Hai doanh nghiệp xin nhập tàu cũ: Không thuộc diện vay ưu đãi

Việc nhập tàu đã qua sử dụng như tờ trình của 2 doanh nghiệp cũng không đáp ứng được yêu cầu theo quy định

Chiều 3-9, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đào Hồng Đức - Cục trưởng Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) - khẳng định: Theo quan điểm của Bộ NN-PTNT và đối chiếu các quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7-7-2014 về một số chính sách phát triển thủy sản thì Công ty CP Tập đoàn Hải sản Trí Việt (Vĩnh Long) và Công ty CP Đức Khải (TP HCM) đều không đáp ứng được các tiêu chí  để được vay vốn ưu đãi. Việc nhập tàu cũ đã qua sử dụng như tờ trình là không đáp ứng được yêu cầu theo quy định.

Hai doanh nghiệp xin nhập tàu cũ: Không thuộc diện vay ưu đãi - 1

Các tàu do Công ty Đức Khải dự định mua

Trước đó, ngày 9-7-2014, Công ty Trí Việt do ông Trần Văn Trí (chồng đại gia thủy sản Diệu Hiền) làm chủ tịch HĐQT, có tờ trình gửi các bộ, ngành xin cơ chế hỗ trợ vay ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong việc nhập khẩu và đóng 220 tàu vỏ thép; xây dựng 2 cầu cảng; nhập 3 máy bay trực thăng cứu hộ cứu nạn. Trong đó, giai đoạn I bắt đầu từ năm 2014, với việc nhập khẩu 50 tàu vỏ thép đã qua sử dụng nhằm phục vụ cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ và nhập 2 tàu vỏ thép cứu hộ cứu nạn; đóng 20 tàu cá làm dịch vụ hậu cần nghề cá...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết sau khi xem xét hồ sơ của Trí Việt, ngày 6-8, bộ đã có công văn trả lời công ty này, đồng thời gửi cho Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành. Theo đó, về việc xin nhập 50 tàu cá vỏ thép đã qua sử dụng, Bộ NN-PTNT cho rằng theo quy định hiện hành thì điều kiện tuổi của tàu không quá 8 tuổi (tính từ năm đóng đến thời điểm nhập khẩu); máy chính của tàu không quá 2 năm so với tuổi tàu (đối với tàu cá đã qua sử dụng)...

Vì vậy, 13 trong số 14 tàu do công ty cung cấp thông tin đều có tuổi trên 15 năm, 1 tàu có tuổi là 12 năm, trong đó còn có nhiều tàu đóng từ năm 1978, 1982 (đã trên 30 năm hoạt động) là không đúng quy định tại Nghị định 67.

Nếu áp dụng theo Nghị định số 29/2009/NĐ-CP về đăng ký mua bán tàu biển quy định tại điều 9: “Giới hạn tuổi tàu biển đăng ký lần đầu tại Việt Nam” thì tàu đã qua sử dụng phải có tuổi tàu tính từ năm đóng không quá 15 năm. Vì vậy, việc nhập tàu của Trí Việt cũng không đủ điều kiện.

Về việc vay vốn đóng tàu cá ưu đãi theo Nghị định 67, văn bản của Bộ NN-PTNT, cho rằng nghị định quy định rõ về điều kiện cho vay: Các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duyệt. Do vậy Bộ NN-PTNT cho rằng Trí Việt cần liên hệ với chính quyền địa phương để được hướng dẫn cụ thể.

Trước đó, ngày 18-6, ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Khải, cũng đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế hỗ trợ, ưu đãi thực hiện thí điểm trong việc đầu tư đội tàu 100 chiếc có công suất lớn từ 500 đến 1.500 mã lực chuyên dụng để đánh bắt xa bờ. Tổng giá trị đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng, trong đó Đức Khải xin vay 90% (1.350 tỉ đồng) với lãi suất ưu đãi 1%/năm.  Ngày 15-8, Bộ NN-PTNT cũng đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ để trả lời đề xuất của Đức Khải. Theo đó, bộ cũng không đồng ý với đề xuất xin nhập tàu cá vỏ thép đã qua sử dụng của công ty này. 

Có bao nhiêu làm bấy nhiêu!

Ngày 3-9, ông Trần Văn Trí, Chủ tịch HĐQT Công ty Trí Việt, nói rằng nếu các ngành chức năng không đồng ý hỗ trợ cho kế hoạch của công ty thì đơn vị sẽ chuyển sang phương án dùng tiền của mình để thực hiện theo kiểu “có bao nhiêu thì nhập và đóng tàu cá bấy nhiêu”. Còn ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Khải, cho biết ông vẫn đang âm thầm chuẩn bị cho việc nhập tàu về Việt Nam. Đức Khải sẽ đầu tư theo khả năng và làm đúng quy định, nghĩa là ông vẫn nhập tàu có tuổi thọ được phép nhập theo quy định.  

C.Tuấn - S.Nhung