Hồ tiêu xuất khẩu: Cảnh báo chất lượng!

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu đã bị đối tác trả lại hàng, chủ yếu là tiêu thô (chiếm 85% lượng xuất khẩu) do chất lượng không bảo đảm.

Bà Nguyễn Thị Mai Oanh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam - cho biết, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu đạt kỷ lục, trên 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, quý I /2015, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh, hồ tiêu xuất khẩu bị trả lại nhiều, chủ yếu là tiêu thô, chiếm 85% lượng xuất khẩu, nguyên nhân do chất lượng không bảo đảm. Đặc biệt, từ năm 2015, EU bắt đầu siết chặt các quy định về chất lượng hồ tiêu nhập khẩu.

Theo bà Oanh, hiện nay, đa số nông dân có xu hướng trữ tiêu để bán dần nên có thể họ đã sử dụng chất carbedazim để trừ nấm cho tiêu. Hơn nữa, cũng như các ngành nông sản khác, tiêu hiện được thu mua qua hệ thống thương lái, vì vậy, chất lượng tiêu bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu không đồng đều.

Hiệp hội Hồ tiêu kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khảo sát, đánh giá hồ tiêu hiện nay có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không và nếu có thì ở khâu nào trong quá trình canh tác? Do sự hiểu biết của nông dân hạn chế, do lạm dụng để bảo đảm sản lượng hay do quá trình thu mua?...

Hiện nay, diện tích hồ tiêu đang tăng nóng nhưng ở nhiều nơi, nông dân còn thiếu kinh nghiệm chăm sóc tiêu. Vì vậy, cần đẩy mạnh công tác khuyến nông, mở các lớp tập huấn để giúp đỡ nông dân trồng tiêu theo hướng bền vững, an toàn. Song, nhiều địa phương có ý kiến, do chưa có quy trình canh tác chuẩn cho hồ tiêu nên các địa phương gặp khó trong công tác tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây tiêu cho nông dân.