Vụ xâm phạm nhãn hiệu Aji-no-moto: DN kiện quản lý thị trường
Dùng chất cấm trong chăn nuôi: Kiến nghị quy định thành tội danh
Tại một hội thảo cập nhật về TPP cuối tuần qua, ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), cho biết trong TPP có quy định các hình thức chế tài, kể cả xử lý hình sự đối với vi phạm sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan, kể cả trong trường hợp đối tượng vi phạm không cố ý hoặc không thu lợi tài chính. Khi TPP có hiệu lực, những hành vi xâm phạm về công nghệ, nhãn hiệu, sở hữu trí tuệ… đều có thể bị xử lý hình sự.
Cơ quan chức năng trưng bài hàng giả để người tiêu dùng phân biệt
Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đây là một biện pháp mạnh mẽ được kỳ vọng sẽ giảm bớt tình trạng hàng nhái, hàng giả vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ vốn chưa được xử lý triệt để thời gian qua.
Tổng giám đốc một DN trong lĩnh vực nước giải khát cho biết sản phẩm của công ty ông bị 28 đơn vị xâm phạm sở hữu trí tuệ (thực chất là sản xuất hàng nhái bán giá rẻ hơn). Mỗi lần như vậy, công ty ông đều tự phát hiện bằng cách thu thập thông tin về sản phẩm nhái như: tìm nơi bán, nơi sản xuất rồi mua hàng lấy hóa đơn làm bằng chứng. Thậm chí, công ty còn cử nhân viên đóng vai người mua hàng, xin làm công nhân trong những cơ sở này để tìm hiểu quy trình sản xuất. Sau khi có chứng cứ mới xin cơ quan quản lý xác nhận sản phẩm của mình đang bị làm giả, vi phạm sở hữu trí tuệ!
Nhọc công là vậy, sao DN không kiện ra tòa? Vị tổng giám đốc này ngao ngán, việc bị làm hàng giả đã phản ánh lên cơ quan quản lý rồi nhận được trả lời “cứ từ từ”. Vì vậy, biện pháp hiệu quả hơn là DN này gặp trực tiếp lãnh đạo cơ sở làm hàng giả để… trao đổi và đánh vào lòng tự trọng của họ. “Trước đây, quy định lỏng lẻo nên tòa không xử lý được, nay có chế tài nhưng thực thi cũng không hiệu quả, tòa tuyên xong không ai chấp hành nên chẳng DN nào mặn mà đi kiện” - vị tổng giám đốc này bức xúc.
Thế nên, với những quy định mạnh mẽ trong TPP, nhiều DN kỳ vọng cũng là dễ hiểu. Lãnh đạo một số DN cho rằng khi vào TPP có thể bùng nổ những vụ kiện xâm phạm sở hữu trí tuệ do DN nước ngoài thực hiện, chứ không xuất phát từ DN Việt Nam. Lúc này, những DN làm ăn chân chính, có thương hiệu có quyền kỳ vọng những xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ giảm đi. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cũng thừa nhận những quy định về sở hữu trí tuệ trong TPP cao hơn khuôn khổ của WTO (Tổ chức Thương mại thế giới) sẽ tạo ra thách thức cho DN Việt Nam trong thời gian tới. Bởi khi mở cửa, hàng Việt có cơ hội vươn ra nước ngoài thì hàng ngoại tràn vào cũng mạnh mẽ hơn, đi kèm là những điều kiện về bảo hộ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cao hơn. “Điều cơ bản nhất là những xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ chuyển từ xử phạt hành chính sang xử lý hình sự, mức độ chế tài cao hơn rất nhiều so với trước. Các DN phải nghiên cứu rất kỹ quy định trong TPP để nghiêm túc thực hiện, đồng thời cũng để biết bảo hộ thương hiệu, sáng chế, sản phẩm của chính mình” - ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, Bộ Khoa học và Công nghệ đang có những chương trình nâng cao năng lực thực thi về sở hữu trí tuệ cho DN. Chính phủ cũng đang rà soát lại việc sửa đổi những quy định cho phù hợp, trong đó có Luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu từ TPP. Hy vọng với những quy định mới trong TPP, các DN sẽ không lo “kiện phải củ khoai” các vụ xâm phạm sở hữu trí tuệ.