Hải quan cảnh báo hàng Trung Quốc

Hải quan cảnh báo hàng Trung Quốc "núp" xuất xứ Việt Nam

Hiện nay, một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc về đóng gói bao bì rồi xuất đi nước khác "núp" dưới chứng nhận xuất xứ (C/O) Việt Nam để nhận ưu đãi thuế suất theo các hiệp định thương mại. Đây là hành động nguy hiểm, ảnh hưởng đến nền sản xuất.

Trong hội nghị đối thoại với doanh nghiệp diễn ra sáng nay, 19-11, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, đã bày tỏ lo ngại này khi nhận được một số câu hỏi liên quan đến việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa từ phía doanh nghiệp.

Ông Nghiệp cho biết, trong thời gian qua cơ quan hải quan đã tiếp một số đoàn khách từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ đến để xác minh về xuất xứ hàng hóa, các đoàn còn xuống tận khu chế xuất để kiểm tra thực tế.

Theo ông Nghiệp, nguyên nhân của việc này là có các doanh nghiệp nhập khẩu bán thành phẩm hoặc thành phẩm từ Trung Quốc, sau đó thực hiện đóng gói tại Việt Nam rồi xuất khẩu đi Hoa Kỳ, lấy chứng nhận xuất xứ (form D) của Việt Nam và được hưởng thuế xuất ưu đãi nhờ hiệp định thương mại Việt-Mỹ.

Ông Nghiệp cho biết, đây là việc nguy hại bởi khi phía Hoa Kỳ phát hiện xuất xứ không đúng, họ sẽ thực hiện áp thuế, ảnh hưởng đến cả nền sản xuất. "Xuất xứ Việt Nam thì phải có hàm lượng, không phải chỉ đóng gói. Cơ quan cấp xuất xứ phải làm cẩn thận để bảo vệ cả nền sản xuất. Hoa Kỳ là thị trường xuất siêu lớn nhất của Việt Nam, chúng ta phải tôn trọng luật chơi", ông Nghiệp nói.

Sắp tới, khi Luật Hải quan sửa đổi có hiệu lực, cơ quan Hải quan cũng sẽ thực hiện kiểm tra xuất xứ.

Ông Phan Bình Tuy, Phó trưởng phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan TPHCM, cho biết hiện nay việc cấp xuất xứ hàng hóa là thẩm quyền của Bộ Công Thương. Quy định hiện hành của các hiệp định thương mại thì gia công đơn giản như đóng gói bao bì, tách phần… sẽ không được cấp xuất xứ.

Vẫn bức xúc chuyện làm khó của công chức hải quan

Cũng giống như nhiều hội nghị đối thoại trước đó, doanh nghiệp đã phản ánh nhiều câu chuyện bị công chức hải quan làm khó khi thực hiện thủ tục hải quan ở các cửa khẩu.

Ví dụ, Công ty TNHH Meinan Việt Nam ở Khu chế xuất Linh Trung 2 phản ánh, lâu nay họ thực hiện việc thanh khoản hải quan theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan là gộp những mã hàng hóa chung. Nhưng mới đây, cán bộ phòng thanh khoản ở chi cục hải quan doanh nghiệp làm việc trực tiếp lại yêu cầu liệt kê chi tiết từng mã nguyên liệu cụ thể, không đồng ý cho gộp chung.

Doanh nghiệp YMT thì cho biết, mới đây công ty bất ngờ nhận được hai thông báo phạt chậm nộp thuế giá trị gia tăng với số tiền trên 6 triệu đồng cho hai lô hàng xuất khẩu đã thực hiện vào tháng 5-2012 và tháng 8-2013, thời điểm quy định về ân hạn thuế 275 ngày còn hiệu lực và doanh nghiệp cũng đã nộp thuế. Không đồng tình, doanh nghiệp thắc mắc thì công chức hải quan lại giải thích không thuyết phục, dẫn chiếu quy định không chính xác.

Về từng trường hợp cụ thể, lãnh đạo Cục Hải quan đã trả lời. Ông Nghiệp nhấn mạnh sẽ ghi nhận và nhắc nhở cấp dưới.