Cái khó ló cái khôn
Melissa Kieling bước vào giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời, khi cô ly dị, trở thành mẹ đơn thân, thất nghiệp sau một thập kỷ ở nhà chăm sóc ba đứa con. Melissa bị ngân hàng tịch thu lại xe hơi, và tài khoản ngân hàng thì còn vỏn vẹn 13 USD. Để kiếm được việc làm trong hoàn cảnh ấy cũng không hề dễ dàng gì bởi cô không có kinh nghiệm làm việc. Để nuôi sống được mình và các con, Melissa buộc mình phải suy nghĩ để tìm kiếm một con đường đi.
Ý tưởng kinh doanh đến với Melissa chính từ việc các con cô than phiền rằng quả việt quất mà cô chuẩn bị cho con mang đến trường ăn chưa bị chảy ra mặc cho cô đã sử dụng gel đông lạnh cho hoa quả được tươi lâu hơn. Lúc đó Melissa đã nảy ra ý tưởng làm túi đựng đồ ăn trưa có các gel đông lạnh ở bên trong túi, và có các ngăn giúp đồ ăn được tươi lâu hơn như trong tủ lạnh. Cô thắc mắc là sao trước giờ chưa có ai nghĩ ra sản phẩm thiết thực này?
Để làm mẫu túi đầu tiên, Melissa cắt vải từ rèm cửa của mình ra làm lớp lót, cắt một tấm chăn lạnh có sẵn ở nhà để làm nguyên liệu tạo ra một chiếc túi giữ lạnh. Melissa trở thành chuyên gia trong các chất liệu gel giữ lạnh nhờ việc tìm tòi tất cả các nguyên liệu có thể để chế tạo chiếc túi của cô. Mục tiêu của Melissa là tạo ra một chiếc túi thân thiện với môi trường, an toàn cho thực phẩm, và giúp các thực phẩm để trong túi được tươi mát và nguyên hình dáng. Cô đặt tất cả các mẫu gel giữ lạnh trên thị trường và kiểm nghiệm trên các nền nhiệt độ khác nhau, để xem mức nhiệt nào là thích hợp nhất để giữ cho độ lạnh được lâu nhất. Cuối cùng cô cũng tìm ra nguyên liệu thích hợp để làm chiếc túi giữ lạnh giúp cho các thực phẩm đựng vào có thể giữ được ở nhiệt độ 20 độ C trong 10 tiếng đồng hồ.
Tìm kiếm cơ hội
Sau khi tạo ra được chiếc túi mẫu đầu tiên, Melissa đem đi giới thiệu với một số người bạn của cô, và họ đã đầu tư cho cô 200.000 USD, số tiền đủ để Melissa có thể sản xuất lô 5.000 túi đầu tiên tại một nhà máy của địa phương. Sau đó, Melissa đem mẫu túi của mình đến bán ở một số hội chợ thương mại. Ở hội chợ đầu tiên tại Las Vegas, vận may đã mỉm cười với cô khi những khách hàng mục tiêu đến xem sản phẩm và ngay lập tức yêu thích nó, yêu cầu cô mở một buổi giới thiệu sản phẩm.
Đây quả là một cơ hội lớn mở ra cho Melissa, nhưng với một người không có kinh nghiệm đi làm, chưa bao giờ thuyết trình và cảm thấy ngượng ngùng khi để chức danh Tổng giám đốc lên tấm danh thiếp của mình thì việc mở một buổi giới thiệu cho khách hàng cũng là một thách thức với cô. Melissa đã quyết định giới thiệu mình là một người mẹ và người sáng lập của công ty, diễn giải rằng mình chỉ đơn thuần là một người mẹ nhìn thấy những nhu cầu thiết thực cho các con mà chưa được đáp ứng.
Những nhà đầu tư đã bắt đầu quan tâm đến sản phẩm của Melissa, bởi ý tưởng này quả là rất hay và thiết thực. Nhưng điều mà Melissa cần làm cho PackIt (tên công ty của cô) đó là phải đào tạo được cho khách hàng hiểu vì sao họ cần sản phẩm này, cũng như cách thức vận hành của nó ra sao, khác biệt so với những túi đồ ăn thông thường vẫn được dùng cho trẻ mang đến trường như thế nào. Tuy cảm thấy sợ hãi vì quá nhiều việc cần phải làm, nhưng Melissa không nản chí. Cô học tất cả mọi việc, từ quy trình sản xuất sản phẩm, đến tài chính, marketing.
Một vài tháng sau, Melissa đã nhận được 2 triệu USD từ các nhà đầu tư bí mật và được giới thiệu đến những người có kinh nghiệm trên thị trường để giúp cô đưa sản phẩm ra rộng rãi.
Doanh số bán hàng của PackIt đã tăng từ 150.000 USD lên tới 6 triệu USD trong năm đầu tiên gây dựng công tư, 2010 đến 2011. Cho đến nay, tốc độ tăng trưởng trong 3 năm liên tiếp vừa qua của công ty đạt tới 7.878%, PackIt đứng ở vị trí 28 trong danh sách 500 công ty tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ do Inc bình chọn.
Melissa tự tin trong năm nay doanh số công ty có thể đạt 16 triệu USD, và với cô PackIt là vấn đề sống còn bởi cô không có một phương án phụ nào cả, và cô phải chiến đấu vì cuộc sống của mình và ba đứa con.