội địa, các lực lượng chức năng tập trung cương quyết, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm gây mất an ninh, trật tự, an toàn giao thông tại khu vực ngoài cổng cảng. Riêng đối với quan tâm của doanh nghiệp về quyền và trách nhiệm của cảng tàu đối với quản lý khách tự do chưa có hợp đồng, Sở Giao thông vận tải đề nghị đơn vị quản lý cảng tàu có trách nhiệm đón tiếp, hướng dẫn khách, đồng thời, phối hợp với lực lượng công an để ngăn chặn, xử lý các hành vi cò mồi, chăn dắt, đeo bám khách…
Phát biểu liên quan đến việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng hy vọng các doanh nghiệp tiếp tục ủng hộ tích cực tham gia cộng tác để cùng thúc đẩy phát triển du lịch Hạ Long.
Trả lời kiến nghị của Hiệp hội tàu du lịch về khung giá dịch vụ vận chuyển và lưu trú khách tham quan Vịnh Hạ Long, Sở Tài chính cho biết: Theo quy định của UBND tỉnh, kết quả xếp hạng tàu lưu trú dùng để xác định chất lượng dịch vụ của tàu và là cơ sở để xây dựng đơn giá bán dịch vụ lưu trú nghỉ đêm và các loại hình dịch vụ khác trên tàu. Để thống nhất khung giá vận chuyển, các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch, Sở Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị thông báo khung giá dịch vụ vận chuyển và lưu trú khách tham quan du lịch trên Vịnh. Theo đó, trong thời gian chưa có quyết định xếp hạng tàu lưu trú, thống nhất khung giá theo phân loại tàu năm 2014 của Sở Giao thông Vận tải; trên cơ sở đó, Sở đã ban hành thông báo số 1965/TB-STC thông báo về khung giá vận chuyển và lưu trú khách tham quan trên Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Đến ngày 7-11, Sở Văn hóa đã xếp hạng được 117/160 doanh nghiệp tàu lưu trú. Vì vậy, Sở Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các ngành, Hiệp hội nghề nghiệp, chủ tàu và các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan điều chỉnh khung giá dịch vụ lưu trí khách du lịch trên Vịnh Hạ Long cho phù hợp.
Về kiến nghị của doanh nghiệp cho rằng quy định kê khai giá của Bộ Tài chính sẽ gây khó khăn về thời gian cho doanh nghiệp, Sở Tài chính cho rằng kiến nghị của doanh nghiệp là đúng. Sở đã báo cáo Bộ Tài chính để xem xét, điều chỉnh và kiến nghị trong trường hợp điều chỉnh tăng, giảm giá dịch vụ vượt 10% trở lên so với mức giá đã kê khai trước đó, doanh nghiệp mới phải thực hiện kê khai theo quy định.
Đồng chí Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Sở Tài chính trả lời kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp
Liên quan đến kiến nghị của Tổng Công ty Đông Bắc đề nghị giải quyết cho đơn vị được thuê đất và thực hiện các thủ tục đầu tư để thực hiện các Dự án khai thác than theo quy hoạch phát triển ngành than, Sở Tài Nguyên môi trường đề nghị đơn vị lâp hồ sơ xin thuê đất đối với các dự án theo quy định của UBND tỉnh tại quyết định số 3288/2012/QĐ-UBND. Trường hợp thuê đất đang sử dụng thì được lược bớt các thủ tục về quy hoạch, giấy chứng nhận đầu tư theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Về kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng và đào tạo lao động trong lĩnh vực sản xuất gạch ngói, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh trả lời như sau; Doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc 1 trong 5 đối tượng ưu tiên được cho vay theo các quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng chính sách ưu tiên về điều kiện vay vốn, lãi suất. Tại Quảng Ninh, thời gian quan, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại và phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, địa phương tổ chức kết nối, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện doanh các doanh nghiệp tiếp cận vay vốn. Các ngân hàng thương mại đều có các chương trình/ gói cho vay riêng để hỗ trợ doanh nghiệp. Cũng liên quan đến kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị được vay vốn lưu động với chính sách ưu đãi, đề nghị đơn vị liên hệ với Ngân hàng thương mại hoặc Ngân hàng Nhà nước để được hướng dẫn cụ thể.
Liên quan đến lĩnh vực du lịch, Công ty TNHH Hương Hải đề nghị UBND tỉnh cho biết quy định số lượng phòng được đóng mới thay thế. Về nội dung này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời: Việc phát sinh, gia tăng về số lượng phòng ngủ trên Vịnh Hạ Long phải theo quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch. Hiện nay, trên Vịnh Hạ Long đã có gần 2000 phòng ngủ trên các tàu du lịch, công suất khai thác còn ở mức thấp, mặt khác qua nghiên cứu và quy hoạch du lịch đã được phê duyệt, thời điểm hiện nay việc gia tăng thêm số phòng ngủ trên tàu là không cần thiết. Đối với việc đóng mới thay thế các tàu cũ là cần thiết, tuuy nhiên vẫn phải đảm bảo nguyên tắc không gia tăng số phòng hiện có. Đối với chủ trương này, UBND tỉnh đã có văn bản số 3238/UBND-TM1 chỉ đạo về nội dung này. Đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giao thông Vận tải cũng đã có nhiều thông báo để phổ biến, hướng dẫn chủ trương trên của tỉnh gửi đến các doanh nghiệp.
Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đối với kiến nghị của doanh nghiệp về hỗ trợ đào tạo lao động, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị đơn vị tiến hành đăng ký với Sở về nhu cầu đào tạo nghề cho lao động trước 10-12 hàng năm đẻ Sở xây dựng kế hoạch dạy nghề cho năm kế tiếp. Hoặc đơn vị cũng có thể liên hệ với Phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội tại địa phương có cơ sở sản xuất để được hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể thành lập cơ sở đào tạo nghề trực thuộc doanh nghiệp và đăng ký hoạt động dạy nghề theo Thông tư 29/2011/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề. Về nội dung nâng cao trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước với các cán bộ quản lý, doanh nghiệp có thể liên hệ với Đảng bộ khối các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đóng trên địa bàn để được xem xét, cử cán bộ tham gia lớp bồi dưỡng hằng năm theo các chương trình của tỉnh./.